Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:15 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV: Đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm vì sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh
Thứ 6, 09/12/2022 | 16:35:41 [GMT +7] A A
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã giải quyết một lượng lớn công việc, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có tính định hướng chiến lược; là nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh không chỉ cho năm 2023, mà cả giai đoạn tiếp theo.
Đồng lòng, hợp sức vì mục tiêu chung
Theo đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh, chưa có kỳ họp nào lại có khối lượng lớn báo cáo, tờ trình được trình như tại Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh khoá XIV. Qua tổng hợp, có gần 50 báo cáo, tờ trình được xem xét, nghiên cứu tại kỳ họp, với 75 ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường (55 ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, 20 ý kiến của khách mời); 15 ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Đặc biệt, các ý kiến thảo luận, chất vấn tập trung vào nội dung gợi ý của Chủ tịch HĐND tỉnh và cử tri quan tâm, liên quan đến những vấn đề cốt lõi, then chốt, đảm bảo duy trì sự tăng trưởng, phát triển KT-XH năm 2023, cũng như quá trình ổn định, phát triển bền vững giai đoạn tới.
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, khoa học, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, với sự quyết liệt, khẩn trương của UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện, đặc biệt có sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Năm 2022 và liên tục trong 3 năm (2020-2022) trước những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương điển hình có sự chủ động phòng chống, kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện thành công mục tiêu kép. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu KT-XH, môi trường; GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, thu NSNN đạt trên 55.000 tỷ đồng, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đến hết năm 2022, 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, để chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững vì chất lượng đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đánh giá, ghi nhận kết quả đạt được, đại biểu HĐND tỉnh cũng thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022; từ đó đúc rút kinh nghiệm, hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ nhằm thực hiện thắng lợi, hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với chủ đề công tác được xác định “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 2 con số, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, cần phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của 3 khu vực kinh tế (dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản). Trong đó, chỉ rõ khu vực nào sẽ giữ vai trò chủ đạo, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, với những giải pháp hết sức cụ thể giao cho các cấp, các ngành; đặc biệt, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải được đặt lên hàng đầu.
Đại biểu Nguyễn Văn Hồi (Tổ đại biểu TX Quảng Yên), Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng: Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành than và điện - 2 ngành kinh tế trụ cột, để có thể kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh; cùng với đó, chú trọng quan tâm phát triển ngành du lịch, dịch vụ trong bối cảnh bình thường mới.
Khắc phục tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, kỳ họp đã thống nhất một số biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2023, đó là các chủ đầu tư, địa phương, sở, ngành liên quan cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong giải quyết những điểm nghẽn liên quan đến GPMB, kế hoạch sử dụng đất, nguồn đất đắp; chủ động rà soát, cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công đối với những dự án, công trình chậm tiến độ, đảm bảo được tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, chỉ đạo ngay từ đầu năm của UBND tỉnh.
Với mục tiêu thu NSNN năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng theo tinh thần của kỳ họp (thu XNK 12.000 tỷ đồng, thu nội địa 42.000 tỷ đồng), kỳ họp đã thống nhất với biện pháp điều hành là tiếp tục chấp hành nghiêm Luật NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy cải cách hành chính trong công tác tác quản lý tài chính - ngân sách, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách.
Một nội dung quan trọng, được đông đảo cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tại kỳ họp là chất vấn, trả lời chất vấn đã được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý, trọng tâm, trọng điểm với sự truy vấn đến cùng của đại biểu HĐND tỉnh đối với thành viên UBND tỉnh. Điểm mới của kỳ họp lần này là các nội dung chất vấn, trả lời chất vấn gắn với chủ đề công tác năm, thể hiện cho sự quyết tâm của HĐND tỉnh sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống.
Kỳ họp ghi nhận các ý kiến chất vấn tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh đối với 6 thành viên UBND tỉnh liên quan đến 14 nhóm nội dung và được Chủ tọa kỳ họp điều hành thành 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn (thu hút đầu tư FDI, sử dụng đất đá thải mỏ, cải thiện nước sạch sinh hoạt và chuyển đổi số toàn diện).
Thực tế trong quá trình phát triển của tỉnh hiện nay, 4 nhóm vấn đề này được coi là nòng cốt, then chốt, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững, do vậy các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những câu hỏi rất sát thực tế đối với các thành viên UBND tỉnh. Phía người trả lời đã thể hiện rõ trách nhiệm, đưa ra nhiều giải pháp có tính phát hiện, đổi mới gắn liền với thực tiễn, đáp ứng mong đợi của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Những quyết sách gắn liền cuộc sống người dân
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XIV đã thống nhất, biểu quyết thông qua 23 nghị quyết quan trọng với sự đồng thuận của 100% đại biểu tham dự, được đại biểu, cử tri và nhân dân toàn tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, có 16 nghị quyết về cơ chế chính sách đặc biệt tác động lớn đến phát triển KT-XH và an sinh xã hội của tỉnh.
Điển hình như nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 xác định 10 nhóm giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả 12 chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH, môi trường. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, KKT; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Các nghị quyết quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn NSNN, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; thông qua chỉ tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh đã được thông qua, nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng (Tổ đại biểu TP Hạ Long), Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, khẳng định: Với mục tiêu của tỉnh là hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng khó khăn và yếu thế trên địa bàn, giúp họ đảm bảo cuộc sống thì việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Trong đó có mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng sẽ đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, hướng đến mục tiêu hỗ trợ được các đối tượng yếu thế, thực sự khó khăn trên địa bàn, góp phần đạt được hiệu quả của chính sách và phát huy giá trị của chính sách với đời sống nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện một trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XIV đã thông qua nghị quyết quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của Quảng Ninh; nghị quyết về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025; nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh. Những cơ chế, chính sách ưu việt sẽ góp phần phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng, sẽ tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh tạo bứt phá phát triển KT-XH giai đoạn tiếp theo.
Bà Tô Thị Minh Nguyệt, Cơ sở giáo dục mầm non Hoa Sen (TX Quảng Yên) cho biết: Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn Quảng Ninh được HĐND tỉnh thông qua là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Chính sách sẽ tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục như chúng tôi, góp phần tăng tỷ lệ trẻ ra lớp, giảm bớt khó khăn, gánh nặng kinh tế cho những gia đình công nhân lao động trong các KCN có con em trong độ tuổi mầm non. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Nội dung đưa ra tại kỳ họp là những định hướng lớn, chắc chắn tạo ra những động lực mới cho tỉnh Quảng Ninh phát triển trong năm tới. Tôi kỳ vọng những quyết sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của cử tri, nhân dân là xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc” - Cử tri Trần Văn Ca (khu 3, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) đánh giá.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Các nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XIV là những vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết, không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2023, mà còn của cả giai đoạn 2021-2025. Để nghị quyết có hiệu lực và hiệu quả, trọng tâm nằm ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; rõ người, rõ việc, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành từng công việc. Đồng thời, phải chủ động thường xuyên, quyết liệt rà soát, phát hiện những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật từ cơ sở và kịp thời tháo gỡ, bám sát tình hình thực tế để có giải pháp xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()