4
18
/
1101126
Du lịch - những cánh én báo tin Xuân
longform
Du lịch - những cánh én báo tin Xuân

Cover

Một năm khởi đầu vào mùa xuân. Không khí xuân giờ đây đang lan tràn khắp muôn nơi cùng bao cánh én báo tin vui khi ngay những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn, hàng nghìn du khách từ các thị trường châu Âu, châu Á cho tới khách nội địa từ miền Nam đã ghé thăm Quảng Ninh bằng cả đường bộ và đường hàng không. Và đặc biệt là dòng khách trảy hội du xuân tới các điểm du lịch văn hoá, tâm linh trên địa bàn cũng bắt đầu đông dần lên trong tháng Giêng. Tất cả hứa hẹn sự khởi sắc của du lịch Quảng Ninh với mục tiêu đón 5,1 triệu lượt khách du lịch ngay trong quý I này và đón 17 triệu lượt khách cả năm, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế…

Cover

Hạ Long là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi nhất cả về cảnh sắc tự nhiên với lợi thế di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các giá trị văn hoá biển, văn hoá của đồng bào dân tộc vùng cao ở khu vực phía Bắc và văn hoá công nhân mỏ đặc sắc của một vùng công nghiệp than lớn của tỉnh. Chính vì thế, nơi đây cũng nhận được sự đầu tư quy mô, đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch của tỉnh và các doanh nghiệp lớn, đã và đang tiếp tục cho thấy sự khởi sắc, bứt phá trong mùa xuân mới 2024.

Ảnh trong văn bản

Ảnh căn phải

Du lịch Tết với những ngày đầu tiên của năm mới thường là quãng thấp điểm của thị trường khách khi nhà vẫn là ưu tiên số một của đa số khách. Tuy vậy, khách sạn Sài Gòn – Hạ Long vẫn giành được sự ưu ái của du khách khi trong thời điểm từ ngày 29 tới mùng 3 Tết, lượng khách đặt phòng tại đây đạt 200 phòng với khoảng 400 khách, bao gồm cả khách nước ngoài và khách nội địa, đạt công suất khoảng 20%. Đó là chưa kể lượng khách vãng lai phát sinh trong dịp Tết…

Chị Phạm Thanh Nga, Phó Phòng Kinh doanh tiếp thị, Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long, cho hay, dòng khách Âu vào dịp Tết chủ yếu là đi theo chương trình nghỉ đông của họ nhưng với khách châu Á thì khác, đây cũng là dịp Tết của nhiều dòng khách Á, vốn tương đồng với văn hoá Việt. Vì vậy, các đơn vị lữ hành thường kết hợp với các khách sạn đưa ra các chương trình khuyến mãi giá tốt, cảnh điểm đặc sắc để thu hút khách tới nghỉ ngơi trong dịp Tết. Và từ mùng 3 trở ra trong tháng Giêng sẽ có lượng khách du xuân lớn hơn, phát sinh theo ngày, bởi lẽ Hạ Long cũng nằm trên cung đường du xuân thuận tiện của du khách về với Quảng Ninh.

Ảnh với chú thích
Hoạt động gói bánh chưng được khách sạn Sài Gòn - Hạ Long tổ chức thường xuyên trong dịp Tết.

Chính vì thế, dịp Tết đến, xuân về thì việc trang hoàng là khâu đầu tiên được đơn vị chú trọng, từ sảnh khách sạn, trong nhà hàng cho tới các tầng lầu và trong phòng đều có những tiểu cảnh mang ý nghĩa những lời chúc xuân mới. Khâu chuẩn bị trong dịp Tết được chú ý để đảm bảo trang trọng, lịch sự, chu đáo và an toàn cho du khách, kể cả việc rà soát về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… Về ẩm thực, khách sạn tổ chức gói bánh chưng hàng năm, vừa để chăm lo đời sống người lao động đơn vị, gia tăng tình đoàn kết, đồng thời cũng giới thiệu cho khách trải nghiệm, check in trong dịp tết. Và trong tiệc buffet sáng, khách sạn thường lồng ghép những món ăn cổ truyền ngày Tết để giới thiệu tới du khách hương vị ẩm thực Tết truyền thống của người Việt ở khu vực phía Bắc.

