Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:45 (GMT +7)
Đẩy mạnh các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch
Thứ 5, 02/06/2022 | 08:44:52 [GMT +7] A A
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có các chính sách ưu tiên hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam; nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày…
Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho biết, du lịch là một trong những ngành đang phục hồi và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn một số vấn đề hạn chế như là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc tuyển dụng lao động ở ngành du lịch gặp khó khăn do người lao động có tâm lý lo lắng, e ngại, không muốn quay lại ngành du lịch do thiếu tính bền vững, ổn định.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó, cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục.
Đồng thời, có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam; cũng như thực hiện chính sách thúc đẩy xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài; chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch…
Để ngành du lịch và hàng không có thể phục hồi và bứt phá sau đại dịch, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị cần có giải pháp miễn thị thực cho du khách nước ngoài, tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày đến 30 ngày, áp dụng thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần cũng như giảm các giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành, du khách, đơn giản hóa trong việc cấp thị thực điện tử e-visa tại các cửa khẩu.
Đại biểu nhấn mạnh, cần xây dựng một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài một cách bài bản và chuyên nghiệp bằng việc áp dụng công nghệ cũng như tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp cho khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ở bất kỳ đâu trên thế giới một cách thuận lợi nhất.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, và khi đại dịch tác động thì ngành du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại và tổn thất, không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Các con số được tính toán từ Hiệp hội Du lịch quốc tế cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều đã chứng minh vấn đề này.
Tuy khó khăn như vậy, nhưng Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn luôn quan tâm đến ngành kinh tế này và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, thí dụ như chính sách miễn giảm tiền điện trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát để giảm bớt sức nặng cho các cơ sở lưu trú; giảm 80% tiền ký quỹ về thành lập các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành. Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng hướng dẫn viên làm công tác du lịch 3,7 triệu đồng/người để chia sẻ về những khó khăn.
Bên cạnh đó, trong các nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở kinh doanh du lịch đều được hưởng những chính sách về an sinh xã hội, các chính sách về tín dụng hiện hành và đang có hiệu lực. Nhờ những quyết sách đó, ngành du lịch cũng thấy được trách nhiệm của mình là khó khăn nhưng phải cố gắng để vượt qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ vấn đề về visa như một số đại biểu nêu, đồng thời làm mới sản phẩm du lịch hướng tới du lịch xanh theo tinh thần chủ đề của năm nay và Năm Du lịch quốc gia được phát động tại Quảng Nam. “Du lịch cộng đồng, du lịch về biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng là những thế mạnh mà Việt Nam sắp tới sẽ chuẩn bị để chào đón mùa hè này”, Bộ trưởng cho hay.
Cùng với đó, tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như đẩy mạnh quảng bá, nâng cấp điểm đến và số hóa trong ngành du lịch để tạo điều kiện cho ngành này phát triển và đạt mức phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()