Nhiều người chi tiền triệu để thụt tháo đại tràng hoặc truyền dịch thải độc gan, các bác sĩ khuyến cáo những phương pháp này không có căn cứ, nên thận trọng.
Chồng thường xuyên tiếp khách, uống nhiều rượu bia, nên tủ thuốc nhà chị Lan (ở Hà Nội) luôn có "thuốc thải độc gan". Chị mua liệu trình thải độc gan gồm 30 gói, xuất xứ nước ngoài, được quảng cáo "không chỉ giúp thải độc gan mà còn làm sạch cơ thể, giải rượu, tăng đề kháng".
Chị Lan còn đăng ký gói truyền dịch thải độc cho chồng ở một cơ sở y tế tư nhân, giá 2 triệu đồng một buổi. Nhân viên nơi đây cam kết chỉ sau một buổi sẽ thải được hết các độc tố tích tụ trong gan, ngăn ngừa bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư, đột quỵ. Tùy thuộc vào tình trạng, người bán giới thiệu dung dịch truyền khác nhau như điện giải, chất dinh dưỡng.
Chồng chị Lan dùng xong ba liệu trình trên cũng là lúc khám sức khỏe định kỳ tại công ty. Kết quả xét nghiệm máu và siêu âm cho thấy gan của anh bị nhiễm mỡ độ 3, có một số nang nước, men gan tăng 3-4 lần so với bình thường. Chồng chị điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, phải dùng thuốc hạ men gan và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để trị bệnh, "tiền mất tật mang".
Phương pháp thải độc gan bằng cà phê hoặc nước lọccũng được nhiều người tìm kiếm. Bộ dụng cụ gồm 500 g bã cà phê, một bình nhựa dung tích 2.000 ml, một bộ dây nối truyền chất liệu mềm, một lọ dầu dừa dạng xịt 130 ml để bôi trơn hậu môn khi truyền. Người bán cam kết sản phẩm chính hãng, cà phê hữu cơ 100%, dầu dừa ép lạnh nguyên chất, không dùng chất bảo quản, hạn sử dụng 12 tháng.
Người mua được hướng dẫn trộn 15 g bột cà phê hòa với 300 ml nước sạch, đun sôi từ ba đến 7 phút. Sau đó lọc bỏ bã cà phê và thêm nước ấm 37-38 độ C. Cuối cùng, cho cà phê vào túi, treo túi lên một mét và đưa ống truyền vào hậu môn trong khoảng 7-10 phút.C
Chị Thu, 40 tuổi (ở Vĩnh Phúc) mua gói liệu trình thải độc gan giá 1,2 triệu đồng. Sau ba tuần sử dụng, chị không cảm nhận được hiệu quả như quảng cáo, tần suất đi vệ sinh nhiều hơn, trung bình 10 lần mỗi ngày, sinh hoạt bị đảo lộn, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Trong quá trình thải độc, người phụ nữ mắc cúm A, sốt cao, buồn nôn và nôn, nhập viện. Bác sĩ cho biết cơ thể chị bị mất nước, suy kiệt, phải dùng nhiều phương pháp bù nước kết hợp thuốc kháng virus cúm, nếu không bệnh sẽ nghiêm trọng.
Chị Lan và Thu là hai trong nhiều trường hợp tìm đến các phương pháp thải độc gan, làm sạch cơ thể. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người chia sẻ phương pháp từ uống thuốc, truyền dịch, súc ruột, thụt tháo đại tràng bằng cà phê, nước lọc, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Hầu hết người bán cam kết sản phẩm uy tín, thải độc gan chỉ sau một liệu trình, tống khứ cặn bã. Tuy nhiên, không ai đưa ra được bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào thừa nhận hiệu quả của các phương pháp này.
Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết gan là bộ phận chuyển hóa chính của cơ thể, cũng là cơ quan thải độc quan trọng bên cạnh thận. Việc thải độc gan theo những phương pháp được lan truyền trên mạng không có cơ sở khoa học cũng như không thể chứng minh độ an toàn.
Thụt tháo đại tràng, truyền dịch thải độc bằng cách đưa chất lạ vào người khiến khoáng chất, vi khuẩn tốt và xấu bị xổ ra ngoài, gây mất cân bằng điện giải, nguy hiểm đến hệ thống đường ruột. Ngoài ra, phương pháp này khiến người dùng dễ lệ thuộc vào nó, ví dụ phải thụt đại tràng mới có thể đại tiện. "Không loại dịch truyền nào có thể ngừa ung thư gan, đây chỉ là chiêu trò quảng cáo dựa trên lòng tin của người dân", bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết đây là cách làm phản khoa học, vi phạm y đức. Theo bác sĩ Phương, không có khái niệm thải độc gan cũng như không có chuyện truyền dịch vào cơ thể sẽ thải độc gan. Thông thường, gan bị nhiễm mỡ, virus, vi khuẩn hoặc uống thuốc, rượu bia quá nhiều dẫn đến tế bào gan bị hư hại. Người bệnh phải sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ để cơ quan này hồi phục. Ngoài ra, cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, vệ sinh thân thể.
"Truyền dịch vào cơ thể không thải được độc, nhưng có thể dẫn đến nguy cơ bị sốc, tổn thương các cơ quan, tiền mất, tật mang", bác sĩ Phương nói.
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư, Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết tất cả trường hợp truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định, được xét nghiệm, kiểm tra kỹ lưỡng và truyền tại cơ sở y tế. Bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, đường ruột, ung thư càng cẩn trọng.
Theo bác sĩ, khi gan bị quá tải mà tiếp tục đưa thêm các chất không rõ nguồn gốc vào càng tăng nguy cơ ngộ độc, khiến bệnh trầm trọng hơn. Bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch yếu, đang điều trị hóa chất, gặp phải chất lạ càng dễ bị tổn thương.
"Đưa chất lạ vào người, bác sĩ mất thêm thời gian tìm lý do bệnh, có khi buộc dừng xạ hóa trị, khiến bệnh nặng hơn", bác sĩ nói.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ba trường hợp tử vong được báo cáo trong y văn dường như có liên quan đến thải độc đại tràng bằng cà phê. Tạp chíAmerican Journal of Gastroenterologycũng cho rằng việc làm sạch ruột có thể gây hại sức khỏe, thậm chí tử vong. Trường Y thuộc Đại học Harvard khuyến cáo làm sạch ruột bằng cách thụt tháo sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột.
Một nghiên cứu khác từ y tế Hàn Quốc, cho thấy có 7 người trong 9 người thụt rửa đường ruột bằng cad phê sẽ bị viêm đại tràng, đau vùng bụng dưới hoặc thỉnh thoảng đau vùng hậu môn đi ngoài ra máu. Ở Mỹ, một bệnh nhân ung thư vú di căn đến gan tự uống thuốc xổ cà phê, sau đó bị suy gan và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo gan là bộ phận có khả năng tái tạo và tự chữa lành, tự thải độc qua hệ thống bài tiết. Để bảo vệ lá gan, cách tốt nhất là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, loại bỏ rượu bia, thuốc lá. Mọi người cần giữ cân nặng vừa phải, tránh béo phì, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, thức ăn nhanh và duy trì tập luyện, rèn sức khỏe.
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xác định có viêm gan hay không, từ đó có chế độ điều trị, bảo vệ tế bào gan. "Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào, cần phải nghiên cứu một cách cẩn thận và tham khảo ý kiến chuyên môn để tránh rước họa vào thân", bác sĩ Quý khuyên.
Ý kiến ()