Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 14:21 (GMT +7)
Để thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ 6, 15/03/2019 | 17:10:00 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên đang bị khai thác ngày một cạn kiệt thì việc nuôi trồng thuỷ sản trở thành ngành sản xuất được định hướng lâu dài về chiến lược để giúp thuỷ sản Quảng Ninh phát triển ổn định và bền vững.
Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. Ảnh: Phạm Tăng |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã xác định rõ việc tập trung cho lĩnh vực nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hoá, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị bền vững. Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 70.000 tấn. Theo đó, Quảng Ninh sẽ phát triển vùng nuôi trồng theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi an toàn với các đối tượng chủ lực, đặc biệt là các vùng nuôi trồng trên biển...
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã và đang chú trọng đến việc đảm bảo nguồn cung cũng như nâng cao chất lượng giống thủy sản với việc hình thành các trung tâm giống thuỷ sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng được nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực. Từ năm 2016, tỉnh đã tích cực triển khai 2 đề án, dự án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đó là Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) và Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà được khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, của Tập đoàn Việt - Úc, trên quy mô 169,5ha, gồm 6 phân khu chính. Vốn khái toán đầu tư là 858 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 231 tỷ đồng (chiếm 26%), vốn của doanh nghiệp 627 tỷ đồng (74%). Mục tiêu là phát triển sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính và đặc biệt là chức năng định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tiến độ thực hiện theo 2 giai đoạn: 2018-2020 và 2021-2022. Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đang tích cực triển khai giai đoạn 1, dự kiến đến cuối tháng 3 này sẽ cho ra mẻ tôm giống đầu tiên.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Việt Hoa |
Trước đó, Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn đã được khởi công tháng 6/2016 trên diện tích 307,6ha, (7,6ha mặt đất và 300ha mặt nước). Tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 104 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 38,2 tỷ đồng, vốn huy động 62,3 tỷ đồng). Dự án đặt ra mục tiêu sản xuất giống nhuyễn thể công suất từ 1,5 tỷ con giống/năm trở lên. Đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng thi công. Với sự tích cực của Sở NN&PTNT trong việc xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong tháng 4 này, UBND tỉnh sẽ thẩm định phê duyệt để công bố đấu thầu, nhận hồ sơ thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 8.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa 2 trung tâm sản xuất giống thủy sản vào hoạt động, tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT vào ngày 13/2 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu đã chỉ đạo nhiều nội dung công việc. Trong đó, đối với Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà, cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ các phần việc theo yêu cầu và thực hiện đánh giá tác động môi trường để đảm bảo kế hoạch sản xuất thành công mẻ giống đầu tiên đúng kế hoạch đề ra. Đối với Dự án đầu tư sản xuất và quản lý vận hành hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, các công tác đầu tư, chuẩn bị về mặt bằng, hạ tầng cũng cần sớm hoàn thành để thực hiện quyết toán, kiểm toán đúng quy trình; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phần mời thầu, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để thực hiện tốt dự án, phát triển các giống thủy sản, trong đó trọng tâm là giống nhuyễn thể để cung ứng cho người nuôi.
Với 2 dự án, đề án nghìn tỷ tập trung cho lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống thủy sản đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện và đi vào hoạt động, tin chắc rằng, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, trở thành lĩnh vực mũi nhọn của ngành thủy sản Quảng Ninh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()