Không chỉ khách sạn Sài Gòn - Hạ Long mà đây có lẽ cũng là cách làm thể hiện thái độ tận tậm, chu đáo với du khách của nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn tại Hạ Long dịp này. Cùng với các cơ sở lưu trú vốn là dịch vụ thiết yếu trong hành trình du xuân Quảng Ninh thì Vịnh Hạ Long là điểm đến đặc biệt thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tính từ ngày 8/2 (tức 29 Tết) đến ngày 11/2 (mùng 2 Tết), đơn vị đã tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan Vịnh Hạ Long bảo đảm an toàn, chu đáo trên 18 nghìn lượt khách, chủ yếu là khách nước ngoài, thu phí đạt trên 6 tỷ đồng, lần lượt tăng 110% và 119% so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh với chú thích
Lãnh đạo Sở Du lịch, TP Hạ Long chào đón những vị khách đầu tiên "xông đất" Hạ Long trong năm mới Giáp Thìn tại khách sạn Sài Gòn - Hạ Long. Ảnh: Trúc Linh.

Ảnh căn trái

Theo đó, ngay từ trong năm, đơn vị đã rà soát, chỉnh trang cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền trang trí khánh tiết tại các điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long. Tăng cường phối hợp quản lý môi trường kinh doanh du lịch, không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Kịp thời phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm trên vịnh, nhất là chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về đeo bám tàu du lịch ăn xin, bán hàng rong, tàu neo đậu đón trả khách không đúng nơi quy định…

Ảnh với chú thích
Nghe hát trên Vịnh Hạ Long (ảnh trên) và tàu nhà hàng Sea Octupus (ảnh dưới) là những sản phẩm du lịch mới hút khách trên Vịnh Hạ Long.

Ảnh trong văn bản

Với giá trị nổi bật toàn cầu về vẻ đẹp thiên nhiên, Vịnh Hạ Long trong những năm qua đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, trang web uy tín trên thế giới bình chọn. Năm 2023, Vịnh Hạ Long đón gần 2,7 triệu khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, nguồn thu phí tham quan đạt trên 792 tỷ đồng. Con số này đóng góp đáng kể vào tổng lượng khách ước đạt 8,6 triệu lượt và số khách quốc tế cũng như nguồn thu từ du lịch đạt 19.500 tỷ đồng của TP Hạ Long trong năm qua.

Ảnh với chú thích
Khách du lịch tham quan động Thiên Cung trên Vịnh Hạ Long. 

Để tiếp tục tạo thêm sức hút lớn cho Vịnh Hạ Long và khu vực ven bờ, những năm gần đây, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã tích cực đầu tư đưa nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn vào hoạt động. Tiêu biểu có thể kể đến, như: Nghe nhạc trên các tầu nhà hàng, tầu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long, Điểm hẹn âm nhạc Tuần Châu Harmony, Xe đạp City Tour, Đồi Mặt trời, Điểm hẹn âm nhạc Hải Đăng, du thuyền Essence Grand Ha Long bay Cruise… Địa phương cũng phối hợp với Vietravel Quảng Ninh tổ chức chương trình Free Walking Tour Ha Long với chủ đề “Thưởng ngoạn hoàng hôn trên bờ di sản”, giúp du khách có thể trải nghiệm những điểm đến đặc sắc tại Hạ Long.

Ảnh căn phải

Là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, TP Hạ Long hiện có cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch dịch vụ đồng bộ hơn cả. Trên địa bàn hiện có trên 660 cơ sở lưu trú với đầy đủ phân khúc, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách du lịch. Những năm qua, để thu hút du khách thường xuyên, TP Hạ Long đã tổ chức, tham gia hàng loạt các sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch vào dịp năm mới, các ngày lễ, tết, trong đó có nhiều hoạt động đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh. Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá Hạ Long là điểm đến thân thiện - an toàn - mến khách, danh hiệu Hạ Long - Thành phố du lịch sạch ASEAN, Vịnh Hạ Long - điểm đến du lịch hàng đầu châu Á...

Ảnh với chú thích
Các đoàn khách đầu tiên của năm mới được chào đón nồng hậu tại TP Hạ Long.

Gần đây, thành phố đã phối hợp nghiên cứu, số hoá các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Nhiều di tích hiện đã được tạo mã QR để truy cập thông tin giới thiệu về di tích. Thành phố tiếp tục duy trì cung cấp 107 điểm wifi miễn phí phục vụ kích cầu du lịch và là hạ tầng quan trọng của thành phố thông minh, của chuyển đổi số. 100% các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn hiện đảm bảo triển khai các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...

Ảnh với chú thích
Du khách thích thú lưu lại kỷ niệm đẹp khi về với Hạ Long, Quảng Ninh.

Ảnh trong văn bản

Với việc mở rộng không gian về phía Bắc khi sáp nhập huyện Hoành Bồ về Hạ Long từ cuối năm 2019, thành phố có nhiều dư địa để khai thác, phát triển du lịch hơn với lợi thế một bên là vịnh biển, một bên là khu vực rừng núi xanh tươi mênh mông, dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sở hữu những giá trị văn hoá riêng, đặc sắc.

