Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 12:24 (GMT +7)
Đổi thay nơi vùng khó
Thứ 2, 01/11/2021 | 09:19:17 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các xã, thôn, bản miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển. Nhờ đó đến nay, cùng với sự đổi thay trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân, những nơi này đều khoác lên mình diện mạo mới tươi sáng.
Điện về thắp sáng những bản, làng
Những ngày cuối hè năm nay chúng tôi có dịp trở lại xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), trải trong tầm mắt là những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt, thấp thoáng những ngôi biệt thự, như những điểm chấm phá nơi xã đảo. Cái Chiên trong ký ức của tôi là xã đảo nằm biệt lập, mỗi lần ra đảo phải chờ cả ngày mới có 1-2 chuyến tàu gỗ của người dân trên đảo. Vài năm trước, chạy quanh đảo là con đường đất chật hẹp, quanh co, điện lưới chưa có...
Xã đảo hôm nay đã rất khác. Nối tiếp thành công của các dự án đưa điện lưới ra xã đảo, đáp ứng mong mỏi của người dân; tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 1 của dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Tháng 4/2016, xã đảo Cái Chiên đã có điện lưới quốc gia. Việc có điện lưới quốc gia đã thực sự làm thay đổi mọi mặt về kinh tế - xã hội nơi đây. Những người dân vốn quanh năm bám biển, thì nay đã mạnh dạn đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Đến nay, xã có hàng chục hộ dân đầu tư phát triển du lịch homestay với hàng trăm phòng nghỉ, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Tặng (thôn Cái Chiên, xã Cái Chiên) cho biết: Tôi sinh sống trên đảo hàng chục năm nay, chứng kiến bao sự đổi thay của hòn đảo này. Sự đổi thay lớn nhất là kể từ khi đảo có điện lưới quốc gia. Giống như nhiều gia đình khác, sau khi có điện, năm 2017 gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ tiện nghi phục vụ du khách, mang lại thu nhập ổn định.
Từ sự quan tâm của tỉnh, nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, khiến người dân xã đảo vô cùng vui mừng, như: Xuồng cao tốc, phà tự hành chạy từ bến Ghềnh Võ, xã Quảng Điền (huyện Hải Hà); trạm xử lý nước sạch, kè chống sạt lở... Đặc biệt, đường xuyên đảo Cái Chiên đang gấp rút hoàn thành... Các dự án đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, mà còn hoàn thiện hạ tầng du lịch, thay đổi diện mạo địa phương, tạo tiền đề thu hút đầu tư. "Chúng tôi luôn kỳ vọng, trong một tương lai không xa, đảo Cái Chiên sẽ là điểm du lịch hấp dẫn" - Ông Phạm Văn Hạng (thôn Vạn Cả, xã Cái Chiên) chia sẻ.
Điện về đã mang đến sức sống mới cho những xã, thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Sau 1 năm có điện lưới ổn định, kinh tế của gia đình anh Hoàng Xuân Long (thôn Cáng Bắc, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) đã đi lên trông thấy. Anh Long chia sẻ: Trước đây, do trạm biến áp nằm cách xa, nên điện chập chờn, không ổn định, làm hư hỏng máy móc. Năm 2020, thôn được đầu tư trạm biến áp mới nên điện ổn định. Người dân thôn đã đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, như máy xay lúa, máy cưa, máy cắt cỏ... Nhờ có điện, mọi con đường trong thôn đều được thắp sáng khi đêm về; người dân bớt lao động nặng nhọc; hộ nghèo giảm mạnh. Các cháu nhỏ thì được học hành đầy đủ, người lớn được xem tivi, các cụ được nghe phát thanh cả ngày. Ánh sáng điện đi tới đâu, cái nghèo, cái lạc hậu bị đẩy lùi xa đến đó.
