Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:53 (GMT +7)
Du lịch đánh thức bản làng
Thứ 2, 25/12/2023 | 14:32:15 [GMT +7] A A
Những bản làng trên cao nguyên đá ngàn đời nay tưởng như ngủ quên trong sương mù, nay bỗng được đánh thức bằng cơn gió mát lành mang tên “du lịch bản làng”. Một sức sống mới đang lan tỏa, là động lực giúp đồng bào bước qua những rào cản truyền thống.
Người đầu tiên “mang đệm vào nhà trải cho khách nghỉ”
Vàng Dỉ Xoáng (khi đó là phó chủ tịch xã Lũng Cú) và Sình Dỉ Gai (trưởng bản Lô Lô Chải) là 2 người đầu tiên ở Lũng Cú (Hà Giang) làm du lịch homestay. Họ là những người đầu tiên dám bước qua những định kiến truyền thống của cha ông, dám “mang đệm vào nhà trải” cho khách nghỉ lại qua đêm.
Người Lô Lô ở Đồng Văn, người Nùng ở Mèo Vạc từ trước tới nay có quan niệm không cho người lạ ở lại nhà, đặc biệt là những gia đình đặt bàn thờ thờ cúng tổ tiên.
Khách lạ đến chơi thăm bản làng cũng không phải luôn được chào đón bởi cuộc sống khép kín vốn quá yên bình, không ai muốn xáo trộn nó lên, muốn nơi gia đình mình sinh sống bao đời trở thành thứ cho người khác tới ngắm…
Giai đoạn đầu những năm 2010, một dự án phi chính phủ về phát triển du lịch cộng đồng được đưa về Lũng Cú, rồi đưa về bản Lô Lô Chải. Thời điểm đó, Lô Lô Chải còn những ngôi nhà trình tường vách đất trăm năm tuổi cổ kính, bình yên dưới chân núi Rồng, nơi có cột cờ Lũng Cú uy nghi. Thế nhưng, không mấy gia đình mặn mà vì cái nhà chật chội 3, 4 thế hệ cùng sinh sống; mảnh nương thì ở xa, mảnh vườn trước nhà thì toen hoẻn, phải chừa một chỗ làm chuồng trâu, chồng bò, con người ở đâu, con vật phải ở cùng để trông nom nó…
Vàng Dỉ Xoáng là cán bộ xã, lại ở bản Lô Lô. Xã giao nhiệm vụ cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Thế là Xoáng làm du lịch. Anh cũng là người đầu tiên trong bản mở quán ăn, nấu cơm cho khách tới thăm Lũng Cú.
Sau Xoáng, trưởng bản Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai cũng tiên phong làm gương.
Ngôi nhà cổ của gia đình được anh cải tạo sạch sẽ, ngăn nắp. Gia đình anh dọn xuống ngôi nhà cũ, bé hơn, nhường nhà to cho khách. Cái ngõ, mảnh sân cũng phải trồng hoa thẳng hàng thẳng lối, tạo không gian đẹp để đón khách du lịch…
Những tháng đầu làm du lịch, nhà anh Gai đón lác đác ngày vài ba khách, sau đó tăng lên chục rồi vài chục khách. Khách nghỉ lại nhà Gai chỉ chi khoảng 100.000 đồng/người để được trải nghiệm cuộc sống của người Lô Lô, được hít thở không khí trong lành… Thu nhập từ du lịch ổn định dần.
Năm 2014, trưởng bản Lô Lô Chải xây dựng thêm 2 homestay, vẫn là ngôi nhà trình tường truyền thống của dân tộc mình. Thành công rồi, anh Gai hướng dẫn họ hàng, người thân, bà con trong bản. Mỗi năm lại thêm nhiều gia đình làm homestay. Đến nay, cả bản Lô Lô gần như đã thành bản du lịch.
Năm 2021, trưởng thôn Sình Dỉ Gai vận động bà con thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp homestay Lô Lô Chải để đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế du lịch. Lô Lô trở thành mô hình điểm của huyện Đồng Văn, có tên trong “Bản đồ Du lịch Hà Giang”, có chỉ dẫn địa lý… để khách có thể tự tìm đường đến.
Du lịch không những giúp bản làng thêm văn minh, sạch đẹp mà còn giúp bà con có điều kiện giữ gìn nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tổ hợp tác liên kết thêu dệt thổ cẩm Lô Lô Chải được Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn giúp sức thành lập. Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ quảng bá bản sắc văn hóa người Lô Lô qua trang phục mà còn đem lại nguồn thu cho người dân.
Lô Lô Chải cũng xây dựng được Hội Nghệ nhân dân gian. 26 điệu múa được diễn tấu bởi trống đồng trong các làn điệu hát ru, hát đám cưới/đám ma, hát giao duyên... được đưa ra trình diễn cho du khách, giúp hoạt động du lịch thêm phong phú, đa dạng.
