Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 10:17 (GMT +7)
Đổi thay ở những thôn, bản giáp biên
Thứ 7, 30/04/2022 | 14:15:04 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có gần 100 thôn, bản giáp biên, thuộc 10 xã, thị trấn của 3 địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái. Từ sự chủ động, sáng tạo, chăm chỉ của người dân, cộng với những trợ lực từ Chương trình 135, Đề án 196, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)... và gần đây là Nghị quyết 06, đã khiến cho các thôn bản giáp biên, vùng “phên dậu” của tỉnh ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân ấm no, diện mạo thôn, bản thanh bình và phát triển.
Bản 26 hộ sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng
Bản 26 hộ (thuộc thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, TP Móng Cái) là bản kinh tế mới, được hình thành cách đây gần 20 năm, khi người dân sống quanh lòng hồ Tràng Vinh được vận động di dời về đây để tạo dựng cuộc sống. Đến nay, chỉ còn cái tên là cũ - bản 26 hộ, còn lại cái gì cũng mới. Hộ dân trong bản đã tăng hơn. Những ngôi nhà 30m2 thời mở bản nay được thay thế bằng những ngôi nhà tầng, nhà thái to đẹp. Diện tích đất hoang thành vườn cây, ao cá...
Con đường mòn giữa bản nay là tuyến đường bê tông kéo dài đến điểm đấu nối QL18C. Từ đây, bản 26 hộ dễ dàng nối đến trung tâm xã, nối với xóm họ Đặng, nối với khu di tích Pò Hèn, nối với cột mốc 1347, với đỉnh Mã Thầu Sơn và suối Mã Thầu Sản... tiến tới là nối với tuyến đường trọng lực Pò Hèn - Hải Tiến đang được thi công, giúp kéo gần bản 26 hộ nói riêng, xã Hải Sơn nói chung với trung tâm TP Móng Cái.
Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, bản 26 hộ có hạ tầng điện, đường, nước sạch hoàn thiện, diện mạo thôn xanh, sạch, đẹp, thoáng đãng, người dân nâng cao hiểu biết, sẵn sàng tham gia các chương trình phát triển KT-XH tại địa phương. Hiện trong chiến lược phát triển của Hải Sơn, bản 26 hộ sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
Trong năm 2022, Hải Sơn sẽ dành toàn bộ nguồn vốn xây dựng NTM hơn 2,6 tỷ đồng để nâng cấp đường điện, xây dựng công trình thu gom rác thải sinh hoạt, xây dựng cổng chào, bồn hoa, tiểu cảnh... biến bản 26 hộ thành điểm du lịch mới kết nối với loạt điểm du lịch trên toàn xã, cũng như TP Móng Cái.
Đáng mừng là người dân trong bản rất ủng hộ, háo hức nắm bắt cơ hội phát triển mới này. Nhà anh Nình A Lùi trong bản đã nhanh nhạy xây dựng homestay với quy mô cả chục phòng nghỉ. Nhiều nhà khác cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu, tận dụng khe suối, mạch nước để nuôi thả cá, phát triển dịch vụ câu cá giải trí, chuẩn bị hạ tầng phát triển dịch vụ phục vụ ăn uống cho du khách...
Có thể thấy bản biên giới 26 hộ nói riêng, xã biên giới Hải Sơn nói chung nay đã đổi thay tích cực và hiện đang đứng trước những dư địa phát triển mới, hứa hẹn tạo nên đột phá.
Sức bật nơi dải đất biên cương
Không chỉ bản 26 hộ, các thôn, bản giáp biên của Quảng Ninh đang chào đón, nắm bắt và phát huy những luồng gió đổi mới, đang ngày càng giàu đẹp, tươi vui, thanh bình, vững vàng về an ninh chính trị, là cơ hội để tạo nên sức bật ở dải đất biên cương.
Xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) ngay sau thoát khỏi diện 135 vào năm 2019 đã trở thành xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, nay tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bước chuyển này đến từ những trợ lực hạ tầng mà Quảng Sơn được đầu tư, quan trọng hơn là sự nỗ lực cao độ của chính quyền và người dân nơi đây, trong đó có 2 thôn, bản giáp biên Tài Chi và Lý Quáng.