Ảnh với chú thích
Cảnh quan đồi núi hoang sơ khu vực phía Bắc là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của Hạ Long. Ảnh: Khu du lịch Mằn's farm tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long. 

Nhằm khai thác lợi thế này, gần đây thành phố đã và đang tiến hành rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát huy cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc của người dân địa phương. Các doanh nghiệp cũng từng bước tiếp cận khảo sát sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn các xã Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân và Kỳ Thượng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách đến với Hạ Long. Qua đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Cover

Mùng 10 tháng Giêng là khai hội xuân Yên Tử nhưng lễ hội xuân Yên Tử thì kéo dài trong suốt 3 tháng đầu năm. Đây cũng là thời điểm lượng khách về với Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) đông nhất trong năm khi du khách hành hương về tham quan, lễ Phật tại các điểm chùa trên núi và trải nghiệm các hoạt động văn hoá, lễ hội dưới chân non thiêng.

Ảnh trong văn bản

Yên Tử giờ đây đã trở thành điểm đến được rất nhiều du khách tìm về để tham quan, cảm nhận sự linh thiêng, tĩnh tại của núi rừng, cây lá và sâu hơn là tìm hiểu, khám phá những giá trị mà tiền nhân để lại chốn này từ hàng nghìn năm trước.

Ảnh với chú thích
Du khách hành hương tại chùa Hoa Yên trong ngày mùng 2 Tết.

Khi ấy, danh sơn Yên Tử đã được các đạo sĩ tìm đến tu tiên và đắc đạo, các tín đồ Phật giáo cũng đến đây tu hành, mở mang xây dựng Yên Tử trở thành một quần thể với hàng trăm chùa, am, tháp, mộ, bia, tượng… nằm đan xen giữa núi rừng hùng vĩ và chạy dài từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng cao 1.068m như ngày nay. Đặc biệt là từ thời Trần, Yên Tử đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần đánh tan quân Nguyên Mông vào các năm 1285 và 1288, khi đất nước thái bình thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con để tìm đến Yên Tử tu hành, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo. 16 chùa, tháp nơi đây là hành trình đầy đủ, chi tiết của vua Trần Nhân Tông kể từ lúc khởi hành vượt kinh đô đến Yên Tử tu tập, thành đạo.

Năm 1299, Ngài đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt độc đáo với tư tưởng nhập thế gắn đạo với đời. Nối tiếp đó là Pháp Loa và Huyền Quang, họ đã trở thành 3 vị tổ của dòng thiền này. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm và tiếp tục được xây dựng, phát triển vào các đời sau. Các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm cũng được nhiều thế hệ nối tiếp nhau kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng miền của cả nước cũng như những quốc gia khác trên thế giới cho tới ngày nay. Non nước Yên Tử với các giá trị lịch sử, văn hoá quý giá, trường tồn cùng lịch sử có giá trị vô cùng to lớn, nằm trong  Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề xuất UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ảnh với chú thích
Thời tiết đầu năm có nắng, trong sáng giúp du khách thuận lợi leo tới chùa Đồng.

Ảnh trong văn bản

Yên Tử nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách suốt 4 mùa trong năm với các sản phẩm du lịch, dịch vụ phong phú do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, gắn với các giá trị của Yên Tử để phục vụ du khách.

Ảnh căn phải

Trong đó, khu làng Nương dưới chân núi mô phỏng, tái hiện một ngôi làng Việt cổ gồm hơn 50 nóc nhà với đầy đủ các công trình đình làng, chợ quê, các gian hàng làng nghề truyền thống… Ở đây có vô số hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, như đạp xe, cưỡi ngựa, khâu nón lá, dập tranh Đông Hồ, vẽ chuồn chuồn tre, tham gia đêm hội làng với các tiết mục nghệ thuật dân gian, thả hoa đăng... Còn khu Legacy Yên Tử cùng với khu chăm sóc sức khoẻ Am Tuệ Tĩnh là khu tĩnh dưỡng cao cấp mang phong cách sang trọng và hoài cổ, tựa những vương triều xưa, với nhiều sản phẩm du lịch có ý nghĩa trong việc gìn giữ sức khoẻ, cân bằng thân -  tâm - trí… Cùng với đó là các không gian vui chơi, thư giãn, check-in đẹp, như: vườn thiền, hồ nước, gương kính tâm, quảng trường lễ hội…

Ảnh với chú thích
Dịch vụ cho thuê cổ phục giúp du khách có những bức ảnh đẹp khi về với hội xuân Yên Tử năm nay.

