Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 06:44 (GMT +7)
Động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện
Thứ 3, 12/09/2023 | 13:36:47 [GMT +7] A A
Quảng Ninh xác định năm 2023 là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, nhất là sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Do đó, tỉnh đã lựa chọn nhiệm vụ “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” là chủ đề công tác năm.
Phấn đấu thu hút 1,5 tỷ vốn FDI
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023; phân công rõ nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương trong việc hoàn thành chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư chiến lược, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và dự án đầu tư thứ cấp vào KCN làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà đầu tư nhanh chóng, hiệu quả, đúng định hướng.
Các sở, ban, ngành và địa phương đã đa dạng hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, cũng như kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp thu hút doanh nghiệp.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Nhằm hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh thu hút FDI đạt hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2023, từ đầu năm đến nay Ban Quản lý KKT tỉnh đã phối hợp đón tiếp, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư tại các KCN, KKT; thường xuyên trao đổi, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đã tham mưu chấp thuận hướng tuyến đường dây 110kV cấp điện cho Trạm biến áp 110kV KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên)... Đặc biệt, Ban Quản lý KKT tỉnh đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2) đảm bảo đưa vào hoạt động từ ngày 1/9, qua đó, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với khoảng 80 lượt đoàn ngoại giao, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam và một số đối tác Nhật Bản, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - Hoa Kỳ...
Tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị quy mô lớn với sự tham dự của 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế, đó là: Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và Hội nghị phát triển dịch vụ logistics. Đây là cơ hội cho Quảng Ninh trong việc quảng bá, tiếp cận và thu hút đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng được Quảng Ninh chú trọng. Tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp; hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; duy trì tổ chức các buổi "Cafe doanh nhân" để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp...
Các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được duy trì thường xuyên thông qua Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư và 7 tổ công tác hỗ trợ dự án trọng điểm.
Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm sáng tạo, cùng nhiều giải pháp hiệu quả, tính đến hết tháng 8, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 853 triệu USD, bằng 85,5% kế hoạch năm 2023. Con số này đã đưa Quảng Ninh đứng thứ 9 cả nước, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, đầu tháng 7/2023, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KKT Ven biển Quảng Yên với tổng vốn đầu tư trên 1,5 triệu USD, góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra về thu hút đầu tư FDI trong năm 2023.
Vì cuộc sống của nhân dân
Để thực hiện chủ đề năm về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết phù hợp thực tiễn với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích của người dân. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND (ngày 30/3/2023) quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, quy định chuẩn hộ cận nghèo cụ thể ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội; ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Với quy định này, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo trong tỉnh cao hơn so với Trung ương khoảng 1,4 lần.
Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng miền.
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", năm 2023, toàn tỉnh nỗ lực, quyết tâm, huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên cơ sở đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại địa phương. Các địa phương đã thành lập Ban Tổ chức do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban và các tiểu ban, huy động tổng thể nguồn lực, giám sát chặt chẽ tiến độ.
Hiện các địa phương đang gấp rút tổ chức khánh thành và bàn giao nhà ở cho các hộ dân để sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều địa phương như: Hải Hà, Cẩm Phả, Tiên Yên... đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Quảng Ninh phấn đấu sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột ở nát trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2023, từ đó, giúp người dân an cư lạc nghiệp, cải thiện đời sống, nhân lên niềm tin.
Anh Vũ Văn Sạch (khu 4, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người, trong đó có cha mẹ già và con gái đang tuổi đi học. Chi phí sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền kiếm được từ nghề khai thác thủy sản. Vì thế, nhiều năm qua, gia đình phải sống trong căn nhà cấp 4 xây từ 30 năm trước đã xuống cấp, dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. May mắn là tôi được địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Bằng số tiền hỗ trợ này, tôi vay mượn thêm nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH và từ anh, em, bạn bè xây dựng căn nhà kiên cố để gia đình ổn định cuộc sống.
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giúp người dân nâng cao chất lượng đời sống, tích cực chăm lo cho các đối tượng chính sách, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2031/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo rà soát, toàn tỉnh sẽ có 1.450 hộ gia đình người có công được hỗ trợ (gồm 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa) với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81,7 tỷ đồng. Đề án sẽ được hoàn thành trong năm 2023.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương xác định danh sách, mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí ngân sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo quy định. Hiện tại, các địa phương đang thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện, phê duyệt cụ thể danh sách người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn làm cơ sở báo cáo tỉnh bố trí kinh phí thực hiện đề án theo tiến độ.
Xác định giáo dục là quốc sách, năm 2023 tỉnh đã đầu tư trên 457 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp các trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin… Từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục được kiên cố, chuẩn hóa, hiện đại; đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao; môi trường học tập được xây dựng toàn diện. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người, đảm bảo nhân lực cho sự phát triển của địa phương.
Thầy giáo Trần Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Phả chia sẻ: Được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, năm học 2023-2024, thầy và trò nhà trường rất vui mừng khi được dạy và học trong ngôi trường mới, khang trang, đồng bộ với khu hiệu bộ, khu phòng học, nhà bộ môn, nhà đa năng hiện đại, bể bơi 4 mùa, sân bóng bàn, cầu lông... Thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ giáo dục đã đề ra, từ đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()