Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:19 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV Hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Thứ 5, 08/12/2022 | 19:10:33 [GMT +7] A A
Chất vấn, trả lời chất vấn là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Từ thực tiễn đặt ra, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, Chủ tọa Kỳ họp đã nghiên cứu rất kỹ, lựa chọn 4 vấn để chất vấn, trả lời chất vấn đối với các sở, ngành, liên quan đến lĩnh vực: Thu hút nguồn vốn FDI; sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn; cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn; chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Quyết tâm thu hút vốn FDI cao nhất
Liên quan đến vấn đề thu hút vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh, đã có 4 ý kiến chất vấn đối với UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh, cho rằng, mặc dù các cấp, các ngành đã có sự nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên năm 2022, nguồn vốn FDI thu hút vào địa bàn KCN, KKT còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh. Do vậy, các đại biểu đề nghị các sở, ban, ngành liên quan cần làm rõ nguyên nhân và có những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn trong năm 2023.
Trả lời chất vấn cho nội dung này, đã có 3 cơ quan, đơn vị trực tiếp trả lời (Sở KH&ĐT, Ban Quản lý KKT tỉnh, IPA) cùng với đó là lãnh đạo UBND tỉnh. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng những nội dung mà cử tri, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng: Trên thực tế việc thu hút nguồn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, về nguyên nhân khách quan là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine; việc cắt giảm sản lượng xăng dầu thế giới; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu bị đứt gãy; hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa, cước phí vận tải biển tăng cao...
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư còn thiếu tính đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Công tác hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT còn chậm.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh đến vấn đề tiên quyết là phải tạo dựng được quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho các KCN, KKT. Cùng với đó là việc đổi mới cả nội dung và hình thức công tác xúc tiến đầu tư, cả tại chỗ và đầu tư mới, ở cả cấp địa phương và cấp doanh nghiệp, tránh tình trạng tỉnh, đặc biệt là các cấp lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo nhưng tự thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN lại không nhiệt tình... Tỉnh cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài.
Giải trình bổ sung làm rõ thêm, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2022 của tỉnh 1,5 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, đến nay chưa đạt theo kế hoạch. Nguyên nhân được đồng chí chỉ ra, đó là vướng mắc trong GPMB, nguồn đất san lấp, trách nhiệm này thuộc về chính quyền các địa phương liên quan; hạ tầng các KCN còn đầu tư nhỏ giọt, chưa thực sự quyết liệt nên chưa thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư thứ cấp. Trong năm 2023, đồng chí khẳng định trước Kỳ họp sẽ yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, hiện đại, ít lạm dụng, thâm hụt nguồn lực lao động, tài nguyên môi trường.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, lưu ý, cần triển khai một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó, đối với 500ha đất sạch chuẩn bị đầu tư, các cơ quan chức năng lên kế hoạch thu hút đầu tư. Đồng thời rà soát lại quy hoạch các KCN. Trong đó, có đánh giá thực trạng về vấn đề quản lý sử dụng đất, vấn đề đầu tư hạ tầng trong và ngoài KCN. Qua đó đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa trong và ngoài KCN với hạ tầng thiết yếu, giao thông, điện, nước, nhà ở cho công nhân lao động. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh tập trung đánh giá lại mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư để xây dựng lại cơ quan đầu mối đủ năng lực, đảm bảo hiệu lực hiệu quả hoạt động với sự thống nhất cao nhất; phân định rõ trong và ngoài KCN.
Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan làm rõ kết quả triển khai thực hiện việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng; đã có bao nhiêu khu vực đất đá thải mỏ được cấp phép; đánh giá lợi ích, hiệu quả của nguồn vật liệu san lấp này đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, các địa phương.
