Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 14:18 (GMT +7)
Ưu tiên vùng khó
Thứ 2, 07/06/2021 | 09:48:03 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, nên cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Để nâng cao đời sống người dân, phát triển KT-XH địa phương, rút ngắn khoảng cách với vùng đồng bằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực này luôn được ưu tiên đặc biệt.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, là đảo xa đất liền nhất của tỉnh. Ngoài các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm ra-đa, đảo còn có 12 hộ dân với 52 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, thu mua hải sản, buôn bán. Trước đây, người dân trên đảo chủ yếu sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời (tỉnh hỗ trợ đầu tư năm 2019) và nguồn điện sạc dự trữ bình ắc-quy. Vì thế, việc được sử dụng điện lưới quốc gia là niềm mong mỏi lớn của người dân trên đảo.
Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 2/9/2020 là sự kiện trọng đại đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trần khi điện lưới quốc gia chính thức được đưa ra đảo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của xã đảo tiền tiêu Tổ quốc. Hạng mục đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần thuộc giai đoạn 2 của Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) với mức đầu tư giai đoạn này gần 400 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đảo Trần, cho biết: Gia đình tôi là một trong số những hộ dân đầu tiên ra đảo sinh sống. Giờ đây, đảo đã có điện lưới quốc gia, người dân trên đảo có thể thu mua, chế biến, bảo quản hải sản, vì thế thu nhập cũng tăng lên. Đồng thời, dễ dàng tiếp cận với thông tin, truyền thanh, truyền hình để nâng cao hiểu biết. Con em thôn đảo có đầy đủ ánh sáng, quạt mát, máy tính phục vụ học tập. Từ đó, đời sống nâng lên, người dân yên tâm gắn bó với đảo, tập trung phát triển KT-XH.
Không riêng hạ tầng điện, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, phủ sóng di động, góp phần giảm nghèo về thông tin.
Thời gian qua, Sở TT&TT đã phối hợp cùng UBND các địa phương và doanh nghiệp viễn thông rà soát, xác định các khu vực lõm sóng, qua đó phân công doanh nghiệp viễn thông khảo sát, xây dựng khái toán các trạm phát sóng (BTS) phủ sóng tại các thôn, bản, chú trọng các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Điển hình như Viettel Quảng Ninh, đơn vị đã lên kế hoạch lắp đặt 14 trạm BTS phủ sóng di động ở 14 vị trí tại các thôn, bản xa xôi trên địa bàn các xã Lục Hồn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Đồng Văn... của huyện Bình Liêu. Đến nay, Viettel Quảng Ninh đã hoàn thành 3 trạm BTS ở cửa khẩu Hoành Mô, xã Đồng Tâm và thị trấn Bình Liêu. Đơn vị đang phối hợp với địa phương GPMB để lắp đặt các trạm còn lại trong năm nay.
Không riêng tại Bình Liêu, năm 2021, Viettel Quảng Ninh dự kiến lắp đặt 165 trạm BTS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Việc phủ sóng di động không chỉ giúp người dân đảm bảo thông tin liên lạc, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, cải thiện đời sống, mà còn góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, hết năm 2021, tỉnh phấn đấu xóa vùng lõm sóng điện thoại di động ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh. Đến năm 2025, nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn cơ bản được giải quyết dứt điểm. Đến năm 2030, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với vùng phát triển của tỉnh.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()