Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:24 (GMT +7)
Đề xuất phục dựng các làng nghề truyền thống ở Vân Đồn
Chủ nhật, 06/11/2022 | 12:58:02 [GMT +7] A A
Xuất phát từ việc bảo tồn giá trị thương cảng cổ xưa, lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã đề xuất phục dựng những làng nghề truyền thống tại Vân Đồn, tạo ra những điểm đến du lịch hấp dẫn.
Thương cảng Vân Đồn được hình thành năm 1149, dưới thời vua Lý Anh Tông và tồn tại trong suốt 7 thế kỷ đến thời Hậu Lê (thế kỷ 18), với nhiều thuyền buôn từ các nước trong khu vực đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trung tâm thương cảng nằm ở bến Cái Làng thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn ngày nay. Cùng với hệ thống cảng biển, Thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: "Thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ và các làng nghề truyền thống như: Nghề đóng thuyền, nghề dệt, chế tác gốm sứ, ngọc trai, làm nón, chế biến thủy hải sản cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác trải dọc vùng duyên hải và tập trung ở đồng bằng châu thổ sông Hồng".
Với khát khao lan tỏa văn hóa gốm sứ đến với nhiều người, nghệ nhân Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã dày công bảo tồn tinh hoa làng nghề Việt, đưa sản phẩm gốm sứ Việt Nam ra thế giới. Năm 1994, khi cơ chế chính sách có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, bà Vinh thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh với 2 nhà máy sản xuất gốm sứ có trên 700 lao động. Riêng cơ sở sản xuất tại Mạo Khê, TX Đông Triều đã được mở rộng trên diện tích 30.000m2.
Hiện nay, bà đặc biệt quan tâm đến Vân Đồn, mong muốn xây dựng những làng nghề truyền thống tại Vân Đồn. Bà Hà Thị Vinh cho biết: "Cách đây 20 năm, tôi đã đến Vân Đồn để làm ăn. Vân Đồn khi đó còn hoang sơ lắm, đi lại khó khăn cách trở. Muốn sang bên Cẩm Phả còn phải đi phà. Vân Đồn nay đã rất phát triển, thuận lợi cho buôn bán giao thương. Chúng tôi lên ý tưởng phục dựng đầy đủ 12 làng nghề truyền thống, xây dựng đình làng là nơi sinh hoạt hành chính và xây dựng đền thờ đức vua Lý Anh Tông, người đã ra chỉ dụ thành lập thương cảng Vân Đồn. Cha ông chúng tôi ở làng gốm Bát Tràng đã ra đây buôn bán làm ăn và giờ chúng tôi muốn theo bước chân cha ông, muốn tri ân tiên tổ mở mang ngành nghề gốm sứ".
12 làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội mà bà Vinh nhắc đến gồm có: Làng gốm, làng lụa, làng mây tre đan, làng làm chuồn chuồn tre, làng hoa, làng đúc đồng, làng kim hoàn, làng làm nón chuông, làng quạt, làng rối nước, làng chế tác nhạc cụ dân tộc và làng thêu ren. Còn nếu xét riêng về gốm sứ thì cả nước có 12 làng gốm nổi tiếng là: Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Bình Thuận), Cây Mai (TP Hồ Chí Minh), Biên Hòa (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương), Cổ Chiên (Vĩnh Long), Nam Quy (An Giang).
Bên cạnh gốm sứ, Quảng Ninh còn có những làng nghề khác hoàn toàn có thể phục dựng ở Vân Đồn như: Nghề chế tác ngọc trai, làng nghề đóng tàu thuyền, nghề đan lát, nghề làm nước mắm, nghề chế tác than đá. Những làng nghề này góp phần làm phong phú thêm kho tri thức dân gian về nghề truyền thống Việt Nam.
Khu vực phục dựng và bảo tồn làng nghề sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời là nơi mở các trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên mỹ thuật cũng như những người yêu gốm sứ.
Các làng nghề tiêu biểu cũng giới thiệu các sản phẩm OCOP độc đáo, qua đó giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hiểu được cái hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, trung tâm này còn kết nối đón tour du lịch, thăm nhà các nghệ nhân, nghe kể những câu chuyện làm nghề. Khu phục dựng các làng nghề cũng sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn tay nghề, thi tay nghề giữa các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trong cả nước. Qua đó, bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích cấy ghép nghề cho những làng chưa có nghề.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()