Trả lời cho nội dung này, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Thực hiện Luật Khoáng sản từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và ngành Than tham mưu UBND tỉnh và Bộ TN&MT xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách cấp phép cho sử dụng đất đá thải mỏ đến nay đã có những kết quả nhất định. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành Than, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời xác định 32 vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp đưa vào Phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, làm rõ: Đối với chủ trương dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng dự án, Sở cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tính toán cụ thể. Theo đó, chi phí đối với 1m3 đất, đá thải mỏ để đưa ra san nền sẽ gồm 2 nhóm chi phí: Một là chi phí bốc xếp, vận chuyển đất, đá thải mỏ từ bãi thải mỏ đến điểm tập kết và chi phí từ điểm tập kết đến dự án. Với chi phí thứ nhất, qua tính toán, dao động 30-50 nghìn đồng/m3, thật sự rất là thấp. Tuy nhiên, chi phí thứ hai là chi phí vận chuyển từ bãi tập kết đến dự án thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như phương án vận chuyển, bốc xếp, loại hình, công suất vận chuyển, quãng đường... thì sẽ bị đội lên rất nhiều.
Do đó về giải pháp, ngành đề nghị khi lựa chọn đất, đá thải mỏ phục vụ san lấp phải lựa chọn điểm thuận lợi về chất lượng, khoảng cách, nhất là gần với điểm trung chuyển của ngành Than để giảm chi phí. Đồng thời, xây dựng, tính toán phương án vận chuyển tối ưu hóa để giảm chi phí tối đa, nên tận dụng tối đa các bến bốc xúc của ngành Than. Về phía ngành xây dựng, ngành cũng sẽ có trách nhiệm thẩm tra, công bố đơn giá trần tối đa áp dụng cho 1m3, nguyên tắc là sẽ tính đúng, tính đủ để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu nội dung này phải có Đề án tổng thể, trước mắt là đối với 4 vùng than Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí để giải quyết vấn đề đất đá thải mỏ trong khu vực, phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Việc triển khai cần thực hiện trên cơ sở đề xuất Chính phủ, Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan để xin cấp phép. Đồng thời, tập trung truyền thông tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong cán bộ đảng viên, trong cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương của tỉnh về thực hiện mục tiêu phát triển, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu về thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Khi tiến hành hoạt động vận chuyển, bốc xúc, đổ thải phải giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp đánh giá tác động môi trường được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bảo vệ sức khỏe người dân
Việc sử dụng nước sạch đảm bảo cho sức khỏe và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống là vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm, đặc biệt khi chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là vấn đề được nhấn mạnh. Do vậy, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT cần có giải pháp cụ thể của ngành trong việc cụ thể hóa mục tiêu năm 2023, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,99% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%).
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, giải trình làm rõ: Hiện tỉnh có 18 công trình thuộc vùng đồng bằng; 13 công trình thuộc vùng hải đảo; 178 công trình thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn là 57,3%, còn khá thấp so với tỷ lệ đạt trên 70% theo mục tiêu Nghị quyết của tỉnh đặt ra.
Với trách nhiệm của ngành, đồng chí đề xuất một số giải pháp nổi bật: Phải tổ chức đánh giá lại toàn bộ hiện trạng của tất cả các công trình cấp nước; rà soát nguồn cấp đầu vào. Từ đó đưa ra đánh giá về chất lượng nguồn nước đầu vào và đưa ra công nghệ xử lý nguồn nước.
Đối với công trình cấp nước tập trung chưa có hệ thống xử lý đầu nguồn thì phải có giải pháp, nguồn lực hỗ trợ người dân xử lý chất lượng nguồn nước.
Đối với những công trình cấp nước phân tán, nhỏ lẻ cần phải xây dựng quy định xử lý nước đầu vào và mô hình đồng quản lý. Tại các khu vực hải đảo, khu vực không thể có nguồn sinh thủy thì sử dụng nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt được thu gom từ nguồn nước mưa và có biện pháp xử lý nhỏ lẻ để cấp cho nhân dân.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, khẳng định: Hiện nay, chất lượng nước cung cấp của công ty được thực hiện quản lý theo bộ quy chuẩn quốc gia. Trong quá trình triển khai thực hiện cấp nước, chất lượng nước của công ty được CDC Quảng Ninh thường xuyên kiểm tra bằng các hình thức thường kỳ và đột xuất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Cấp nước sạch an toàn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển KT-XH bền vững, là chủ trương đúng đắn của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.
