4
18
/
1100087
Để xây dựng một Quảng Ninh hạnh phúc: Thu hẹp chênh lệch phát triển, chênh lệch vùng miền
longform
Để xây dựng một Quảng Ninh hạnh phúc: Thu hẹp chênh lệch phát triển, chênh lệch vùng miền

Cover

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó việc đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, giảm chênh lệch vùng miền được quan tâm hàng đầu. Từ đó, góp phần hiện thực hoá quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh dịch vụ, công nghiệp, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Ảnh trong văn bản

Trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội, nổi bật như: chính sách bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020  trên địa bàn tỉnh; mức chi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020; chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…

Ảnh với chú thích

 Đặc biệt, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. Việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng được nâng lên rõ rệt, kéo giảm chênh lệch vùng miền, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng. Điển hình như Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của HĐND tỉnh về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới... Kết quả đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra.

Ảnh với chú thích

5 năm qua, tổng chi cho an sinh xã hội của Quảng Ninh đạt khoảng 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015; bố trí hơn 2,6 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lần lượt từ 93% và 91,4% năm 2015 lên 98% và 98,3% năm 2020. Hoàn thành việc triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách. 

Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm được triển khai hiệu quả; nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên; nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,9%. 

Ảnh trong văn bản

Phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tổ chức tháng 1/2021), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã khẳng định: Trên quan điểm, mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau,  5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã nêu lên, mà cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. 

Ảnh với chú thích

Ngay tại Đại hội lần thứ XV diễn ra vào tháng 9/2020, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng đã xác định một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Để thực hiện được khâu đột phá này, tỉnh đã xác định mộtnhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Ảnh với chú thích

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01-CT/TU ngày 09/10/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Chương trình hành động số 35, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Trong đó phải đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo kịp thời, theo quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan. 

Ảnh với chú thích

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, bao trùm. Rà soát, quy hoạch lại các vùng dân cư ở một số địa bàn chậm phát triển, không thuận lợi cho việc phòng, chống thiên tai. Tập trung giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn; sắp xếp ổn định định canh, định cư. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở các xã nông thôn, miền núi; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo.

Ảnh với chú thích

Tỉnh cũng có dự kiến tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng văn hóa cho vùng phát triển chậm, kết nối với các trung tâm kinh tế, đô thị; khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo, khó khăn. Đồng thời, ưu tiên bố trí hợp lý nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội khu vực các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, cùng với các dự án động lực trên địa bàn thành phố Hạ Long, dự án của nhà đầu tư chiến lược tại khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng, đảm bảo tính kết nối liên thông tổng thể, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị, bản sắc văn hóa của các xã vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh) và Sơn Động (Bắc Giang). Xây dựng Đề án tổng thể về phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững của các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên.

Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”…

Bảo Bình

Thực hiện: Vũ Đức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu