Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 13:17 (GMT +7)
Du lịch Móng Cái phát huy thế mạnh vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa
Thứ 2, 12/02/2024 | 15:43:41 [GMT +7] A A
“Mời anh đến thăm quê em, thăm Móng Cái đất địa đầu,…”câu hát ngọt ngào như lời mời gọi hấp dẫn đưa ta về vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa trong dáng hình thành phố hiện đại ở cửa ngõ Đông Bắc Tổ Quốc. Móng Cái hôm nay đã thừa kế và phát huy tất cả những nét đẹp từ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo nên một quê hương hội đủ dáng núi, hình sông, đồng xanh, biển biếc, vừa truyền thống, vừa hiện đại và là thế mạnh đưa du lịch đất địa đầu “cất cánh”, vươn xa.
Thành phố Móng Cái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở cực Đông Bắc Tổ quốc, là thành phố cửa khẩu quốc tế “Ven biên-ven biển” - địa phương duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á.
Nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc, Móng Cái tự hào là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá, những giá trị ấy được hiện hữu, kết tinh và lưu giữ qua hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố với 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 12 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra Móng Cái còn có trên 40 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ; Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình và Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh, đó được coi là những “Cột mốc văn hóa” trường tồn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, là nhân tố cơ bản, góp phần phát triển ngành du lịch thành phố theo hướng bền vững.
Móng Cái đang ngày càng khẳng định không chỉ là trung tâm kinh tế cửa khẩu quan trọng mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách với rất nhiều loại hình du lịch đặc sắc. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái được xác định là địa bàn động lực, là điểm giao thoa trong chiến lược phát triển “2 hành lang - 1 vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và trọng tâm của các chương trình hợp tác về du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái cũng là Khu du lịch quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và là 1 trong 6 khu du lịch quốc gia trong toàn quốc.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển KT-XH, trong những năm qua, TP Móng Cái luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Móng Cái đến với bạn bè bốn phương. Đây cũng là một trong những cách góp phần nâng tầm du lịch Móng Cái, gắn truyền thống với hiện đại để bất kỳ du khách nào đến Móng Cái đều mong thêm nhiều lần quay trở lại.
Năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xác định chủ đề công tác là: “Hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”. Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa chủ đề công tác, thành phố tập trung phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển du lịch Móng Cái với các nhóm sản phẩm đặc sắc gắn với phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Móng Cái. Hoàn thành việc thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Trà Cổ; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế từng đơn vị, địa phương; tháo gỡ bất cập, tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập cảnh đối với khách du lịch; đảm bảo an toàn, an ninh du lịch; thúc đẩy phát triển “kinh tế ban đêm”; quan tâm bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Như vậy, việc phát huy giá trị các di sản, phát huy thế mạnh vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa sẽ là yếu tố quan trọng góp phần đưa Móng Cái trở thành điểm đến của trên 3 triệu lượt khách trong năm 2024.
Thu Hằng (Trung tâm TTVH Móng Cái)
Liên kết website
Ý kiến ()