Trong tiến trình phát triển chung của Quảng Sơn, người dân Tài Chi và Lý Quáng khai thác tốt kinh tế rừng, có đổi thay trong tập quán canh tác trên đồng ruộng. Gần đây lớp thanh niên trong thôn ly nông, nhưng không ly hương, hướng tới tìm việc làm, nâng cao tay nghề và tác phong công nghiệp tại KCN Cảng biển Hải Hà... Cứ vậy, đời sống người dân 2 thôn, bản giáp biên Tài Chi và Lý Quáng ấm no dần lên, diện mạo thôn đổi mới, hiện đại, xóa dần đi ký ức lạc hậu của nhiều năm trước.
Tài Chi và Lý Quáng hiện đang tập trung xây dựng và khai thác kinh tế theo hướng du lịch vùng biên. Với đặc thù 99% người dân trong bản đều là người dân tộc thiểu số, còn giữ lại những nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên đặc trưng vùng biên, Tài Chi, Lý Quáng được định hướng xây dựng làng văn hóa dân tộc thiểu số.
Riêng bản Tài Chi hiện có đến 70% người dân giữ được nghề may thêu trang phục truyền thống, nhiều người biết làm và thổi kèn đồng, có người thổi được đến 18 điệu kèn hiếu và 12 điệu kèn hỷ. Con suối bắt nguồn từ đỉnh Cao Ba Lanh Tấn Mài bao quanh Tài Chi tạo nên thác Đôi cao đến 10m, hai bên dòng chảy con suối kéo dài 2km này là cơ man những cây rừng cổ thụ và lan rừng sinh sống... Theo Trưởng thôn Lê Thị Lánh, tất cả tạo cho Tài Chi thần sắc riêng của dải núi rừng biên cương mạnh mẽ và xinh đẹp, cũng là cơ hội để Tài Chi phát triển mạnh về sau.
Cũng giống như Tài Chi và Lý Quáng, 3 thôn bản nối liền nhau của xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu là Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B đang là điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị vùng giáp biên. Ký ức về một thời đói nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến 74%, còn lại là hộ cận nghèo của Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B nay không còn nữa. Thay vào đó là những câu chuyện về lá đơn xin thoát nghèo của 5 năm trước, là hình ảnh những ngôi nhà to, khang trang, hiện đại, hay những chiếc ô tô cá nhân đắt tiền mà người dân trong thôn, bản đang sử dụng để đi lại hiện nay.
Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B có lợi thế về rừng hồi. Những tuyến đường được đầu tư từ các nguồn vốn của Nhà nước đã đưa thương lái đến tận chân rừng thu mua, đẩy giá hồi lên cao. Và người dân 3 thôn bản nơi đây bảo nhau không để hồi rơi rụng hoang phí như trước nữa, mà chăm bón, tỉa phát, kích thích cây phát triển, thu hái hoa hồi đúng vụ, tận dụng hoa hồi về phơi phong, bảo quản, cùng nhau bán cho các điểm thu mua đặt ngay tại thôn để được giá hơn...
Giờ đây Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B đẹp như một bức tranh với dải rừng hồi xanh tốt, hương hoa hồi thơm nức, tuyến đường bê tông uốn lượn, người dân trung thành với trang phục truyền thống nhiều màu sắc vui tươi, sống trong những ngôi nhà mới, hăng say lao động trên rừng, dưới ruộng. Ruộng bậc thang của 3 thôn bản giáp biên này không rộng dài, nhưng rất đẹp, nối tiếp, đẩy nhau lên cao như những con sóng, không gian thật thoáng đãng, hùng vĩ, mang cái đẹp riêng của vùng rừng núi biên cương.
Cũng vì nét riêng này, nên Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B gần đây hòa cùng xu hướng phát triển du lịch vùng biên, du lịch văn hóa bản địa của Đồng Văn nói riêng, của Bình Liêu nói chung. Nói như Trưởng thôn Sông Moóc B Tằng Dảu Phòng, cơ hội đổi mới của Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B đang đến, đời sống nhân dân sẽ ngày càng ấm no hơn, thôn bản sẽ ngày càng giàu đẹp hơn. Tin rằng, cái kết của Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B chắc chắn cũng là tương lai chung của toàn bộ các thôn, bản, xã, huyện giáp biên của Quảng Ninh, kết nối, cộng lực, tạo nên dải đất biên cương vững vàng về mọi mặt.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()