Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:09 (GMT +7)
Để bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh ngày càng lan tỏa
Thứ 3, 04/06/2024 | 08:42:30 [GMT +7] A A
Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” bởi những giá trị văn hóa riêng biệt với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, lưu giữ những giá trị nổi bật của kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, nơi 22 dân tộc anh em sinh sống với những bản sắc văn hóa đặc sắc... Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, những giá trị văn hóa riêng có đó của Quảng Ninh luôn được duy trì, bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa.
Gìn giữ giá trị văn hóa của cha ông
Với tâm huyết gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú (thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) hăng say với việc làm ra những cây đàn tính. Ông đã cùng các nghệ nhân khác kiên trì truyền nghề cho thế hệ trẻ với mong muốn ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến cây đàn tính, điệu hát then của người Tày ở Bình Liêu.
Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú mê hát then từ nhỏ, vì thế ông tự mày mò, nghiên cứu học hát từ những người lớn tuổi. Hơn 20 tuổi, nghệ nhân Lương Thiêm Phú không chỉ thuộc nhiều bài then cổ, mà còn sáng tác những bài then mới, mở được 16 lớp dạy hát then, đàn tính cho hàng trăm người ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Cuối năm 2007, Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú thành lập CLB hát then Tình Húc, gồm 18 thành viên, do ông làm Chủ nhiệm, tổ chức sinh hoạt đều đặn hằng tuần. Ông còn cùng các thành viên trong CLB đến từng thôn, bản để dạy cho những người có cùng đam mê hát then, đặc biệt là những người trẻ.
Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú giãi bày: Tôi mong muốn truyền dạy cho con cháu những điệu hát của cha ông. Thông qua CLB hát then, những tinh hoa văn hoá của dân tộc Tày sẽ được phát huy, đào tạo ra một lớp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Vừa sưu tầm, vừa truyền dạy then, Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú cũng tự mày mò mua vật liệu về để sản xuất những cây đàn tính hai dây rất độc đáo ở Bình Liêu. Cây đàn tính không chỉ được ông làm ra để phục vụ các buổi biểu diễn mà còn làm ra những cây đàn nhỏ xinh để phục vụ niềm yêu mến đối với nghệ thuật dân gian của khách du lịch.
“Cây đàn tính ở địa phương chúng tôi về hình dáng, cấu trúc cơ bản giống đàn ở nhiều địa phương khác, nhưng khi lên dây, cách đánh lại khác biệt. 2 dây đàn tượng trưng cho trời và đất. Đầu đàn chạm khắc chim muông, nhất là hình ảnh chim công, có một số đàn chạm khắc hình rồng. Đàn tính ở Bình Liêu chỉ dùng 2 dây từ xưa cho tới bây giờ. Trước thì dùng dây tơ tằm bện lại, giờ hiện đại thì dùng dây cước để tăng độ bền và sự tiện lợi” - Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú chia sẻ.
Nhằm phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, huyện Bình Liêu đã đưa hát then vào Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu năm 2024. Để phục vụ du lịch, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy hát then - đàn tính, duy trì hoạt động của các CLB, hướng dẫn xây dựng các chương trình văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Các lớp truyền dạy hát then được mở thường xuyên thu hút hàng trăm lượt học sinh tham gia với sự hướng dẫn của các hầu hết các nghệ nhân trên địa bàn, như: Hoàng Thị Viên, Lương Thiêm Phú, Lương Thiêm Thành, Đặng Văn Sàu, Hà Thị Ngọc, Chu Văn Thủng...
Không chỉ ở Bình Liêu, mạch nguồn văn hóa vẫn luôn được gìn giữ, phát huy, bảo tồn hiệu quả. Theo đó, các địa phương tập trung đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao. Chú trọng bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng. Đồng thời, chú trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, ngành nghề, trò chơi dân gian, các lễ hội, chợ phiên văn hóa vùng cao…
Kết nối và lan tỏa
5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã được nhiều kết quả toàn diện. Theo đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng bộ tỉnh đã được tiến hành nghiêm túc, hoàn thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh.
Tỉnh luôn quan tâm hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản hoàn thiện về số lượng, chất lượng hoạt động.
Cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu liên hợp thể thao; Cung Văn hoá thanh thiếu nhi, Cung Văn hoá lao động Việt - Nhật. 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm văn hóa - thể thao. 71/177 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 1.450/1.450 thôn, khu có nhà văn hóa. Nhiều thôn, khu đã thành lập được CLB văn nghệ, thể thao, tổ chức hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đồng thời, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả (TP Hạ Long), khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày (huyện Tiên Yên), làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái)...
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhất là phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và một số di tích quốc gia đặc biệt. 5 năm gần đây, tỉnh đã chi gần 4.800 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 1.600 tỷ đồng.
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Quảng Ninh đã phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương hoàn thành hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; thành công trong việc phối hợp cùng TP Hải Phòng đề nghị UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới; đồng thời, hoàn thành xếp hạng cho 12 di tích. Đến nay, toàn tỉnh có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng và 466 di tích kiểm kê.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ANTT, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh có 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”.
Năm 2024, thực hiện nội dung chủ đề công tác năm “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó là chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS đang có nguy cơ mai một; xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể, phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS, trong đó nhiều trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công... được lưu giữ, tạo ấn tượng, sức hấp dẫn đối với du khách.
Vân Anh
- Bình Liêu phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá
- Khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao
- Xây dựng văn hóa giao thông trong doanh nghiệp vận tải
- Tiên Yên: Phát triển văn hóa gắn với bản sắc của đồng bào các dân tộc
- Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam
- Sôi nổi Ngày hội Văn hoá thể thao ở Hải Hà
- Khai thác các giá trị văn hoá - du lịch của Yên Tử
- Miền "trầm tích" văn hóa đặc sắc của nhà Trần
- Hạ Long: Khởi công các dự án văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()