Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 18:03 (GMT +7)
Định hướng khai thác hiệu quả đất đá thải mỏ
Thứ 7, 06/04/2024 | 08:40:23 [GMT +7] A A
Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai chủ trương khai thác, sử dụng, kinh doanh đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng. Chủ trương này đang phát huy hiệu quả, tạo lợi ích kép không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở, khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều dự án hạ tầng kinh tế, đô thị, giao thông đã và đang được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các đô thị, dự án phát triển chủ yếu tại khu vực có địa hình phức tạp, không bằng phẳng, nên khi triển khai sẽ cần nhu cầu lớn nguồn vật liệu để phục vụ san lấp mặt bằng. Theo thống kê của Sở Xây dựng, giai đoạn 2020-2025, trên địa bàn toàn tỉnh cần khoảng hơn 130 triệu m³ đất đá thải phục vụ san lấp các dự án trọng điểm, như: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, các khu công nghiệp và một số dự án tại TP Hạ Long…
Hiện nay, lượng đất đá bốc xúc, đổ thải của TKV đạt trên 150 triệu m³/năm. Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua, TKV đã bốc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Thực tế, tại tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua, đất đá thải mỏ phát sinh tại các mỏ than hoàn toàn phù hợp để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và khai thác giá trị gia tăng sau khi khai thác mỏ, năm 2019, TKV có chủ trương thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Cuối tháng 9/2020, TKV đã giao cho Công ty Chế biến Than Quảng Ninh lập quy hoạch các khu vực bãi thải đất đá từ quá trình khai thác và chế biến than có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cùng với TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Cuối năm 2022, TKV chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đến nay, TKV đã cung cấp được hơn 17.220m³ đất đá thải làm vật liệu san lấp cho 2 dự án: Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (khai thác khu vực bãi thải cánh tây mỏ Núi Béo) và cầu Cửa Lục 3 (khai thác bãi thải phía Trụ Nam mỏ Suối Lại).
Để nâng cao hiệu quả khai thác đất đá thải mỏ, hiện nay TKV chủ động phối hợp, làm việc với 15 chủ đầu tư của 18 dự án, công trình trên địa bàn Quảng Ninh. Trong đó, TP Hạ Long 6 dự án, TP Cẩm Phả 9 dự án, TP Uông Bí và TX Đông Triều 3 dự án. Quá trình làm việc với các chủ đầu tư, TKV đã xác lập được nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng với tổng khối lượng giai đoạn đến năm 2026 khoảng 100 triệu m³/năm thông qua các biên bản làm việc, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng kinh tế. Hiện TKV đã quy hoạch khai thác đất đá thải mỏ của TKV tại Quảng Ninh đến năm 2030 bao gồm 16 khu vực; đã được đánh giá, phân tích về mặt kỹ thuật và kinh tế phù hợp với định hướng nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tổng khối lượng đất đá thải có thể khai thác, thu hồi khoảng 633,4 triệu m³, bình quân gần 82 triệu m³/năm.
Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm nguyên liệu san lấp phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp là hướng đi phát triển bền vững, hài hòa với môi trường của TKV với tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển “kinh tế tuần hoàn” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), xây dựng tỉnh Quảng Ninh là trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Đặc biệt, việc sử dụng đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng các dự án, công trình đạt nhiều mục đích. Qua đó, còn góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường… Thời gian tới, TKV tiếp tục báo cáo Bộ TN&MT cho phép thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn, Nam Quảng Lợi mỏ Cọc Sáu, khu vực bãi thải Bắc Bàng Danh mỏ Hà Tu và khu vực bãi thải mỏ Hà Ráng mỏ Hòn Gai với tổng trữ lượng hơn 98,2 triệu m³.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()