Để thực hiện đạt mục tiêu đến hết năm 2023, 70% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, đồng chí yêu cầu trước hết, các cấp, các ngành cần nhanh chóng triển khai khảo sát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng nước của người dân. Trong đó, UBND cấp huyện phải chủ trì, UBND cấp xã tổ chức thực hiện và thôn, bản, khu phố trực tiếp khảo sát, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng và vai trò giám sát của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp. Cần tính toán cách tiếp cận tổng thể, đảm bảo tất cả mọi người dân có nước sạch sinh hoạt với mức giá phù hợp nhất, theo hướng công bằng nhất. Sau khảo sát, phải có đề án cụ thể, có mô hình đảm bảo tính bền vững. Từ khi xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đến vận hành các mô hình đều phải có sự tham gia của chủ thể thụ hưởng là cộng đồng dân cư, theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Chuyển đổi số là vấn đề được cả nước quan tâm, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và Quảng Ninh không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Điều này được thể hiện rất rõ với việc tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 124 của HĐND tỉnh. Cho rằng nền tảng số, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số là nền tảng, là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu đề nghị làm rõ tiến độ và kết quả thực hiện đề án chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng như những giải pháp trong thời gian tới.
Giám đốc Sở TT&TT giải trình, làm rõ cơ bản những ý kiến đại biểu đưa ra. Về chính quyền số, Quảng Ninh đang nằm trong tốp đầu về chỉ số này. Trong xây dựng chính quyền số, Quảng Ninh cũng đi đầu về xây dựng, kết nối dữ liệu quốc gia, dữ liệu các bộ, ngành. Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và đến nay mới chỉ có 14 tỉnh hoàn thành. Về mức độ chính quyền điện tử (chỉ số ICT), chỉ số này trong năm 2022 được cải thiện hơn rất nhiều. Hiện tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử của cả 3 cấp đã tăng 60% so với năm 2021 và 90% người đứng đầu đã sử dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản gửi trên môi trường đạt 95%.
Kết quả nổi bật nữa là chỉ số về chính quyền điện tử, chính quyền số, thì hiện nay Quảng Ninh đang đứng ở vị trí thứ 2 về tính công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cũng đứng thứ 2 và việc số hóa hồ sơ đứng thứ 5 cả nước. Tức là đã số hóa hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận để phục vụ mục tiêu thu thập thông tin của người dân và doanh nghiệp 1 lần để tái sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến chuyển đổi số ở vùng khó khăn, hạ tầng chuyển đổi số; nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu chuyển đổi số; kinh tế số trong các doanh nghiệp; việc xây dựng các mô hình mới chưa có tiền lệ như thôn thông minh cũng được các đại biểu đặt vấn đề và các sở, ngành giải trình làm rõ.
Từ những tranh luận giữa các đại biểu tham gia dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Tỉnh xác định, mục tiêu chuyển đổi số là đi nhanh nhưng phải có tính vững, làm đâu chắc đó và phải có hiệu quả thực tế đo đếm được. Trong đó, cần tập trung vào một số yếu tố trọng tâm, gồm: Hạ tầng thiết yếu phải được xây dựng theo hướng tận dụng tối đa cơ chế hợp tác, giảm chi phí; nhanh chóng xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền tảng; xây dựng được nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số theo hướng phát huy ý chí quyết tâm và đam mê sáng tạo của đội ngũ CBCCVC ở mỗi cơ quan, đơn vị, chú trọng công tác đào tạo lại, nâng cao trình độ thông qua tập huấn bồi dưỡng... Nhanh chóng xóa vùng lõm sóng điện thoại di động ở tất cả các vùng dân cư; chú trọng phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo đột phá trong tăng trưởng.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()