Du khách về với Yên Tử mùa xuân là mùa đông nhất trong năm với không khí rộn ràng của dòng khách du xuân tham quan, lễ Phật tại các điểm di tích. Dịp này, cùng với đi lễ, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non thiêng với những hàng tùng cổ thụ, rừng trúc hay sắc mai vàng rực rỡ. Mùa hè là mùa của các khoá tu, hoạt động trải nghiệm, teambuilding... Mùa thu đông có thể nói là mùa đẹp nhất trong năm của Yên Tử với không gian thoáng đãng, khí trời se lạnh rất dễ chịu với khách leo núi, vui chơi và trải nghiệm.

Ảnh trong văn bản

Mùa xuân này, sau chương trình Làng Việt - Tết xưa với nhiều dư âm đẹp mang phong vị Tết truyền thống của làng người Dao dưới chân núi, Yên Tử đã sẵn sàng cho mùa hội xuân mới. Ngay từ ngày 30 tháng Chạp, Yên Tử đã đón khoảng 1.000 khách hành hương, 2 ngày đầu tiên của năm mới ước đón khoảng 10 nghìn khách. Quãng đường hành hương Yên Tử cho cả 2 chiều lên, xuống thường mất khoảng 1 ngày, chính vì vậy, thường từ mùng 2, mùng 3 trở ra, Yên Tử sẽ thu hút lượng khách đông hơn.

Ảnh căn trái

Du khách về với Yên Tử xuân này cũng sẽ cảm nhận nhiều nét mới trên dọc tuyến hành hương. Ngay từ khu vực dưới chân núi đã được chăm chút kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ văn hóa, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Chúng tôi yêu cầu các gian hàng ở làng Nương đều trang trí mang không khí Tết với quất, đào, hoa cúc, ngũ quả, tràng pháo đỏ, bánh chưng xanh... Ở đình làng, chúng tôi trang trí cây nêu truyền thống. Các đại cảnh được bố trí ở một số khu vực với hình tượng rồng là chủ đạo, cùng với đó là tiểu cảnh trang trí hoa tươi, cây xanh… linh hoạt, sinh động. Các hoạt động phục vụ du khách vẫn đa dạng, như: Hát quan họ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, chơi xích đu, ném còn, bơi thuyền, cho thuê cổ phục, check-in cùng chim khổng tước, bắn cung, cưỡi ngựa. Hội làng Nương vẫn mở vào buổi tối tại khu vực đình làng…

Ảnh với chú thích
Các không gian dưới chân núi được trang trí với hoa tươi, cây cảnh mang đậm không khí mùa xuân.

Không gian dưới chân núi năm nay còn có thêm một điểm nhấn là Cung Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành với sự độc đáo về kiến trúc, nội thất, hệ thống tượng Phật độc đáo... Vì vậy, du khách có thể ghé thăm Cung Trúc Lâm theo hành trình từ chân núi qua cổng Khai tâm, hồ nước gương Kính tâm, sân Minh Tâm, vườn hoa Tâm tới cung Trúc Lâm, qua suối Giải Oan, chùa Giải Oan rồi mới theo cáp treo hoặc leo bộ lên núi tham quan, lễ Phật tại các điểm chùa.

Ảnh với chú thích
Các dịch vụ phong phú dưới chân núi giúp du khách vui chơi, thư giãn khi về với hội xuân.

Chuẩn bị cho mùa hội xuân Yên Tử năm nay, việc rà soát, sửa chữa về cơ sở vật chất đảm bảo sự an toàn, thuận lợi cho khách hành hương được các đơn vị chú trọng, hoàn thành từ trước Tết Nguyên đán, từ hệ thống biển chỉ dẫn, sơ đồ, biển báo cũng như toàn bộ hệ thống lan can trên tuyến đường hành hương, nhất là các đoạn dốc khúc khuỷu, gập ghềnh trên khu vực núi cao… Các đơn vị, địa phương liên quan trong khu vực Yên Tử cũng đã xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các di tích của Yên Tử.

Ảnh căn phải

Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức khám sức khỏe; tập huấn, trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Yên Tử; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch; niêm yết giá các dịch vụ theo quy định. Các nhà hàng kinh doanh trong phạm vi khu di tích ký cam kết trong thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, không bày bán, treo mắc các loại thịt động vật tươi sống trước các quán hàng; thực hiện cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, không chèo kéo, mời chào khách thiếu văn minh lịch sự…

Một mùa xuân mới lại về với non thiêng Yên Tử. Hội xuân năm nay có sự chuẩn bị chu đáo, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những trải nghiệm vui tươi, lành mạnh, an toàn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hoá tâm linh của người dân và du khách bốn phương với mục tiêu thu hút 1 triệu khách hành hương, tăng hơn 40% so với năm trước.

