Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:36 (GMT +7)
Người buôn bán nhỏ muốn ngưỡng chịu thuế lên trên 300 triệu
Thứ 2, 25/11/2024 | 10:57:02 [GMT +7] A A
Nhiều hộ và cá nhân buôn bán nhỏ lẻ cho biết hằng năm chi phí mặt bằng, nhân công, điện nước và nguyên vật liệu đã quá 200 triệu đồng.
Kinh tế khó khăn, nhiều người doanh thu không đủ chi hoặc chỉ lời chút đỉnh để cố gắng sống dè sẻn, duy trì buôn bán, nuôi cha mẹ già và con cái ăn học...
Theo dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của hộ và cá nhân kinh doanh sẽ được nâng trên 200 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như hiện tại.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng nên nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên trên 300 triệu giữa thời buổi buôn bán khó khăn với đủ loại chi phí, lời lãi không bao nhiêu. Tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế như "lọt sàng xuống nia", giúp họ có thêm ít đồng cải thiện cuộc sống, thuê thêm người làm, góp phần phát triển kinh tế.
Lời chừng 100.000 đồng/ngày
Trưa nắng, sắp xếp lại những dây dầu gội treo lủng lẳng trong ki ốt cũ tại khu chợ nhỏ trên đường Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận, TP.HCM), ông Nguyễn Hải Minh (71 tuổi) cho biết mỗi tháng ông đóng thuế khoán hơn 200.000 đồng. Sạp ông mua đã lâu, ông gắn bó gần 30 năm.
Sạp nhỏ xíu, ông Minh bày hàng ngoài mặt tiền chưa đầy 2m, bên trong chỉ vừa người đứng bán. Ông nói mấy năm nay tình hình khó khăn, nhất là sau dịch COVID-19. "Buôn bán chậm rì hà, mỗi ngày tôi chỉ lời được chừng 100.000 đồng, sống lai rai", ông cười mà thở dài buồn hiu.
Mỗi ngày vợ chồng ông đi từ nhà ở quận Gò Vấp qua đây dọn hàng lúc 6h, vợ ông phụ bán đến trưa thì về lo cơm nước cho chồng và mấy người cháu ở chung. Ở nội thành, thu nhập ít ỏi trên phải gồng gánh nào là tiền ăn uống, sinh hoạt, thuốc men... của vợ chồng già.
Ông nói mình không rành các loại thuế cho hộ kinh doanh, "người ta nói đóng thì mình đóng thôi". Cũng buôn bán tạp hóa từ nhiều năm nay, chị Phạm Ngọc Tiên (45 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết khách mua hàng của chị ngày càng giảm do mấy năm trở lại đây ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người ta chuộng việc mua sắm online, ngồi nhà chờ hàng giao tới.
"Bán tạp hóa giờ ế quá nên tôi mới mở thêm xe nước mía rồi xe cà phê rang xay nữa để bù qua sớt lại nhưng cũng chỉ vừa đủ sống qua ngày. Cái gì người ta cũng lên mạng mua, ngồi bán tạp hóa từ 6h sáng đến 10h đêm có khi doanh thu chỉ hơn 500.000 đồng, trừ chi phí này kia ra nữa thì đâu còn được bao nhiêu", chị Tiên tâm sự.
Chị Tiên nói chừng chục năm trước, nếu nói mở tiệm tạp hóa làm giàu thì người ta còn tin, bây giờ đeo cái ngành này vừa cực, lỗ lãi không ổn định.
"Ngưỡng đóng thuế là tính trên doanh thu. Bây giờ chi phí đầu vào, giá vốn tăng lên nhiều, cạnh tranh khốc liệt lắm, doanh thu có lên đi nữa nhưng lợi nhuận giảm xuống. Mức này tăng lên 300 triệu còn không đủ ăn với nuôi con nhỏ, huống gì là 200 triệu", chị Tiên thở dài.
