Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 08:01 (GMT +7)
Đón mùa trăng an lành, hạnh phúc
Chủ nhật, 08/09/2024 | 11:02:59 [GMT +7] A A
Chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ đến Tết Trung thu. Khi tiết trời thu dịu mát cũng là lúc sắc vàng của những gian hàng bánh trung thu hòa cùng sắc đỏ của các lồng đèn ông sao bày bán dọc phố phường, báo hiệu Tết Trung Thu đã chạm ngõ. Nhịp sống hiện đại hôm nay dù có những đổi thay thì trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Tết Trung thu vẫn luôn là một dịp đặc biệt để người người, nhà nhà sum họp, quây quần bên nhau cùng đón một mùa trăng an lành, hạnh phúc.
Rộn ràng, náo nức
Nhắc đến Tết Trung thu thì bánh trung thu là một phần không thể thiếu. Đây là món ăn đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực độc đáo được gìn giữ từ ngàn đời. Và hơn cả một món ăn, chiếc bánh trung thu còn thể hiện văn hóa tri ân đã có từ lâu đời. Chiếc bánh như món quà nhỏ thay lời cảm ơn dành tặng cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người thân yêu hay đôi khi chỉ là món quà của người ở phương xa song đều gửi gắm những chân tình, sự trân trọng.
Không khó để nhận ra, từ sau Rằm tháng Bảy, tại nhiều tuyến phố, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hạ Long bắt đầu bày bán bánh trung thu của nhiều thương hiệu, như: Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương, Givral… Ngoài chất lượng, bánh trung thu năm nay tiếp tục có nhiều “đột phá” về mẫu mã, hình thức cho người tiêu dùng lựa chọn, giá tăng nhẹ trung bình từ 5.000-20.000 đồng/chiếc so với mọi năm. Cùng với bánh trung thu của các thương hiệu uy tín, nhiều người ưa thích chọn bánh trung thu handmade bởi mẫu mã, hương vị sự độc đáo từ sự sáng tạo, tinh tế của người thợ làm bánh hoặc đáp ứng yêu cầu riêng của khách đặt hàng.
Tết Trung thu sẽ thiếu đi phần nào không khí vui tươi, rộn ràng nếu không có tiếng trống, màn múa lân tưng bừng. Thời điểm này, tại các khu phố hay tại các đoàn lân sư rồng chuyên nghiệp, không khí tập luyện đã trở nên sôi động. Không chỉ có những người lớn tuổi hào hứng truyền dạy mà hầu hết thanh thiếu nhi đều rất háo hức khi được khoác lên mình những bộ đầu lân đủ sắc màu, sắm vai thằng Bờm, chú Tễu, ông Địa trong đoàn múa lân đi qua từng ngõ phố.
Võ sư Bùi Văn Thành, Trưởng Đoàn Lân sư rồng Thành Linh đường (TP Hạ Long), cho biết: Thông thường hàng năm, cứ vào trước dịp Trung thu khoảng một tháng là chúng tôi tăng cường tập luyện và thường bắt đầu biểu diễn theo lời mời của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị từ ngày 10 trở đi và nhộn nhịp nhất vào ngày 14, 15 Âm lịch. Dịp Tết Trung thu, các đội thường biểu diễn múa lân như múa song lân, tam lân, tứ quý lân, lân lên mai hoa thung. Với sự kết hợp giữa những động tác uyển chuyển và nhịp điệu nhịp nhàng, múa lân Trung thu không chỉ mang lại niềm vui và phúc lộc, điềm lành cho mỗi gia đình, mà còn góp phần làm nên bầu không khí đặc biệt trong mùa lễ hội Trung thu, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.
Hòa vào không khí đón Trung thu, việc tổ chức các hoạt động trang trí chụp ảnh check-in, vui chơi, hướng dẫn làm bánh trung thu, đèn trung thu, vẽ mặt nạ… tiếp tục nở rộ do các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê tổ chức nhằm mang đến cho du khách và người dân những trải nghiệm thú vị, mới mẻ trong mùa Tết Trung thu.