Cover

Mùa xuân này, du khách có dịp đến với Móng Cái - thành phố vùng Đông Bắc địa đầu Tổ quốc, thì đừng bỏ qua cơ hội vãng cảnh, cầu an tại những ngôi chùa cổ linh thiêng nhất, hòa vào không khí tấp nập, nhộn nhịp ở cửa khẩu hay vi vu trên những con đường vành đai biên giới thắm sắc đào phai, ngắm nhìn từng cột mốc chủ quyền thiêng liêng để thêm yêu những dặm dài biên cương đất nước...

Ảnh trong văn bản

Mùa xuân gõ cửa, vùng đất Móng Cái trở nên sống động không chỉ bởi sắc nước, hương trời vào xuân, bởi vạn vật sinh sôi, đâm chồi nảy lộc mà còn bởi không khí sôi động, tấp nập ở các cửa khẩu vốn đã trở thành nét đặc trưng ở vùng biên. Từ những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái luôn nhộn nhịp người qua lại. Đó là những người lao động về quê ăn Tết sau một năm làm việc vất vả, là những người xa quê Tết trở về sum họp và đó còn là những khách du lịch Trung Quốc đã lựa chọn cho mình một kỳ nghỉ Tết sớm bằng chuyến du lịch tại Việt Nam thay vì kỳ nghỉ Tết truyền thống tại quê nhà...

Để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao của người dân và du khách dịp Tết Nguyên đán 2024, tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), gồm cả cửa khẩu cầu Bắc Luân I và cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lực lượng chức năng 2 bên sẽ làm việc xuyên Tết, phục vụ nhu cầu xuất nhập cảnh của người dân và du khách.

Chị Hoàng Thị Thanh (TP Đông Hưng, Trung Quốc), phấn khởi: Tôi hiện sinh sống và làm việc tại Đông Hưng (Trung Quốc), còn bố mẹ tôi ở Móng Cái. Tết này, tôi cũng sắp xếp công việc về sớm để ăn Tết với gia đình. Thủ tục xuất nhập cảnh 2 bên cửa khẩu vẫn làm xuyên Tết, lại rất nhanh chóng, thuận tiện vì vậy, dịp nghỉ Tết này tôi đã mời các bạn đồng nghiệp sang Việt Nam du lịch. Tôi sẽ làm hướng dẫn viên để giới thiệu cho các bạn về quê hương Móng Cái của mình và tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh như Hạ Long, Yên Tử (Uông Bí).

Ảnh với chú thích
Đông đảo người dân, du khách xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái dịp trước và trong Tết. 

Kể từ khi mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch, đặc biệt từ khoảng tháng 11/2023 đến nay, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã có hàng trăm nghìn lượt người xuất nhập cảnh, trong đó có hàng trăm đoàn khách Trung Quốc. Các doanh nghiệp lữ hành cũng chủ động tận dụng cơ hội, đảm bảo chất lượng dịch vụ, môi trường kinh doanh du lịch phục vụ du khách đảm bảo chuyên nghiệp, thân thiện.

Ông Vũ Đức Hạnh, Giám đốc Chi nhánh du lịch Móng Cái (Công ty CP Cung ứng tàu biển Quảng Ninh), cho biết: Lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng cao, đặc biệt là khách đoàn số lượng lớn. Đón đầu dịp nghỉ Tết kéo dài, chúng tôi đã chủ động kết nối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mở bán những tour du lịch hấp dẫn, tập trung vào các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa tại Yên Tử (Uông Bí), Bình Liêu… Trong năm 2024, dự đoán lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tiếp tục tăng cao, nắm bắt sở thích, nhu cầu của du khách, chúng tôi tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm về đêm như: Ẩm thực, mua sắm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc văn hóa dân gian…

Ảnh với chú thích
Đền Xã Tắc - điểm đến du xuân quen thuộc của người dân và du khách.

Sở hữu 4 tuyến, 15 điểm du lịch được tỉnh công nhận, các tuyến, điểm này đã nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Móng Cái. Nếu là người thích các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du khách sẽ được tham quan hệ thống các di tích lịch sử văn hoá phong phú và đa dạng với nhiều công trình di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, văn hoá lịch sử, khảo cổ, như: Đền Xã Tắc, di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, đình Trà Cổ, đền Thánh Mẫu, chùa Xuân Lan, chùa Nam Thọ…

Nhiều di tích được xem là “Cột mốc văn hóa” nơi địa đầu biên cương. Trong đó, đền Xã Tắc tọa lạc gần bờ sông Ka Long, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Đình Trà Cổ (phường Trà Cổ) được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhưng vẫn giữ được kết cấu kiến trúc cổ truyền thống, bề thế, được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Ảnh với chú thích
Đình Trà Cổ được ví như "cột mốc văn hoá" vùng biên ải. Ảnh Trần Tương (CTV)