Khát vọng làm giàu
Không chỉ có điện, nhiều vùng thôn, bản vốn là “thâm sơn cùng cốc”, đặc biệt khó khăn của tỉnh đã ngày càng "thay da đổi thịt" với hàng loạt các hạ tầng thiết yếu được tỉnh quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cơ sở giáo dục..., từng bước xóa dần những khoảng cách chênh lệch vùng miền. Sự thay đổi ở mỗi vùng đất hôm nay không chỉ ở diện mạo, mà còn trong “nội tại” cuộc sống của người dân. Vài năm trở về trước, nói đến công tác giảm nghèo ở xã vùng cao Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) khiến người ta không khỏi “e ngại”, bởi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân nơi đây. Thế nhưng, giờ đây khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ.
Đường từ trung tâm huyện tới xã Đồn Đạc không xa. Song để đi hết xã vùng cao này, chúng tôi phải mất cả ngày, bởi xã có diện tích lớn nhất tỉnh, 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi đi thăm khoảnh rừng của gia đình bà Triệu Thị Hương (thôn Khe Mằn) nằm trên đỉnh đồi. Vừa dẫn chúng tôi đi rừng, bà Hương vừa chia sẻ: Trước đây, nhiều diện tích rừng của thôn gần như bỏ không. 5 năm trở lại đây, được sự vận động của huyện, hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hướng dẫn kỹ thuật của xã, bà con trong thôn đã tích cực trồng rừng. Trong đó có không ít hộ như gia đình tôi còn trồng rừng gỗ lớn, không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà còn góp phần giữ đất, giữ nước, giữ môi trường.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Linh Du Minh, nằm cách nhà bà Hương không xa. Ngôi nhà mới xây, rộng 100m2, còn nguyên mùi sơn. Ông Minh chia sẻ: Nhà tôi có 8ha đất rừng. Không muốn đời mình rồi tới con, cháu cứ gắn "mác nghèo", khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng tôi cùng các con trồng kín 8ha rừng bằng các loại cây keo, sa mộc, thông, quế... Tiền bán cây keo đủ để gia đình trang trải cuộc sống, còn rừng quế, thông, sa mộc là “của để dành”. Cây rừng đã đem lại một cuộc sống sung túc hơn cho người dân nơi đây.
Chúng tôi đến thôn Pắc Cáy (xã Đồn Đạc) là thôn có gần 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, Pắc Cáy là thôn có số lượng lớn người dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Trên đường dẫn chúng tôi tới Pắc Cáy, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu A Lộc kể: Cách đây 5 năm, dịp bình xét hộ nghèo của xã luôn "nóng", bởi có không ít hộ dân viết đơn kiến nghị với UBND xã xin ở lại danh sách hộ nghèo. Có trường hợp khi cán bộ đi điều tra hộ nghèo, người dân còn giấu xe máy, tivi, vật dụng có giá trị trong nhà để không bị tính điểm. Có những hộ thu nhập khá từ rừng, nhưng chỉ gửi tiền vào ngân hàng, không sửa chữa nhà ở, mua sắm vật dụng trong nhà, để được nghèo mãi. Chính vì tâm lý ỷ lại nên các hộ không chủ động tái sản xuất để cải thiện thu nhập. Nhưng nay ai đến thôn Pắc Cáy và xã Đồn Đạc đều cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của nơi đây, riêng thôn Pắc Cáy chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo.
Quả vậy, Pắc Cáy hôm nay là những cánh rừng trù phú, đồi cây ăn quả, gia trại với đủ loại vật nuôi... Điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là khí thế hăng say sản xuất, khát vọng làm giàu, ổn định cuộc sống. Vừa chăm sóc đàn gà nuôi, anh Triệu A Lộc (thôn Pắc Cáy) chia sẻ: Mong muốn đời sống ổn định, gia đình có của ăn của để, con cái không phải khổ cực, ngoài trồng rừng, đầu năm nay vợ chồng tôi đã nhận thêm 100 con gà giống Tiên Yên về nuôi thương phẩm. Đồng thời, cải tạo toàn bộ đất vườn đồi để trồng cây ăn quả. Tôi tin rằng với sự cần cù, chịu khó, chăm chỉ, chúng tôi sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đồn Đạc chỉ còn 1,8%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,6%. Năm 2021, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Sự đổi thay ở xã Đồn Đạc là minh chứng rõ nhất cho những thay đổi trong tư duy, nhận thức và tư tưởng của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa hôm nay.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()