Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:23 (GMT +7)
Du lịch nội địa hậu COVID: Kết nối những ‘vùng xanh’ vượt bão COVID-19
Thứ 3, 28/09/2021 | 22:39:18 [GMT +7] A A
Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 khởi động nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sức sống cho du lịch Việt Nam, trước tiên là du lịch nội địa.
Chiều 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các hiệp hội thành viên ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19,” với hơn 30 điểm cầu trên cả nước.
Chương trình này sẽ linh hoạt, thích ứng với diễn biến thực tế của dịch bệnh, với mục tiêu từng bước chuyển sang “du lịch an toàn,” tiến tới khôi phục ngành "công nghiệp không khói" trong bối cảnh sống chung với COVID-19.
Du lịch an toàn vượt cơn khủng hoảng
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, sau một thời gian dài bị đình trệ, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với doanh nghiệp du lịch lúc này chính sách hỗ trợ tốt nhất là cho họ được hoạt động trở lại, đặc biệt trong bối cảnh “giới hạn chịu đựng” của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Vì thế, yêu cầu đặt ra là bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành.
Tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch, ông Vũ Thế Bình bày tỏ, là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 gây ra, du lịch Việt Nam trong gần 2 năm qua đã vô cùng gian khổ để tồn tại. Có thời điểm, toàn bộ ngành du lịch gần như ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc.
Dẫu vậy, tất cả vẫn tin tưởng vào ngày sớm vượt qua cơn “bĩ cực” để vươn lên, khôi phục nền kinh tế xanh. Chẳng thế mà trong suốt 4 đợt dịch bùng phát, cứ mỗi lần dịch ngớt là hàng loạt chương trình kích cầu du lịch lại được phát động.
Theo ông Bình, đại dịch đã đòi hỏi cả thế giới phải thay đổi, trong đó có du lịch. Từ đó khái niệm “du lịch an toàn” đã xuất hiện, tuy không mới nhưng nội dung của nó lại hoàn toàn mới. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của toàn ngành.
Cũng chính vì thế, “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19” đã chính thức được khởi động nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sức sống cho du lịch Việt Nam, mà trước tiên là du lịch nội địa.
Kết nối những vùng du lịch xanh
Tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng cho biết với chủ đề Kết nối xanh du lịch Việt Nam, mục tiêu của chương trình là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới với tư tưởng sống chung với COVID-19, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn.
Theo ông Thắng, trước hết, chương trình sẽ áp dụng các nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19 của Chính phủ, trong đó tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ hai là chương trình sẽ kết nối khách du lịch đi từ “vùng xanh” (an toàn) với các “điểm du lịch xanh” (an toàn) trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia càng nhỏ càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.
Thứ 3 là xây dựng các tiêu chí an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.
Chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp...
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19” được xây dựng và tổ chức triển khai trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt, khái niệm về du lịch an toàn chưa hoàn toàn thống nhất, quan điểm về khôi phục và phát triển du lịch các địa phương còn khác nhau, nên việc triển khai thực hiện sẽ không dễ dàng.
Vì vậy, để chương trình này thực sự phát huy hiệu quả thì cần phải có sự chung tay không chỉ của các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch mà còn rất cần sự đồng lòng và quyết tâm của các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương. Có như vậy, màu xanh mới thực sự trở lại, góp phần phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng COVID-19./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()