Cùng với đó, chùa Xuân Lan (xã Hải Xuân) lại có vị trí rất đắc địa, toạ lạc trên một mảnh đất cao ráo, thoáng đãng, phía trước chùa là một hồ nước hình bán nguyệt và con sông Ka Long uốn lượn trước cửa chùa rồi chạy thẳng ra Mũi Ngọc như tụ lại nguồn khí thiêng nơi địa đầu Tổ quốc. Bởi thế mà từ rất lâu đời, ngôi chùa đã đi sâu vào tiềm thức người dân nơi đây như một điều rất linh thiêng và gắn bó…

Phong tục đi lễ đền, chùa đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng của người Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những ngôi chùa, ngôi đình linh thiêng, cổ kính ở Móng Cái lại tấp nập người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi, may mắn.

Ảnh với chú thích
TP Móng Cái rực rỡ cờ hoa trong dịp Tết Nguyên đán.

Đến với Móng Cái, du khách còn được trải nghiệm những lễ hội mùa xuân từ tháng Giêng với 5 lễ hội lớn, gồm: Lễ hội đình Vạn Ninh, đình Dân Tiến, đình Bầu, đình Quất Đông (từ 10 đến 16/1 âm lịch) và lễ hội đền Xã Tắc (từ 29/1 đến 1/2 âm lịch). Đây chính là dịp để du khách có thể hòa mình trong không khí lễ hội rộn ràng, tươi vui, được tìm hiểu và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất biên cương Đông Bắc.

Bên cạnh đó, các điểm du lịch như: Mũi Sa Vĩ, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Ngọn hải đăng Vĩnh Thực… đều là những điểm đến check-in thú vị, đặc trưng của thành phố mà du khách không thể bỏ qua.

Ảnh trong văn bản

Năm 2024 được kỳ vọng là một năm bứt phá của du lịch vùng biên khi hội tụ đầy đủ những yếu tố từ hạ tầng giao thông đồng bộ, cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng và các chính sách cửa khẩu thông thoáng. Đề án Phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Móng Cái đã và đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch sẵn có, đồng thời thu hút đầu tư tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ.

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Móng Cái đạt hơn 2,4 triệu lượt người, tăng 120% so với năm 2022, tăng 90% so với kế hoạch tỉnh giao; nộp ngân sách nhà nước đạt trên 90 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2022. Đây là tín hiệu vui và là cơ sở vững chắc cho ngành du lịch của thành phố phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón trên 3,3 triệu lượt khách trong năm 2024.

Ảnh với chú thích
Chùa Xuân Lan cổ kính - điểm dừng chân hấp dẫn của du lịch tâm linh.

Từ khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động (tháng 9/2022), tận dụng hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam (từ Lào Cai - Móng Cái), Móng Cái đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều du khách ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phía Bắc đã chọn thành phố nơi địa đầu Tổ quốc làm nơi tham quan, mua sắm mỗi dịp cuối tuần. Ngày 15/3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức mở cửa đón khách du lịch sau thời gian tạm dừng do dịch Covid-19 đã khiến thị trường du lịch Móng Cái càng thêm nhộn nhịp.

Cùng với việc tiếp tục duy trì và phát huy các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đặc trưng riêng của địa phương như: Du lịch biên giới, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch MICE, năm 2023, TP Móng Cái tập trung phát triển thêm 5 nhóm sản phẩm đặc sắc: Du lịch biên giới gắn với sản phẩm du lịch golf, xe tự lái, ẩm thực Việt - Trung; sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với du lịch 4 mùa như lễ hội hoa sim biên giới, phiên chợ Pò Hèn; các điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp.

Ảnh với chú thích
Du khách trải nghiệm sân golf Vĩnh Thuận (TP Móng Cái). Ảnh: Hoàng Quỳnh

TP Móng Cái cũng dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì thường niên đã tạo dấu ấn du lịch văn hóa đặc sắc, như: Lễ hội đền Xã Tắc, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội hoa sim biên giới… Trong năm 2022 và 2023, Móng Cái vinh dự có thêm Khu di tích lịch sử Pò Hèn được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia; đình Trà Cổ được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; lễ hội đình Vạn Ninh được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xếp hạng cấp tỉnh với di tích đình Quất Đông và di tích đền Thánh Mẫu…

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên thành phố tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch bền vững, tạo thương hiệu điểm đến bốn mùa. Theo đó, thành phố không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch có lợi thế, như: Du lịch biên giới, du lịch ẩm thực Việt - Trung, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch thể thao, du lịch golf, du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng... Với lợi thế vùng biên, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với TP Đông Hưng và TP Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) trong công tác quản lý, phát triển hoạt động du lịch biên giới.

