Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:19 (GMT +7)
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng: Quyết tâm của Quảng Ninh
Thứ 4, 10/09/2014 | 14:02:15 [GMT +7] A A
LTS: Ngày 13-9 tới, Quảng Ninh sẽ tổ chức Lễ khởi công đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không những nhằm giới thiệu các quy hoạch chiến lược của tỉnh mà còn tăng cường thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh. Bắt đầu từ số báo hôm nay, báo Quảng Ninh sẽ tập trung tuyên truyền đậm về sự kiện này trên báo in và báo điện tử.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ thì việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng giữa Quảng Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc được xác định rất rõ. Với các tuyến đường huyết mạch nối Quảng Ninh với Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội... sẽ tạo tác động lan toả cho sự phát triển của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Hướng tuyến đường cao tốc từ Hạ Long tới Hải Phòng. |
Gỡ “điểm nghẽn” cho nền tảng hành lang kinh tế Vùng
Không phải đến thời điểm này Quảng Ninh mới chú trọng đến việc tạo hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, mà trong những giai đoạn trước, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường tạo hệ thống giao thông liên vùng hoàn chỉnh với các địa phương lân cận đã được tỉnh đặc biệt chú trọng. Cụ thể, tỉnh đã tham gia tích cực vào dự án nâng cấp QL10 (đoạn Quảng Ninh - Hải Phòng), thảm bảo trì mặt đường đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, xây dựng cầu Đá Vách và chuẩn bị xây dựng cầu qua bến Triều nối Hải Dương với Quảng Ninh, phối hợp với Hải Phòng chuẩn bị dự án xây dựng cầu Xuân Yên nối Hải Phòng với Quảng Ninh. Đồng thời ứng vốn ngân sách tỉnh hoàn thành nâng cấp QL18 đoạn Mông Dương - Móng Cái, hoàn thành tuyến QL18C (từ Tiên Yên lên cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu), giải phóng mặt bằng đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long, nâng cấp mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long để thúc đẩy sản xuất hàng hoá thông qua hoạt động thương mại trong khu vực và tạo điều kiện thông thương hàng hoá nhanh chóng, tiện lợi ra khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Cầu Bãi Cháy nối đôi bờ Cửa Lục. Ảnh: Trần Minh |
Xác định rõ việc kết nối giao thông giữa các địa bàn trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với Quảng Ninh chính là tạo hành lang thông suốt cho sự phát triển của toàn vùng, nên tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã hoạch định rõ các dự án giao thông mang tính liên vùng giữa Quảng Ninh với các địa phương khác sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đó là tuyến QL18 từ Đại Phúc (Bắc Ninh) đến Bắc Luân (Quảng Ninh) dài 303km; hoàn thiện nâng cấp mở rộng đoạn Uông Bí - Hạ Long đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe; đoạn Mông Dương - Móng Cái tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 2 làn xe. Cùng với đó nâng cấp các tuyến đường vành đai 4B, 279 tới Điện Biên; QL18C; QL10 từ Uông Bí đến Hoằng Hoá (Thanh Hoá), dài 228km, hoàn thiện toàn tuyến nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, riêng đoạn trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe. Riêng tuyến đường bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái được xác định đầu tư trong giai đoạn 2013-2018.
Tập trung nguồn lực cho những dự án giao thông trọng điểm
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, hầu hết các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là những dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, nhưng trong lúc Chính phủ gặp khó khăn về bố trí vốn, tỉnh đã tìm mọi biện pháp để huy động và ứng ngân sách trên 1.700 tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Và huy động các nguồn lực để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Lân, nâng cấp các cảng du lịch, chuyên dùng và tổng hợp. Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng kêu gọi đầu tư dự án sân bay Vân Đồn theo hình thức BOT, chuẩn bị cho khởi công dự án đường cao tốc nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng. Đồng thời nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện dự án và làm thủ tục cấp phép đầu tư để triển khai xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái với tổng vốn dự kiến trên 2,2 tỷ USD theo hình thức PPP.
Đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Việc đầu tư các dự án giao thông liên vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh, mà nó sẽ tạo tác động lan toả đối với nhiều địa phương trong cả nước. Chính vì vậy, trong những năm gần đây Quảng Ninh đã chủ động ứng ngân sách tỉnh và kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông liên vùng, đặc biệt tập trung cho những công trình mang tính chất động lực. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đây là công trình giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối giao thông tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cũng như các vùng Duyên hải Bắc Bộ, phát huy các lợi thế về cửa khẩu, cảng biển, sân bay trong khu vực và sớm hình thành mạng cao tốc trong khu vực.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, để phù hợp với nguồn vốn và hình thức đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thành 2 dự án độc lập gồm: Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng với chiều dài trên 19km, cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư trên 6.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào ngày 13-9-2014 và hoàn thành vào năm 2016. Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức hợp đồng BOT, chiều dài toàn cầu trên 3km, tổng mức đầu tư trên 7.300 tỷ đồng, nhà đầu tư là Tập đoàn SE (Nhật Bản), dự kiến khởi công công trình quý I-2015, hoàn thành năm 2017.
Song cùng với dự án giao thông kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hiện dự án Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái cũng đang được tỉnh Quảng Ninh xúc tiến thực hiện để kết nối ASEAN với Trung Quốc, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ và cửa khẩu. Đến nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu dự án theo hướng vay vốn ODA hoặc vốn vay thương mại từ Chính phủ Trung Quốc. Quy mô dự án xây dựng toàn tuyến từ 4 đến 6 làn xe với tổng chiều dài khoảng 153,3km…
Tạo bước đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đó chính là một trong những mục tiêu mà Quảng Ninh đang thực hiện bằng nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo. Việc làm này không chỉ là tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của riêng Quảng Ninh, mà còn tạo sức lan toả, kích thích sự phát triển của các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()