Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT +7)
Đầu năm nói chuyện dâng, đốt vàng mã khi đi lễ đền, chùa
Chủ nhật, 17/03/2024 | 10:37:26 [GMT +7] A A
Dâng, cúng lễ và đốt vàng mã đang trở thành câu chuyện "nóng" dịp đầu năm ở các đền, chùa. Nhiều nơi, người đi lễ chùa đã không còn được “tĩnh tâm” vì bị chi phối từ việc sử dụng tràn lan vàng mã…
Chuyện đi lễ đầu năm
Từ Quảng Ninh về Bắc Ninh "vay lộc", người bạn tôi cho biết đây là lần đầu anh đến đền Bà Chúa Kho xin lộc làm ăn, cuối năm sẽ quay lại trả. "Lần đầu đến đền vay lộc, chưa có kinh nghiệm nên tôi mua sớ tấu, lễ ở ngoài cổng. Biết sử dụng vàng mã tốn kém lại không tốt nhưng đây là phong tục nên không thể bỏ được. Thấy ai ai cũng dâng lễ vàng mã, khắp nơi mời chào, khuyên răn, tôi cũng dâng lễ với chút tiền vàng nhưng hạn chế tối đa những loại vàng mã đắt đỏ như ô tô, xe máy..." - anh Nguyễn Văn Nam (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) kể.
Đền Bà Chúa Kho là di tích cổ kính, từ lâu đã đi vào tâm linh, tín ngưỡng dân gian "sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện", vì thế, các lò hóa vàng mã liên tục đỏ lửa. Có người ném thẳng cả mâm lễ vào lò hóa vàng. Còn đến đền Bảo Hà, ngôi đền linh thiêng nằm bên bờ sông Hồng (tỉnh Lào Cai) sẽ thấy hình ảnh quen thuộc như hộp tiền vàng chật kín điểm hóa mã, những cỗ ngựa tím thậm chí to hơn cả ngựa thật.
Ước tính, ngày cao điểm trong dịp rằm tháng Giêng có thể tới vài trăm cỗ mã tím. Hay câu chuyện tín chủ đốt cả tấn vàng mã với 100 bao, ròng rã vài ngày tại đền Quan Lớn Tuần Tranh (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) khiến dư luận xôn xao...
Phong tục, tâm lý người đi lễ và hàng loạt những câu chuyện nóng thời gian qua cho thấy tình trạng đốt vàng mã đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các đền, chùa trong dịp lễ đầu năm.
Anh Hoàng Văn Mạnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường niên đến chiêm bái, làm lễ tại đền Cửa Ông. Anh chia sẻ: Mỗi dịp đầu xuân, tôi và gia đình luôn về với đền Cửa Ông xin Đức Ông độ trì một năm may mắn, công việc hanh thông, thuận lợi. Quà lễ được tôi chuẩn bị từ nhà nhưng không sử dụng nhiều tiền vàng. Đi tham quan, lễ bái nhiều nơi nên tôi cũng hơi lo lắng liệu mình chuẩn bị thế đã đủ chưa, có phải phép? Tới nơi, tôi rất ấn tượng với dịch vụ ở đây, khi không quá nhiều vàng mã được bày bán, cũng không có hiện tượng chèo kéo khách sử dụng dịch vụ, tư vấn mua bán vàng mã. Điều này càng củng cố tâm lý của tôi, đi lễ cốt là ở tâm, ở sự chân thành.
Nhắc câu chuyện trên để thấy rằng, quan niệm về dâng, đốt mã của người đi lễ đền, chùa đầu năm rất khác nhau. Phong tục, nếp cũ và cả tâm lý người đi lễ sẽ có những tác động, thay đổi theo tâm lý chung của nhiều người, sự nền nếp, văn minh của điểm đến. Và việc dâng lễ, vàng tiền khi đi đền, chùa sao cho đúng, cho hợp là điều mà nhiều người quan tâm.
Đốt vàng mã sao cho đúng?
