Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:50 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi
Thứ 6, 04/08/2023 | 06:51:39 [GMT +7] A A
Các dự án chăn nuôi được triển khai đồng bộ, quy mô, hiện đại sẽ đóng vai trò quan trọng dẫn dắt sản xuất, nâng cao giá trị, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2016, Dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống theo công nghệ tiên tiến của Công ty TNHH Phú Lâm được xây dựng trên diện tích 1.000ha tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, được đánh giá là hiệu quả. Đây là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn đạt tiêu chuẩn Global G.A.P (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững). Để đạt được tiêu chuẩn trên, việc chăn nuôi của Công ty phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về phòng, chống, giám sát dịch bệnh, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trong thời gian nhất định; nguồn thức ăn trong chăn nuôi hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên.
Công ty hiện trồng được 20ha cỏ voi, 12ha cây sắn; phối hợp với địa phương vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, sắn, cỏ voi. Công ty duy trì chăn nuôi với tổng đàn bò 20.000-30.000 con. Dự án chăn nuôi của Công ty không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn từng bước phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thu hút doanh nghiệp xem xét, nghiên cứu, triển khai một số dự án đầu tư chăn nuôi, như: Khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghệ cao và nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tại xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ); Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) của Công ty CP Chăn nuôi Greentech; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm Dabaco ứng dụng công nghệ cao tại xã Tràng Lương (TX Đông Triều)...
Song do nhiều nguyên nhân: Năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy mô dự án không phù hợp với thực tế..., nên một số dự án triển khai chậm tiến độ, phát sinh nhiều hệ lụy,ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn giống tập trung tại thôn Chân Hồ, xã An Sinh (TX Đông Triều) được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (Quyết định 1063/QĐ-UBND ngày 10/4/2017), phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư (Quyết định 1156/QĐ-UBND ngày 18/3/2019). Mục tiêu của Dự án là xây dựng trang trại chăn nuôi lợn giống tập trung theo quy mô khép kín, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tăng hiệu quả các nguồn nguyên liệu, phụ phẩm từ nông nghiệp đưa vào chuỗi sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và xuất khẩu. Dự án có quy mô 84.977m2, công suất thiết kế 2.400 con lợn nái, 56.000 con lợn giống; tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng.
Công ty đã lập, trình phê duyệt báo cáo tác động môi trường, nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, thực hiện GPMB, triển khai một số hạng mục... Theo cam kết, Công ty hoàn thiện thi công, đưa Dự án vào hoạt động từ ngày 30/6/2022. Tuy nhiên đến ngày 7/3/2023, Sở KH&ĐT chủ trì buổi làm việc với Công ty, thì Dự án chậm tiến độ 8 tháng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, xây dựng một số công trình khi chưa hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng, chưa tập trung nguồn lực thực hiện Dự án, quy mô công suất không phù hợp với thực tế, không triển khai thủ tục xin giao đất cho thuê...
Các cấp, ngành, địa phương cần tích cực tạo mọi điều kiện duy trì hiệu quả các dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động; đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương rà soát kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ, kiên quyết đề xuất thu hồi dự án chậm tiến độ, lãng phí tài nguyên đất đai, phát sinh nhiều hệ lụy.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()