Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 18:37 (GMT +7)
Đầu tư nâng cao chất lượng nước sinh hoạt
Thứ 5, 29/12/2022 | 08:02:04 [GMT +7] A A
Chất lượng nước sinh hoạt luôn được nhiều người dân quan tâm và đây cũng là vấn đề mà tỉnh quyết liệt chỉ đạo trong nhiều năm nay. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư rất nhiều công trình nước sinh hoạt trên địa bàn.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 209 công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước tập trung khu vực nông thôn; trong đó 196 công trình khai thác nguồn nước mặt (sông, hồ, khe, suối), 13 công trình khai thác nguồn nước ngầm. Trong số các công trình trên có 18 công trình do doanh nghiệp quản lý, 10 công trình do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, còn lại do UBND cấp xã (gồm tổ quản lý, hợp tác xã) quản lý.
Ngoài ra, để có nước sinh hoạt, người dân khu vực nông thôn còn sử dụng các nguồn nước khác, như: Giếng khơi, giếng khoan, dẫn nước từ các khe suối về, sử dụng bể chứa nước mưa.
Còn với khu vực thành thị hiện nay chủ yếu do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đảm nhiệm cấp nước với hơn 258.000 hộ khách hàng sử dụng. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân cư thành thị trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89%.
Tuy nhiên, đáng nói là hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT mới đạt 57,30%; trong khi đó, tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh đưa ra chỉ tiêu, hết năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%. Điều này đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn trên địa bàn.
Theo ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, hiện tỷ lệ phủ nước sạch của công ty đến khu vực nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh đạt 46,3%. Công ty cũng đang tiếp tục nghiên cứu để phủ rộng mạng lưới của mình đến các xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, điều mà các công ty cấp nước tập trung còn đắn đo hiện nay chính bởi thói quen dùng các nguồn nước hiện có (khe tự nhiên, giếng khoan, giếng đào, nước mưa…) của người dân vùng nông thôn dẫn đến khi đầu tư các công trình cấp nước tập trung, mặc dù suất đầu tư lớn, nhưng lượng hộ dân sử dụng và mức sử dụng nước của người dân nông thôn thấp. Điều này dẫn đến mức thu tiền nước không đủ chi cho các hoạt động sản xuất cơ bản (nhân công, hóa chất, điện…).
Theo tính toán của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, nếu ở khu vực đô thị suất đầu tư sử dụng nước sạch mất khoảng 1-1,2 triệu đồng/hộ, thì khu vực ngoài đô thị, mức đầu tư lên tới 2,8-5,2 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, nhiều người dân nông thôn vẫn chưa nhận thức được hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt nên ít sử dụng. Ngay như khu vực Hà Nam (TX Quảng Yên) có khoảng 7.000 hộ sử dụng nước sạch tập trung, nhưng vào mùa mưa, có tới 5.000/7.000 hộ này ngừng sử dụng nước tập trung mà chuyển qua dùng nước mưa.
Nhiều khu vực khác đã có đường ống cấp nước tập trung đi qua, nhưng người dân cũng không có nhu cầu đấu nối. Bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: Đường nước sạch qua thôn tôi đã mấy năm nay, nhưng chủ yếu chỉ có bà con ở khu vực giáp biển sử dụng. Còn lại các hộ dân phía xa biển chỉ sử dụng nước giếng đào tại gia đình. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến nước giếng của gia đình có đảm bảo chất lượng không, thấy nó vẫn trong, không mùi, không vị nên yên tâm sử dụng.
Với người dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, tâm lý của bà con vẫn trông chờ vào sự đầu tư, tài trợ của Nhà nước; không muốn tự chi trả tiền nước hằng tháng và đóng góp vào việc duy tu, bảo dưỡng các công trình do Nhà nước hỗ trợ đầu tư… Nhiều công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn do UBND cấp xã quản lý được đầu tư đã lâu, hiện xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp, do đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023, đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 98% hộ gia đình ở đô thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn… Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước tập trung; sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đã xuống cấp; tuyên truyền, phân tích cho nhân dân hiểu rõ hơn lợi ích sử dụng nước sạch, qua đó tham gia sử dụng nhiều hơn. Đồng thời, có giải pháp tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong GPMB đầu tư công trình, đường ống cấp nước tập trung…
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()