Theo tìm hiểu, từ lâu hóa vàng mã vào ngày lễ, Tết trở thành nét văn hóa của người Việt. Nhiều người quan niệm: Vàng, mã dâng càng nhiều thì phần lễ nghi càng đầy đủ, thể hiện lòng thành của con nhang, đệ tử. Với quan niệm trần sao, âm vậy thì nhiều người mua sắm, đi lễ chùa, đền với lễ vàng mã quá đà...
Trong lần chia sẻ gần đây về phong tục đốt vàng mã ở đền, chùa, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã khẳng định: Đốt vàng mã không phải là truyền thống của Phật giáo, không phải là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vậy nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương không đốt vàng mã trong chùa. Thay vào đó, vào dịp đầu năm hay lúc nào cảm thấy bất an, chúng ta đến chùa và tham gia vào các buổi lễ cầu an đầu năm, cầu bình an cho chính mình và gia đình".
Theo tìm hiểu, quan niệm của Phật giáo chính thống không hề và không có tục lệ đốt giấy tiền, vàng mã. Xác định việc đốt vàng mã xuất phát từ tâm thành kính, thương tưởng của người sống cho người quá vãng, mong cho người chết được đầy đủ, an vui. Phật giáo xem sự quan tâm, thể hiện “hiếu đạo” bằng việc đốt vàng mã là hủ tục. Vì việc làm đó hoàn toàn vô ích với người đã khuất, chỉ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường…
"Việc thờ cúng, dâng và hóa mã là để thể hiện tấm lòng, sự chân thành của mình đối với các đấng linh thiêng. Tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng, dâng cúng, đốt quá nhiều vàng mã. Bởi đối với người hành hương đi lễ, cần nhất là tình cảm, cái tâm của người đi lễ, chứ không phải lễ, vàng mã thật nhiều mới là thành tâm" - ông Tô Văn Chờ, thủ nhang đền Cửa Ông, chia sẻ.
Hiện nhiều đền, chùa trong tỉnh không khuyến khích việc đốt vàng mã, đặc biệt với số lượng lớn. “Chúng tôi không khuyến khích việc dâng lễ, đốt vàng mã. Chúng tôi huy động lực lượng thủ nhang, hướng dẫn viên làm lễ chỉ dẫn người dân từ lúc sắp, làm lễ dâng. Để thuận lợi và tôn trọng du khách, chúng tôi cho sắp xếp gọn, khoa học lại khu vực bán hàng dịch vụ, trong đó có khu vực bán lễ, vàng mã; quán triệt việc không chèo kéo, mời chào du khách mua vàng mã. Ai vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm…” - ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, cho biết.
Thay vì dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, nhiều chùa, đền đã thực hiện nghi lễ cầu an. Việc này hạn chế lượng lớn vàng mã được đốt đầu năm gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Dạo qua các đền chùa, di tích dễ thấy nhiều đổi thay. Các đền, chùa như đền Cửa Ông, Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên..., những nơi nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương trong tháng Giêng, đều có điểm hóa mã với một lượng nhỏ vàng mã được đốt tại đây.
Và mỗi nơi đều có những cách làm riêng để tuyên truyền, hạn chế việc dâng, đốt vàng mã, hương. Đó là tấm biển khuyến cáo không mang vàng mã vào chùa hay lời khuyên của thủ từ, các sư thầy phát đều đều từ loa ở đền Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên hay đền Cửa Ông: Mỗi người đến chùa chỉ thắp 1 nén hương... !
Thậm chí, một số nơi còn thay thế vàng mã bằng các hoạt động ý nghĩa như chùa Cái Bầu (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn). Nhà chùa cho biết, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm có kèm theo đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, từ nhiều năm nay, nhà chùa chỉ làm lễ cầu bình an cho các gia đình với nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm.
Có lẽ, để thay đổi quan niệm, nhận thức của người đi lễ không thể trong "ngày một ngày hai" nhưng những chuyển động, cách làm tích cực trên sẽ giúp nhiều người cảm thấy bình an, thư thái hơn khi đi lễ và vãng cảnh đền, chùa. Bởi bình an không nằm ở việc đốt nhiều hay ít vàng mã mà nằm ở chính trong tâm của mỗi người, từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()