Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:08 (GMT +7)
Doanh nghiệp khó tiêu thụ nông sản cho dân
Thứ 5, 05/08/2021 | 10:02:14 [GMT +7] A A
Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp (DN) là Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ gấp khâu lưu thông. Đặc biệt, DN mong được xem xét hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển như phí BOT, cầu đường bộ, thuế, vay vốn.
Các chốt kiểm soát dựng khắp các tuyến đường ở Đồng Nai, nông sản khó vận chuyển đến nơi tiêu thụ ảnh: Mạnh Thắng |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, từ khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển nông sản của công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Công ty có 5 nhà máy sơ chế nông sản đặt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thu mua trái cây trên phạm vi toàn vùng, sau đó đưa hàng về TPHCM xuất khẩu. Mới đầu, các tài xế khi qua các trạm kiểm dịch phải xuất trình giấy tờ nên tốn rất nhiều thời gian. Sau khi các bộ, ngành và địa phương vào cuộc tháo gỡ, xe nông sản được chuyển qua “luồng xanh” nên đỡ tắc hơn, song cũng chưa thể được như thời điểm trước dịch.
Ông Tùng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện giờ của DN là thiếu lực lượng thu hái nông sản. Đặc biệt, việc các tỉnh ĐBSCL chỉ cho phép làm việc từ 6h đến 18h, khiến năng lực sản xuất của DN hạn chế hơn rất nhiều.
"Bình thường công ty chúng tôi thu hoạch trái cây vào khoảng 4h - 6h30 sáng, sau đó đưa hàng về sơ chế đến khoảng 22h. Trước đây, DN thu hoạch, chế biến được khoảng 100 tấn, thì giờ chỉ xử lý được khoảng 40 tấn”, ông Tùng nói và cho biết thêm, vì lý do này, hiện nay phải dồn nhiều ngày, DN mới có đủ một container hàng, mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 50% so với trước.
Ông Tùng cho rằng, trong lúc này, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ các DN bằng cách giảm chi phí vận chuyển như phí BOT, cầu đường; hỗ trợ DN về thuế, vay vốn…
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng nói: nhiều hợp tác xã gọi điện mời công ty mua nhãn, sầu riêng, song khả năng tài chính của doanh nghiệp có hạn. "DN mong muốn các ngân hàng tạo cơ chế cho vay tín chấp dựa trên lượng hàng tồn kho và giảm lãi suất để doanh nghiệp có thêm nguồn lực thu mua nông sản cho người dân.
Còn các địa phương có phương án linh động để lực lượng thu mua nông sản được di chuyển từ nơi này sang nơi khác khác và có thể làm việc ngoài khung giờ giới hạn", bà Vy kiến nghị.
Đề xuất tiêm vắc-xin cho lao động nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTN Lê Minh Hoan, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Bộ NN&PTNT đang đề xuất Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong ngành nông nghiệp. Bởi những cơ sở chế biến trong chuỗi cung ứng không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động đến đời sống của hàng triệu nông dân.
Theo Bộ trưởng Hoan, hiện Bộ NN&PTNT đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Bộ cũng yêu cầu các địa phương cập nhật các thông tin liên tục về tình hình sản xuất, kết nối chuỗi cung ứng, và tiêu thụ giải quyết đầu ra cho nông sản.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()