Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 10:21 (GMT +7)
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Thứ 3, 22/02/2022 | 08:06:58 [GMT +7] A A
Xác định chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng có yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi; cơ cấu lại công tác quản lý chăn nuôi, thú y…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến hết năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi toàn tỉnh tăng 7,6% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 56%. Về tổng đàn: Đàn trâu đạt 29.010 con (bằng 88% so với năm 2020); đàn bò 35.660 con (đạt 113% so với năm 2020); đàn lợn là 276.200 con (đạt 102,5% so với năm 2020); đàn gia cầm trên 4,2 triệu con (đạt 109% so với năm 2020). Những con số này cho thấy, mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2021 đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là về tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, đồng bộ trong sản xuất. Về tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt so với kịch bản tăng trưởng của ngành đặt ra từ đầu năm. Qua đó, đã đóng góp lớn vào đà tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 214 trang trại chăn nuôi thì đến nay lên đến 240 trang trại. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận.
Cùng với đó, các địa phương còn chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch. Cụ thể: Khu vực đồng bằng phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm; khu vực ven biển tập trung phát triển thuỷ sản; khu vực trung du miền núi phát triển đàn gia súc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các vùng chăn nuôi tập trung như: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái, vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 1.340ha. 4 năm qua, toàn tỉnh cũng đã triển khai 15 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất khép kín.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, ngành chăn nuôi hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức để có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Trong đó, phải kể đến dịch bệnh trên động vật vẫn có diễn biến phức tạp. Điển hình như năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 97 ổ dịch, tăng 2,7 lần so với năm 2020; bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do các hộ dân chăn nuôi nhỏ dẫn đến việc các điều kiện về an toàn sinh học chưa được đảm bảo.
Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi là các địa phương vẫn chưa quan tâm dành quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Thống kê cho thấy, trong 12 dự án cơ sở giết mổ tập trung của 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các địa phương: Đông Triều, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Ba Chẽ, thì mới có 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên đến nay chưa có dự án nào đi vào sản xuất.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), thực tế hiện nay ngành chăn nuôi trong tỉnh, nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 96%, rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Chưa kể việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Theo thống kê, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Xác định chăn nuôi là ngành tiếp tục có vai trò quan trọng và còn nhiều dư địa để phát triển, ngày 1/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UB về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, như: Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt trên 60%. Mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 70%. Đến năm 2030, có ít nhất 2 trung tâm sản xuất giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, đáp ứng 100% nhu cầu giống trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh ngoài...
Để hoàn thành mục tiêu này, cũng theo ông Trần Xuân Đông, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm gồm: Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững ngành chăn nuôi...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()