Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:37 (GMT +7)
Điểm tựa cho các đối tượng bảo trợ xã hội
Thứ 4, 07/12/2022 | 06:54:25 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm ban hành nhiều chế độ, chính sách dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Các đơn vị, địa phương cũng có nhiều giải pháp thiết thực triển khai, đồng thời phát huy sức mạnh cộng đồng trong giám sát triển khai chính sách, chế độ dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo kịp thời, đầy đủ.
Kỳ họp thứ 12, HĐND khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh sẽ xem xét để ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo dự thảo Nghị quyết này, đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 650.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, sửa đổi nội dung “Áp dụng đối với công dân đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh” thay vì công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh như trước; bổ sung người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và chưa được hưởng trợ cấp xã hội, đang sinh sống tại 7 xã, thị trấn thuộc 4 địa phương: Thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên); thị trấn Quảng Hà, xã Quảng Minh và xã Quảng Chính (huyện Hải Hà), thị trấn Cái Rồng, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) và xã Lê Lợi (TP Hạ Long).
Dự thảo Nghị quyết cũng sửa đổi nội dung chi phí khám chữa bệnh. Theo đó, chỉ hỗ trợ đối với trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến (bao gồm thông tuyến) tại các cơ sở y tế công lập trong nước theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, không hỗ trợ các trường hợp sử dụng các loại dịch vụ theo yêu cầu; hỗ trợ chi phí khám bệnh liên quan đến chữa bệnh. Dự thảo Nghị quyết về việc này điều chỉnh các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội để phù hợp với tình hình thực tế.
Bà Nguyễn Thị Re (sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh), cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đời sống của người cao tuổi sống tại Trung tâm ngày càng được nâng cao. Nếu tiếp tục được tỉnh quan tâm nâng mức hỗ trợ cho người nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội lên 650.000 đồng, sẽ là nguồn động viên lớn, giúp chúng tôi thêm sống vui, khỏe, có ích. Còn ông Đỗ Văn Hùng (80 tuổi, thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi, TP Hạ Long) chia sẻ: Khi biết kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh sẽ bàn để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội, trong đó có người dân xã Lê Lợi, tôi rất phấn khởi. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những người cao tuổi, chăm lo tốt hơn cho cuộc sống tuổi già; giúp bớt một phần gánh nặng cho gia đình...
Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh cũng sẽ thảo luận để ban hành Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025. Theo đó, giai đoạn này, chỉ tiêu bao phủ BHYT sẽ lần lượt là trên 95% (năm 2022), trên 95,25% (năm 2023), trên 95,5% (năm 2024), trên 96,75% (năm 2025). Để thực hiện được mục tiêu đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT; xây dựng kế hoạch hàng năm, coi việc thực hiện chính sách BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính sách BHYT; đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách BHYT…
Cùng với triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm cho công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với mục tiêu xây dựng NTM hiệu quả, toàn diện và bền vững; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, đồng bộ các tiêu chí, hài hòa với sự phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022 và Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026.
Năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng và đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao... Thông qua các chương trình đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH. Năm 2022 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước 0,34%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,23%.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()