Đồng thời, tập trung truyền thông, quảng bá, xúc tiến và nhận diện thương hiệu du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, lữ hành, tạo môi trường kinh doanh du lịch chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, hoàn thiện hạ tầng du lịch đồng bộ hiện đại…

Ảnh với chú thích
Hồ Phình Hồ (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) - địa điểm hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là với nhiều bạn trẻ ưa khám phá, check in. Ảnh: Hùng Sơn

Móng Cái hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú với trên 3.000 phòng, trong đó có gần 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-5 sao. Các cơ sở lưu trú du lịch duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên, đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, thành phố cũng sẽ rà soát thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiện nghi phục vụ khách đảm bảo chất lượng, an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết và thực hiện đúng giá niêm yết, nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép giá, gây sốt giá ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Móng Cái.

Ảnh với chú thích
Đội ngũ nhân viên khách sạn tại TP Móng Cái được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” TP Móng Cái đang tạo nguồn lực cho tăng trưởng bền vững, không chỉ đóng góp vào sự phát triển KT-XH địa phương mà còn góp phần quan trọng tiếp tục xây dựng Quảng Ninh thành một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.

Cover

Cảnh quan đẹp, thời tiết thuận lợi cùng với nhiều hoạt động lễ hội sôi động, ý nghĩa, quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên (TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn) trở thành điểm đến du xuân hấp dẫn du khách thập phương.

Ảnh trong văn bản

Ảnh với chú thích
Khách du xuân tại đền Cửa Ông vào dịp đầu năm mới Giáp Thìn.

Du xuân, chiêm bái tại đền Cửa Ông - Cặp Tiên là lựa chọn của nhiều người dân, du khách trong những năm gần đây. Năm nay, đầu xuân với tiết trời nắng ấm càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của đền. Hòa vào dòng người trảy hội đền đầu xuân, ai ai cũng muốn thắp hương chiêm bái, dạo bước ngắm nhìn không gian rộng lớn, tầm nhìn bao quát vùng biển Cửa Suốt tuyệt đẹp nơi đây. Dọc các tuyến đường quanh đền, sắc hoa cúc vàng, hoa ban... đua nở càng thôi thúc bước chân khám phá, thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm của du khách.

Sau hành trình chiêm bái đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, du khách cũng có thể lên đỉnh đồi chiêm bái không gian đặt tượng Đức Ông cao uy nghi, với tầm nhìn bao quát cả vùng biển rộng lớn. Cùng với đó, đền còn lưu giữ nhiều di sản vô giá, trong đó có 34 pho tượng có niên đại hàng trăm năm được chạm trổ công phu, có giá trị nghệ thuật cao. 

Ảnh với chú thích
Du khách thập phương chiêm bái tại đền Cặp Tiên (Vân Đồn), nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên.

Không chỉ có thể tham quan, chiêm bái, khách hành hương còn được thưởng thức không khí lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống khi đến với đền Cửa Ông xuân này. Dọc đường hành hương, du khách được các thầy đồ cho chữ, hướng dẫn viết thư pháp với mong ước gặp nhiều may mắn đầu năm... Trước thềm xuân mới, đền Cửa Ông đã "sáng đèn” suốt đêm đón khách hành hương với đêm văn nghệ chào mừng năm mới có chủ đề "Xuân về nơi cửa Suốt"; tổ chức nghi lễ mở cửa đền ngay đêm Giao thừa...

Ảnh với chú thích
Du khách chờ xin chữ đầu năm mới ở đền Cửa Ông ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.

Tưng bừng và được mong chờ nhất trong dịp đầu năm là Lễ hội đền Cửa Ông sẽ chính thức diễn ra vào ngày 12-13/3 (tức ngày 3-4/2 năm Giáp Thìn) tới đây với nội các dung chính, như: Dâng hương, màn trống hội kết hợp múa "Hào khí Đông A", gióng trống - chiêng khai hội, múa dâng hoa, diễn thần tích “Dấu thiêng lưu tích”…

Nối tiếp phần lễ là phần hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, như: Hội thi đẩy gậy, Hội thi dâng soạn lễ, Hội thi Tổ tôm điếm, thi đấu Cờ người và Cờ bỏi, chơi bịt mắt đập bóng, bịt mắt đánh trống, chọi gà; trưng bày ảnh nghệ thuật; Hội thi đua thuyền và hát quan họ trên thuyền tại hồ Baza... Trong đó, độc đáo và mới lạ là vòng Chung kết hội thi cờ người đặc sắc do chính các võ sĩ hóa thân, tái hiện nét đẹp xưa, sẽ được diễn ra sau lễ hội đền. Đặc biệt, người dân, du khách mê cờ có thể tham gia thi đấu ngay trên bàn cờ lớn ở sân đền.

