Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:31 (GMT +7)
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản
Thứ 4, 11/12/2013 | 09:02:40 [GMT +7] A A
Để công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn (thuộc quyền cấp phép của UBND tỉnh) từng bước đi vào nền nếp; thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2008 UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước và thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động KTKS; tổ chức triển khai quy định pháp luật về khoáng sản (KS). Đồng thời ban hành các quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các sở, ngành, địa phương trong lĩnh vực KS.
Khai thác than tại Công ty TNHH MTV Khe Sim (Tổng Công ty Đông Bắc). |
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tham gia ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp bảo vệ tài nguyên KS, gắn với trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và quyền lợi của người dân địa phương nơi có nguồn tài nguyên KS. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về KS được thường xuyên thực hiện thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, các văn bản hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự TTHC, các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn trong hoạt động KTKS. Hàng năm, Sở TN&MT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý TN&MT (trong đó có quản lý khoáng sản) cho các đối tượng là cán bộ của ngành tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; định kỳ tổ chức giao lưu trực tuyến để giải quyết thắc mắc của các tổ chức, cá nhân về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở. Năm 2012, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tổ chức đợt tuyên truyền, tập huấn về Luật Khoáng sản cho các cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và giám đốc các đơn vị KTKS.
Cùng với đó, các đơn vị khai thác và chế biến KS đã có nhiều cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các biện pháp để hoạt động KTKS phát triển ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Công nghiệp khai khoáng trong giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm chiếm tỷ trọng 40%, góp phần quan trọng vào thu ngân sách ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, KTKS trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn một số hạn chế. Đó là: Hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản mới tập trung vào một số KS điển hình, các loại KS khác chưa được quan tâm nghiên cứu đánh giá đúng mức; công tác khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động KS (ngoài than) còn chậm; một số đơn vị đã quá thời hạn, không triển khai thực hiện giấy phép KTKS; việc tuân thủ theo thiết kế cơ sở và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ chưa được chú trọng; chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về kết quả khai thác và cập nhật bản đồ hiện trạng mỏ; công tác BVMT tại nhiều khu vực khai thác, chế biến KS chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định.
Để công tác này thời gian tới ngày càng hiệu quả, qua giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực KS, đất đai và môi trường theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn bảo đảm hiệu quả răn đe và phòng ngừa vi phạm. Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đầy đủ các nội dung của Luật Khoáng sản năm 2010 làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện; xem xét, điều chỉnh mức thu phí BVMT trong KTKS phù hợp với yêu cầu đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy hoạch, quản lý thăm dò, KTKS; xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng KS tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh hoạt động khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng KS làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên KS và đất đai, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, BVMT sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng KS, giảm thiểu tác động đến môi trường. Kiểm kê trữ lượng KS còn lại ở các khu vực, điểm mỏ đang khai thác để xem xét, điều chỉnh công suất và giới hạn khai thác theo hướng tập trung. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác KS, BVMT và quản lý sử dụng đất của các đơn vị hoạt động KS.
Tuấn Hương
Liên kết website
Ý kiến ()