Đưa chuồng bò ra xa nhà ở
Khi phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc khai thác tiềm năng tại chỗ sẵn có ngày càng phát triển, các huyện cao nguyên đá của Hà Giang vận động người dân làm sạch môi trường sống, đưa thiên nhiên vào nhà, cải tạo không gian, chỗ ở để làm du lịch đón khách. Chính quyền vận động người dân bỏ thói quen cũ, làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm tách xa chỗ ở với người để tạo không gian văn hóa, môi trường xanh, sạch… nhằm giữ chân khách nghỉ lại.
Tại bản Lô Lô Chải, bà con cải tạo chuồng nuôi trâu, nuôi bò thành bungalow để đón khách du lịch lưu trú. Lô Lô Chải có 42/119 nóc nhà đang mở cửa đón khách; nhiều ngôi nhà khác đang được cải tạo, sửa chữa…
Những ngõ xóm bằng đất đang được bê tông hóa sạch đẹp. Tại mỗi ngôi nhà, chủ nhà cố gắng làm một mảnh sân tươm tất nhất, có trang trí bàn trà mộc mạc, những chậu hoa, vườn hoa nho nhỏ.
Chủ trương đưa chuồng bò ra khỏi khu vực sinh sống của con người được Lũng Cú triển khai từ cuối năm 2022. Ban đầu, nhiều người e ngại vì lo con bò ở xa con người, không ai chăm sóc.
Lại vẫn là Sình Dỉ Gai đi đầu. Anh Gai dời chuồng bò của gia đình ra khu vực chăn thả chung được xã bố trí ở khu đất trống, xa khu dân cư. Con bò đi ra khỏi bản, đường thôn ngõ xóm thêm đẹp vì không có phân trâu, phân bò phóng uế vô tội vạ như trước. Xã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác an ninh trật tự, lắp camera giám sát khu vực chuồng trại để cùng bà con gìn giữ, bảo vệ đàn vật nuôi.
Đất cũ làm chuồng bò, anh Gai cải tạo làm phòng lưu trú, “quảng bá” rất thật thà, rằng: “Trước đây, chỗ này là chuồng trâu, chuồng bò của nhà tôi; giờ đưa con trâu, con bò ra chỗ khác rồi”.
Khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, ai cũng muốn được trải nghiệm cảm giác ngủ trong căn phòng trước đây là chuồng trâu.
Mỗi phòng có diện tích chừng chục mét vuông, đủ để một gia đình nhỏ hay những cặp đôi có không gian riêng, không “chung đụng” như những ngôi nhà lưu trú tập thể. So với khu lưu trú chung, giá mỗi đêm nghỉ lại từ 100.000 - 200.000 đồng/người/đêm, khu “riêng tư” này nhỉnh hơn - 600.000 đồng/đêm. Vậy là ai cũng mong được trải nghiệm.
Sình Dỉ Gai cải tạo được 4 phòng, gọi là “bungalow”. Chỗ chuồng trâu, chuồng bò trước kia, nay mỗi tháng giúp anh có thêm thu nhập cả chục triệu đồng mà khách không còn phàn nàn mùi phân trâu, phân bò ảnh hưởng tới chỗ nghỉ.
Học theo anh Gai, nhiều hộ ở làng Lô Lô Chải cũng sửa lại khu chuồng chăn nuôi thành những homestay lạ mắt. Học theo Lô Lô Chải, các vùng khác cũng phá bỏ chuồng trâu, chuồng bò để làm du lịch.
Tại xã Khâu Vai, Lương Văn Hùng, người Nùng, cán bộ văn hóa xã, cũng làm du lịch để phát triển kinh tế. Người Nùng không muốn người lạ ở lại nhà mình, nhất là với những gia đình có bàn thờ ông bà, tổ tiên; không muốn có những ánh mắt săm soi cuộc sống của bản làng mình… Vượt qua những định kiến, Lương Văn Hùng thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản dưới sông Nho Quế, thuê ngôi nhà sàn to lớn nhất bản trước kia là trụ sở UBND xã để cải tạo làm homestay…
Đến nay, thôn Trung tâm của xã Khâu Vai đã có gần chục homestay. Các xã núi đá khác của huyện Mèo Vạc cũng đang rậm rịch làm du lịch.
Cảnh sắc tự nhiên, di sản cao nguyên đá đã được thế giới công nhận, những trầm tích văn hóa của bản làng, những bờ rào đá… là những “đầu vào” để làm du lịch. Thứ duy nhất bà con cần là cách làm, cách tổ chức sao cho thật bài bản, chuyên nghiệp.
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()