Ảnh với chú thích
Hoạt động cờ người sẽ được tổ chức dịp Lễ hội đền Cửa Ông. Trò chơi truyền thống này vừa được tái hiện vào cuối năm 2023.

Cùng với đó là lễ hội đền Cặp Tiên (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn). Di tích này sẽ khai hội sớm hơn vào ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết Giáp Thìn) với nghi lễ dâng hương, gióng trống và diễn xướng truyền thuyết Cô bé cửa Suốt tại đền. Với diện mạo mới khang trang nằm bên vịnh Bái Tử Long thơ mộng, đây sẽ là một trong những điểm thu hút khách hành hương đầu xuân mới.

Ảnh trong văn bản

Từ lâu, khu di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh, linh thiêng, nơi hành hương ý nghĩa không thể thiếu đầu xuân của du khách. Vì vậy, đảm bảo an ninh an toàn, văn minh lễ hội phục vụ du khách là điều được quan tâm hàng đầu.

"Chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, tốt nhất về cơ sở vật chất, con người để phục vụ, chào đón khách du xuân an toàn, vui tươi" - ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban quản lý Di tích, chia sẻ.

Ảnh với chú thích
Năm nay, đền Cặp Tiên đón khách du xuân với nhiều thay đổi về diện mạo.

Qua tìm hiểu thêm được biết, để phục vụ du khách đông đảo dịp đầu xuân, Ban quản lý đền đã huy động 100% lực lượng bảo vệ, an ninh trật tự với khoảng 70 người ở cả vòng ngoài và vòng trong để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Đơn vị cũng huy động lực lượng thuyết minh viên gồm 16 người am hiểu kiến thức về đền là hướng dẫn viên, thủ từ, nhân viên Ban quản lý... để phục vụ cho các đoàn khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế. Lực lượng được phân công phục vụ miễn phí ở 3 điểm đền Mẫu, đền Trung và đền Thượng, có nhiệm vụ hướng dẫn du khách tham quan, chiêm bái các nơi thờ tự, thuyết minh, giới thiệu bài bản về các điểm di tích... 

Đồng thời, đơn vị cũng đưa các phương tiện số hiện đại vào phục vụ hoạt động lễ hội năm 2024. Đền đã lắp đạt 60 camera ở các địa điểm, góc độ để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho du khách. Một trong những điểm được du khách đặc biệt quan tâm là việc bố trí không gian gửi xe và giao thông đi lại được đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Ông, chia sẻ: Ban quản lý đền cùng UBND phường Cửa Ông và các lực lượng chức năng TP Cẩm Phả đã ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ các vấn đề về ùn tắc giao thông, trông giữ phương tiện cho du khách một cách khoa học nhất.

Theo đó, phường Cửa Ông, các lực lượng chức năng TP Cẩm Phả sẽ hỗ trợ gỡ "điểm nghẽn" về giao thông, đặc biệt là khu vực đường vào, cửa đền; huy động lực lượng chức năng phối hợp lực lượng CSGT chuyên trách điều tiết giao thông theo phương án một chiều; bố trí 3 bãi xe lớn trông giữ phương tiện, áp dụng vé điện tử nhanh gọn, chính xác... Đây vốn là các vấn đề "nóng" thường gặp phải dịp chính hội. 

Ảnh với chú thích
Du khách chụp ảnh ở tượng đài Đức Ông tại đền Cửa Ông.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã cho bố trí lại khoa học, quy củ toàn bộ khu vực dịch vụ thương mại; các điểm kinh doanh, bán đồ lễ... bố trí xa cổng đền, tránh ùn ứ. Đồng thời bố trí các khu vực, ki-ốt bán hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP, quán nước, đồ ăn nhẹ... phục vụ du khách thập phương, khu vực bán đồ lễ…riêng biệt.

"Từ cuối năm 2023, chúng tôi đã bố trí lại, quán triệt các điểm kinh doanh, dịch vụ. Kiên quyết không để tình trạng mái che, mái vẩy, ô dù, tránh cơi nới; không có hàng rong, ăn xin, ăn mày, mê tín, bói toán…để dành tối đa không gian cho khách du xuân, chiêm bái" - ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, khẳng định.

Ngày xuất bản: 12/2/2024
Chỉ đạo thực hiện: PHAN HẰNG
Nội dung: PHAN HẰNG - NGỌC MAI - NGUYỄN DUNG - HÀ PHONG
Trình bày: MẠNH HÀ

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu