Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:09 (GMT +7)
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác giá trị Vịnh Hạ Long
Chủ nhật, 17/08/2014 | 16:09:05 [GMT +7] A A
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về bảo tồn Di sản, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch của Vịnh Hạ Long, tỉnh đã có chủ trương xã hội hoá mời các doanh nghiệp tham gia khai thác dịch vụ du lịch Vịnh Hạ Long theo hình thức đối tác công - tư.
Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long. Ảnh: Khánh Giang |
Mới đây, trong một buổi thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, trong đó có nội dung về việc thực hiện các mô hình đối tác công - tư trong công tác quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Công Thái, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định: Trong 20 năm qua, các giá trị của Vịnh Hạ Long được bảo tồn bền vững, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản, quy định, quy chế nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn tốt Di sản, đồng thời đã khai thác được lợi thế của Vịnh Hạ Long… Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn Di sản đòi hỏi ngày càng phải chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cao hơn, chất lượng dịch vụ phải tốt hơn. Theo nhìn nhận của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng như sự đánh giá của khách du lịch thì chất lượng, dịch vụ hạ tầng du lịch trên Vịnh hiện nay chưa xứng tầm với một Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long nếu không được tổ chức tốt hơn sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường và giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để Ban tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với Di sản, tập trung tham mưu về cơ chế chính sách cho tỉnh để bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản một cách chuyên nghiệp hơn. Còn đối với chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác thu phí, tỉnh chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cũng cần phải nói rằng, hiện nay việc nhượng quyền khai thác Di sản đã không còn xa lạ trên thế giới và ngay cả Việt Nam. Chẳng hạn như Di sản văn hóa Angkor Wat ở TP Siêm Riệp của nước láng giềng Campuchia; sau khi được một doanh nghiệp tham gia đầu tư Angkor Wat đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới. Đến nay, bất kỳ du khách nào đến tham quan Di sản Angkor Wat đều cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong cách quản lý và khai thác dịch vụ của khu Di sản văn hóa này. Còn ở Việt Nam hiện tại cũng có một số di sản như khu Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) hay Động Thiên Đường của Di sản Phong Nha, Kẻ Bàng v.v. đã và đang được doanh nghiệp tư nhân đầu tư khai thác.
Nói vậy không phải cứ “bê nguyên” mô hình nơi khác vào áp dụng ở Quảng Ninh. Việc lựa chọn doanh nghiệp nào vào khai thác dịch vụ đạt hiệu quả cao nhất đối với Di sản Vịnh Hạ Long cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, đến nay vẫn có không ít người hoài nghi rằng, khi có sự tham gia của doanh nghiệp họ sẽ nghĩ ngay tới biện pháp tìm cách nào sinh lời nhanh, nhiều và phí dịch vụ du lịch sẽ tăng v.v.. Điều đó có thể gây khó khăn về mặt lợi ích xã hội theo đúng nghĩa của một Di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.
Nâng tầm giá trị Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, đáp ứng yêu cầu đổi mới, không chỉ ở việc quản lý chặt chẽ, khoa học của Nhà nước mà cần có sự tham gia từ nhiều nguồn lực. Có như vậy, Vịnh Hạ Long mới ngày càng được bảo tồn, phát huy bền vững, tương xứng với giá trị tiềm năng sẵn có; nhân dân và du khách mới được sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch hiện đại và chất lượng...
Cẩm Thu
Liên kết website
Ý kiến ()