Chị Trần Việt Phương, chủ quán Opal tầng thượng coffee and tea (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), chia sẻ: Nắm bắt xu hướng của giới trẻ hiện nay, chúng tôi cũng chủ động thiết kế không gian, trang trí, bày biện những phụ kiện tạo nên góc check-in theo từng mùa lễ hội trong năm. Vì vậy, để chuẩn bị đón Tết Trung thu năm nay, quán đã trang trí trước cả tháng từ ngoài cửa vào đến bên trong với ngập tràn màu sắc cùa đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ, dán tranh tường… Tất cả gợi lên phong vị cổ truyền, gần gũi, như đưa thực khách tìm về với ký ức tuổi thơ và lưu lại những khoảnh khắc đón Trung thu đáng nhớ bên gia đình, bạn bè.
Ấm áp yêu thương
Có lẽ, chọn một từ thích hợp để nói về Trung thu sẽ luôn là tính từ rộn ràng. Trung thu về rộn ràng trong sắc màu rực rỡ của phố phường, của đèn lồng, đồ chơi, rộn ràng trong âm thanh náo nức, vui tươi của đêm hội biểu diễn văn nghệ, của tiếng trống thùng thình hòa vào màn múa lân sư rồng tưng bừng, và rộn ràng từ chính lòng người khi nghĩ về tình thân, về gia đình trong sự quây quần, đoàn tụ và lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng.
Nhân dịp Tết Trung thu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình vận động tặng 3.500 suất quà Tết Trung thu cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”, các hoạt động tổ chức Trung thu sẽ diễn ra từ ngày 5-17/9 tại các địa phương của tỉnh, dành cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên; trẻ em thuộc hộ nghèo; là con thanh niên công nhân; các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo; các em thiếu nhi đang sống trong các mái ấm, trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ em, các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo; các em mồ côi cha mẹ, đặc biệt là các em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, hành trình “Trung thu cho em” và “Đêm hội trăng rằm cấp tỉnh” đón Tết Trung thu năm 2024 được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn dự kiến tổ chức vào ngày 12/9 tại xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Thăm, khám, phát thuốc miễn phí cho trẻ em; gắn biển công trình “Vì đàn em thân yêu” cấp tỉnh; tặng quà cho học sinh vượt khó vươn lên trong học tập và các hoạt động vui chơi, giới thiệu về nét đẹp văn hóa Tết Trung thu Việt Nam, tổ chức các trò chơi truyền thống gắn với Tết Trung thu; phá cỗ trông trăng và trao tặng quà cho thiếu nhi…
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: Chương trình vận động tặng quà Trung thu từ 3.000-5.000 suất quà cho trẻ em nghèo là hoạt động thường niên được các cấp bộ Đoàn triển khai từ nhiều năm nay. Với ý nghĩa nhân văn, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm dành tặng những món quà nhỏ, ấm áp nghĩa tình đến trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp các em thiếu nhi được đón một Tết Trung thu vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc. Đồng thời, thông qua những hoạt động trò chơi dân gian, làm đèn trung thu, phá cỗ trông trăng là cơ hội để các em nhỏ được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, từ đó, thêm hiểu, thêm yêu mến, trân trọng và có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Không riêng các cấp bộ Đoàn, từ cuối tháng 8, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở cả trong và ngoài tỉnh đã tổ chức các chương trình vui Tết Trung thu lồng ghép nhiều hoạt động, chương trình thiện nguyện tặng đồng phục, cặp sách, bàn học, đồ dùng học tập để giúp trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vững bước, tự tin đón năm học mới và cũng như món quà Trung thu sớm đến với các em.
Trung thu đâu phải chỉ là ngày vui của thiếu nhi, đó còn là ngày đoàn viên, sum họp của gia đình, là ngày để lan tỏa, chia sẻ những ấm áp, yêu thương với cộng đồng. Tạm gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống, mỗi người hãy dành cho mình chút thời gian để cùng háo hức đón mùa trăng tròn an lành, rộn vang tiếng cười, để lòng mình thêm chút bình yên và được sưởi ấm bằng những chân tình.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()