Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:28 (GMT +7)
Để công nghiệp trở thành mũi nhọn nền kinh tế
Thứ 3, 23/01/2024 | 07:26:09 [GMT +7] A A
Kết thúc năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư vào Quảng Ninh đạt gần 5 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD, chủ yếu lĩnh vực chế biến, chế tạo (CBCT). Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Để tiếp tục khơi thông dòng chảy phát triển này, Quảng Ninh đang dành sự ưu tiên, xây dựng đồng bộ các KCN.
Với vị trí là cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN và thị trường gần 1,5 tỷ dân Trung Quốc. Quảng Ninh có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp CBCT. Định vị được lợi thế riêng có, sau hơn 20 năm kể từ thời điểm xây dựng KCN Cái Lân (KCN đầu tiên của tỉnh), đến nay, Quảng Ninh đã có tổng số 18 KCN, CCN.
Những năm qua, thực thiện Nghị quyết số 01/NQ-TU (ngày 16/11/2020) của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, các KCN trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển bứt phá. Tỷ lệ lấp đầy tăng đều qua từng năm, hạ tầng các KCN ngày một đồng bộ, hoàn thiện kết nối đến các hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh như trục cao tốc dọc tỉnh, các cảng bến, hạ tầng logistics, nguồn nhân lực, vận tải, tài nguyên…
Trong 3 năm trở lại đây, ngành công nghiệp CBCT của tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân đạt gần 15% và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế (GRDP), khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Làn sóng đầu tư vào các KCN, đầu tư cho lĩnh vực CBCT ngày càng lớn mạnh. Ấn tượng năm 2023, tỉnh đã cấp Giấy CNĐKĐT mới cho 24 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án FDI đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký thu hút tăng thêm đạt trên 3,1 tỷ USD là một trong những địa phương thu hút đầu tư đứng đầu cả nước. Có thể thấy rõ, các KCN trên địa bàn tỉnh đang đóng vai trò quan trọng để ngành công nghiệp CBCT phát triển, trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định từ một số chuyên gia kinh tế, hiện dư địa tại các KCN của Quảng Ninh vẫn còn nhiều, tiềm năng, lợi thế còn rất lớn và chưa được khai thác đúng tầm. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư vào các KCN tăng cao, tuy nhiên chưa xuất hiện nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu các nhà đầu tư chiến lược dẫn dắt; ngành nghề thu hút mang giá trị gia tăng chưa cao. Trong khi đây đang là "thời điểm vàng" để đẩy mạnh thu hút đầu tư khi xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, điều này buộc tỉnh phải có sự nhìn nhận rõ nét và chiến lược bài bản.
Trước thực tế đó, tỉnh nhận diện và đang quyết liệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm phát huy những lợi thế và khả năng dẫn dắt nền kinh tế từ công nghiệp CBCT. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh thực hiện rà soát, định vị lại tiềm năng, lợi thế để tập trung, ưu tiên phát triển các KCN bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển mới, đặt ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2040 với mục tiêu rõ ràng gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch các KKT, KCN, lựa chọn tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc lập các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch; thực hiện kết nối vùng ven biển, các khu vực động lực trong vùng (Sân bay Cát Bi, cảng Đình Vũ- Lạch Huyện, cảng Con Ong- Hòn Nét...), KKT Cửa khẩu Móng Cái - KCN Cảng biển Hải Hà, KKT Vân Đồn... để tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ cảng biển, logistics đảm bảo mục tiêu của tỉnh.
Song song với đó, tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư hạ tầng để thúc đẩy mời gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đầu mối xúc tiến đầu tư tại các thị trường nước ngoài; xác định thị trường trọng điểm để tiến hành các cuộc xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại; rà soát ngành nghề thu hút đầu tư các dự án trong KCN hiện có... trên cơ sở đó đề xuất các ngành nghề thu hút đầu tư đảm bảo định hướng phát triển lâu dài của tỉnh (ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến có tính lan toả và có giá trị gia tăng cao, các dự án thân thiện môi trường; sử dụng ít lao động; suất đầu tư lớn và có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn).
Mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thu hút đầu tư vào các KCN tăng bình quân 10%/năm, đạt 1,25 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 22.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%. Giai đoạn từ 2026 - 2030 thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 8%/năm, đạt 1,8 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 30.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 75%, từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động. Giai đoạn 2030-2040, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 3%/năm, đạt 2,5 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 50.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 90%...
Tin tưởng với sự chủ động, sớm nhận diện những thách thức để triển khai kịp thời, bài bản những giải pháp phù hợp, hiệu quả, các KCN của tỉnh sẽ sớm bứt phá, tăng tốc, ngành công nghiệp CBCT trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()