Ông bà chủ làm thuê cho chính mình
Nếu vài năm trước, các cửa hàng và quán xá thường thuê người phụ bán hàng, khuân vác thì nay để cắt giảm chi phí, nhiều ông bà chủ đã xắn tay áo làm thuê cho chính mình.
"Cho tô hủ tiếu anh ơi" - nghe khách gọi, anh Nguyễn Tấn Lực (42 tuổi, quê Quảng Ngãi) lật đật từ quầy nước giải khát chạy ra ngoài bán hủ tiếu. Ngơi tay anh lại vào quầy nước ép, cà phê...
Thuê mặt bằng ở con đường nhỏ Chiến Thắng (quận Phú Nhuận) bốn năm nay, vợ chồng anh bán cà phê và các loại nước giải khát. Trưa chừng 10h họ bắt đầu bán hủ tiếu.
Gọi là quán nhưng bên trong chỉ bày vài bộ bàn ghế, bên ngoài là xe hủ tiếu. Quệt mồ hôi, anh Lực cho biết trước đây vợ chồng sống ngoài quê với công việc văn phòng nhưng đồng lương eo hẹp nên họ vào TP.HCM buôn bán.
Mỗi ngày vợ chồng xoay xở đủ thứ chi phí. Anh kể: "Lấy công làm lời thôi, chúng tôi thuê chỗ này vừa bán hàng vừa làm nơi ở, mỗi tháng 12 triệu đồng. Điện nước chừng 2 triệu đồng nữa. Rồi tiền vốn, nguyên liệu bán hủ tiếu...". Anh cho biết tiền lời mỗi ngày cũng vô chừng, hôm nào kiếm được 300.000 đồng là nhiều rồi.
Vợ chồng anh có hai con đang học ở quê, một lớp 10 và một lớp 8. Mỗi tháng họ sống thật dè sẻn để gửi về quê lo tiền học cho con, phụ ông bà nuôi cháu. Việc suốt ngày đêm, khuya thì họ chuẩn bị nấu nước dùng, hầm xương, sáng sớm lại bày hàng bắt đầu một ngày đầu tắt mặt tối, ngóng trông từng khách thời ế ẩm.
Bận rộn nhưng vợ chồng anh không thuê người phụ bởi quá nhiều chi phí rồi. Họ cũng không nghỉ ngày nào, bởi mỗi ngày ráng gồng sao cho doanh thu phải từ 500.000 đồng trở lên để bù đắp chi phí. "Chỉ Tết chúng tôi mới dám tranh thủ về quê một tuần. Vừa rồi mua vé xe cũng gần 2 triệu đồng/người rồi...", anh nói.
Mục tiêu lo hai con học đến nơi đến chốn nên vợ chồng anh Lực rất tiết kiệm. Cũng là chủ một quán bánh canh, bún riêu nhỏ trên đường Trường Sa (quận 3), bà Sáu Phương (50 tuổi) cho biết tình hình buôn bán rất bấp bênh.
Bà có đăng ký bán qua ứng dụng đặt đồ ăn để có thêm khách hàng nhưng cũng không bao nhiêu. Đeo nghề bán bún gần chục năm nay, bà Phương cho biết mỗi ngày mở bán từ 6h sáng đến chiều tối.
Chi phí mặt bằng, điện nước, nguyên liệu, chưa tính công sức bỏ ra... nên tính ra tiền lời chỉ đủ sống tiết kiệm. Có thời điểm bà thuê người phụ theo giờ vào buổi sáng nhưng thấy tốn kém nên thôi.
Về mức thuế trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, bà cho rằng Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh hợp lý với tình hình buôn bán thực tế của hộ kinh doanh. Nếu quy định ngưỡng 200 triệu doanh thu/năm phải nộp thuế thì khó cho người buôn bán nhỏ lẻ, doanh thu bấp bênh, bữa lỗ bữa lời chút đỉnh để đắp đổi cuộc sống dè sẻn như bà.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()