Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:53 (GMT +7)
Đô thị Quảng Yên xưa
Chủ nhật, 09/07/2023 | 09:32:49 [GMT +7] A A
Đô thị Quảng Yên đã nhiều thế kỷ liên tục là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa lớn nhất và quan trọng nhất của toàn tuyến duyên hải và biển, đảo miền Đông Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, Quảng Yên đã trải qua nhiều thăng trầm, khi là trấn lỵ, là tỉnh lỵ, là huyện rồi lại là thị xã sầm uất.
Những phát hiện khảo cổ ở khu vực sông Bạch Đằng đã chứng minh rằng, ở Quảng Yên xưa có sự phát triển giao thương và sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân, thị dân. Các ngôi mộ cổ thời Đông Hán được phát hiện ở các xã Tiền An, Hoàng Tân, Sông Khoai cho thấy chủ nhân của nó không phải người Hán mà là thương nhân người Việt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, vùng đất Bạch Đằng thời kỳ Âu Lạc dân cư trù mật. Chính nó là nền tảng để sinh ra cả một thời kỳ giao thương sầm uất của Giao Chỉ.
Khi Giao Châu trở thành một điểm đi và đến của con đường tơ lụa trên biển khoảng trước Công nguyên thì cửa Bạch Đằng và tuyến đường thủy, đường bộ đi sâu vào Giao Chỉ phải là tuyến thương mại chính của cả vùng. Đây là một khu vực cảng có tính chất cổ họng của đất nước. Không chỉ là cổ họng chống xâm lược mà còn là cổ họng của hoạt động giao thương. Vai trò quan trọng của cửa sông Bạch Đằng như một trung tâm thương mại vùng từ 4.000 năm trước và bùng phát vào thời Âu Lạc, Nam Việt, Giao Châu, thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, cho rằng: Trên bãi triều mênh mông ven Đượng Hạc, xã Hoàng Tân còn dày đặc những mảnh gốm men sứ thời Lý, Trần, Lê nằm dưới gốc cây sú, vẹt. Phải chăng Bến Giang, Đượng Hạc thuộc xã Hoàng Tân xưa kia là một trong những bến cảng buôn bán thuộc hệ thống Thương cảng Vân Đồn, nếu không thì đây là nơi trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy ra Thương cảng Vân Đồn.
Theo sách "Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Yên" do NXB Lý luận chính trị ấn hành năm 2020, bắt đầu từ năm 1802, đồng thời với sự ra đời nhà Nguyễn, vua Gia Long đặt ra trấn Yên Quảng bao gồm toàn bộ vùng Đông Bắc, lấy khu vực TX Quảng Yên hiện nay làm trấn lỵ, cử quan Nguyễn Hữu Đạo làm trấn thủ, quan Nguyễn Viết Cơ làm hiệp trấn, quan Nguyễn Văn Kim làm tham hiệp. Năm Gia Long thứ tư, 1805, nhà vua cho xây dựng Văn miếu Quảng Yên làm nơi dạy học.
Năm 1822, nhà vua đổi tên trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên. Từ năm 1802 đến năm 1825, trấn lỵ Yên Quảng chưa được đắp thành trì mà dựa vào thế núi Tiên Sơn. Năm 1826, vua Minh Mệnh cho đắp thành bằng đất, xung quanh có các phố: Yên Hưng, Khê Chanh và Tiền Môn.
Năm 1832, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính thành lập tỉnh Quảng Yên và trấn lỵ Quảng Yên được đổi thành tỉnh lỵ Quảng Yên. Trong suốt thời Nguyễn, khu vực tỉnh lỵ Quảng Yên vẫn luôn là trung tâm hành chính cấp tỉnh, là đô thị đứng đầu toàn vùng Đông Bắc. Đến năm 1886, vua Tự Đức mới cho xây thành Quảng Yên bằng gạch và để lại di tích như ngày nay vẫn thấy.
Khi người Pháp chiếm Quảng Yên, từ năm 1883 đã cho xây dựng những nhà công sứ, sở mật thám, nhà đoan, kho bạc, chợ Rừng v.v.. Người Pháp cũng cho mở rộng một số tuyến phố cũ, cụ thể là phố Yên Hưng, phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Hoàng Hoa Thám ngày nay. Phố Tiền Môn đổi thành các phố Gia Long và Phạm Ngũ Lão. Sau này, phố Gia Long lại được đổi thành phố Đoàn Kết, rồi thành phố Ngô Quyền.
Phố Khê Chanh được đổi thành phố Trương Quốc Dụng, sau đổi thành phố Trần Khánh Dư. Thời Pháp thuộc, Quảng Yên trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên. Đây là nơi nghỉ dưỡng, là nơi tập trung bộ máy cai trị của thực dân Pháp với vùng Đông Bắc.
Ngày 20/7/1945, quân cách mạng giải phóng TX Quảng Yên, tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Chính quyền cách mạng được thành lập, vẫn lấy Quảng Yên làm tỉnh lỵ. Ngày 28/2/1947, Pháp quay lại chiếm đóng TX Quảng Yên cho đến ngày 25/5/1955.
Từ đầu những năm 1955, Quảng Yên vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị xã trung tâm của tỉnh Quảng Yên trong Khu Hồng Quảng, thuộc hệ thống hành chính địa phương cấp tỉnh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/7/1964, sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, lấy TX Hòn Gai làm tỉnh lỵ, Chính phủ ra Quyết định đổi TX Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên và đặt làm huyện lỵ huyện Yên Hưng.
Danh xưng Quảng Yên hiện nay là tên của thị xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Quảng Yên hiện nay gồm 2 phần Hà Nam và Hà Bắc. Dưới tác động của tốc độ đô thị hóa, một số tên làng ở Quảng Yên xưa đã đổi thành tên xã, phường, như: Phong Cốc, Cẩm La. Một số tên làng thành tên thôn, khu phố, như: Hưng Học, Vị Dương, Yên Đông, Trung Bản, Khê Chanh, Khoái Lạc, Yên Lập, Động Linh, La Khê.
Như vậy, TX Quảng Yên hiện nay có 19 đơn vị hành chính cấp xã, thì có đến 11 phường với hơn 100 khu phố. Trong điều kiện, bối cảnh mới, Quảng Yên đang vươn lên khẳng định lại vị trí vốn có của mình, trở thành đô thị xứng tầm trong trục kinh tế động lực của vùng duyên hải Bắc Bộ với những cơ hội mới cho vùng đất giàu tiềm năng này.
Phạm Học
- Số hóa 3D các di sản văn hóa ở Quảng Ninh
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Móng Cái: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Những di sản văn hoá thời Lê
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()