Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 06:03 (GMT +7)
Thơ không tuổi, tình yêu không tuổi
Chủ nhật, 11/12/2016 | 15:59:54 [GMT +7] A A
(Nhân đọc tập thơ “Mưa mùa hạ” của tác giả Hồng Hạnh do NXB Hội Nhà văn năm 2016)
Khi đọc tập thơ “Mưa mùa hạ” của tác giả Hồng Hạnh (NXB Hội Nhà văn-2016), tôi thực sự bất ngờ. Tôi không nghĩ ở tuổi sáu lăm mà những vần thơ của chị tươi trẻ, lãng mạn như vậy.
Trang bìa tập thơ. |
Có thể nói, tập thơ đã thể hiện sự đa dạng về chủ đề, từ tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước đến con người. Tác giả đã nhìn cuộc đời này bằng một lăng kính tươi đẹp, giầu tính nhân văn, những điều đó đã làm nên sự thành công cho tác phẩm. Mở trang đầu tiên tôi ngỡ ngàng bắt gặp một sự quan sát thiên nhiên: “Trời hôm nay đẹp quá/ Nắng trải lụa tươi hồng/ Khiến lòng em bâng khuâng/ Nhớ anh da diết lạ”. Tác giả cũng thật khéo ẩn dụ, mượn hình ảnh thiên nhiên để gửi lời trách yêu tới người mình yêu. Tôi tin người đàn ông may mắn nào đó nhận được lời trách yêu: “Gió đùa giỡn nơi đâu/Mang hương lành trở lại!” (Xuân tình). Đọc những vần thơ tình của người phụ nữ lớn tuổi này không ít kẻ lãng mạn thích làm thơ tình cũng phải ngả mũ chào thua: “Ước gì ta ở chung nơi/ Cùng đi đến tận cuối trời miền yêu!” (Ứơc). Ai mà biết được, ở cái nơi cuối trời ấy người đàn ông nào may mắn được đốt cháy trong ngọn lửa tình? Tôi trộm nghĩ, nếu như đọc những câu thơ trong tập này có bạn trẻ đang độ hẹn hò có lẽ cũng phải ganh tị.
Riêng tôi lại nghĩ, hình như Hồng Hạnh đang yêu. Mà ai cấm được người già yêu. Tình yêu vốn dĩ là không tuổi kia mà. Nói tác giả vẫn đang yêu bởi những câu thơ nỗi nhớ da diết đã nói lên điều đó: “Nhớ anh vàng tím vườn trầu/ Nhớ anh thao thức héo nhàu năm canh!”. Đúng vậy! Chỉ có tình yêu mới mang lại cho con người ta nụ cười rạng rỡ và ánh mắt long lanh đến thế, dù rằng đã đi qua bên kia con dốc của cuộc đời.
Có một thứ tình yêu lớn lao hơn tình yêu đôi lứa là tình yêu quê hương đất nước. Với tình cảm của một công dân cùng cả nước lo lắng trước sự kiện ngoài Biển Đông đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia, thấu hiểu nỗi khó khăn, khắc nghiệt của người lính, tác giả đã hóa thân vào cô thôn nữ, gửi gắm niềm tin yêu thương đến các anh: “Em gửi các anh chiến sĩ Trường Sa/ Chút xuân tươi đậm đà hương bưởi!”. Và cả tình cảm yêu thương của người dân cả nước dành cho các anh - những chiến sĩ đang ngày đêm nơi đầu sóng: “Nếu có thể dang tay nối đôi bờ gần lại/ Để đất liền ôm lính đảo Trường Sa/ Để đất liền đỡ các anh một chút/ Cùng các anh giữ yên biển đảo/ Gọi nắng xuân về xua tan giông bão/ Em gửi hương lành tới đảo Trường Sa” (Trường Sa ơi).
Ai cũng có một miền quê để nhớ, để mỗi khi ở nơi xa lại đau đáu dõi về nơi miền quê nghèo đã sinh ra ta, cho ta một thời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm. Ta ngỡ ngàng mừng vui trước sự đổi mới của quê hương và một chút nuối tiếc khi cây đa, bến nước, con đò không còn nữa, thay vào đó là nhịp sống hiện đại của phố làng: “Bến quê giờ mấy nhịp cầu/ Làng vui quán hát nhà lầu xe hơi/ Song thân đã hóa mây trời/ Ta bơ vơ giữa sóng đời quê cha” (Về quê).
Những bài thơ trong “Mưa mùa hạ” cho ta thêm một lần nữa khẳng định: Thơ không có tuổi, tình yêu không có tuổi.
Tùng Lâm (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()