Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:14 (GMT +7)
Du lịch Quảng Ninh với chiều sâu văn hóa dân tộc
Thứ 5, 03/11/2022 | 08:42:39 [GMT +7] A A
Là địa phương hội tụ hơn 20 dân tộc cùng chung sống, du lịch Quảng Ninh những năm gần đây không chỉ được biết đến là vùng đất của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn được du khách trong và ngoài nước yêu thích bởi sự đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh này để quảng bá rộng rãi vẻ đẹp của vùng đất, con người, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch, thu hút du khách trong những tháng cuối năm.
Sôi động các lễ hội văn hóa dân tộc dịp cuối năm
Ở những địa phương miền núi, đời sống của người dân gắn bó mật thiết với những thửa ruộng bậc thang hút mắt. Cuối tháng 10, khi lúa vàng bắt đầu khoe sắc ở Đại Dực (huyện Tiên Yên), cũng là thời điểm Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ được tổ chức. Lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại, vừa mang vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa mang giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ trên địa bàn huyện Tiên Yên.
Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/10 vừa qua đã để lại ấn tượng đậm nét với các hoạt động lễ và hội như: Nghi lễ cầu mùa mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc Sán Chỉ, cuộc thi ẩm thực, các trận đấu bóng của những cô gái Sán Chỉ mặc váy, giải chạy “Băng qua mùa vàng” dành cho người dân và du khách...
“Mùa vàng soóng cọ” đã đánh dấu sự trở lại của lễ hội truyền thống người Sán Chỉ sau giai đoạn gián đoạn bởi dịch Covid-19. Hàng ngàn du khách đến tham gia lễ hội và chiêm ngưỡng những khung cảnh đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang thôn Khe Quang, Khe Lặc, Khe Lục, hồ Tuyệt Tình Cốc (thôn Khe Ngàn), ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ ở thôn Khe Lục… Hình ảnh những cô gái Sán Chỉ trong màu áo xanh dương truyền thống với nụ cười tươi tắn bên những thửa ruộng bậc thang đang chín vàng đã trở thành hình ảnh biểu tượng, làm phong phú thêm vẻ đẹp của vùng đất và người Quảng Ninh, bên cạnh nét văn hóa miền biển đã nổi tiếng từ lâu.
Từ ngày 29/10 đến 20/11, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2022 cũng sẽ được tổ chức, gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống hấp dẫn. Bình Liêu được mệnh danh là "Thiên đường cỏ lau", nằm cách TP Hà Nội gần 300km. Điểm nhấn của du lịch Bình Liêu có lẽ chính là những rặng cỏ lau trắng muốt, vẻ đẹp hữu tình của ruộng bậc thang, nét hoang sơ của thác Khe Vằn, hay sự tự hào, hân hoan của du khách khi chinh phục cột mốc biên giới… Bên cạnh những khung cảnh tự nhiên đẹp đến ngỡ ngàng đó, đời sống của cộng đồng các dân tộc ở đây cũng là một kho tàng văn hóa đầy thú vị. Do đó, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa vàng Bình Liêu được tổ chức hằng năm đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch cả trong và ngoài nước.
Để tôn vinh thêm vẻ đẹp của vùng đất và con người Bình Liêu, cũng như tăng sức hút cho sự kiện, năm nay, Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022” do UBND huyện Bình Liêu phối hợp với CLB Dù lượn và diều bay có động cơ Đông Bắc sẽ tổ chức vào 2 ngày 5 và 6/11 tại xã Lục Hồn đang trở thành tâm điểm của cộng đồng những người yêu dù lượn và ngắm cảnh đẹp như thơ từ trên cao.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, huyện Bình Liêu sẽ tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu” lần thứ II, năm 2022; "Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022"; “Chinh phục sống lưng khủng long - mốc 1305”; thí điểm tổ chức "Phiên chợ đêm"…
Chị Tô Thị Ninh Giang, Giám đốc Công ty Du lịch Đại Cát (Hà Nội) cho biết: Trước đây, nhắc đến du lịch Quảng Ninh, khách hàng của chúng tôi thường quan tâm đến các địa bàn trọng tâm vào một số thời điểm nhất định như du lịch tâm linh vào mùa xuân ở Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn… và đông nhất là du lịch biển vào mùa hè trên hầu khắp các địa phương ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái... Từ năm 2018, khi các địa phương miền núi bắt đầu tổ chức những hoạt động lễ hội và chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch cảnh quan, homestay, du khách đã bắt đầu quan tâm hơn đến các tour du lịch khám phá, trải nghiệm vùng cao Quảng Ninh, đặc biệt là ở Bình Liêu vào dịp mùa thu và đông. Đây cũng là sự thành công của du lịch Quảng Ninh trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hiệu quả quanh năm. Từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi đã triển khai tour Hà Nội - Bình Liêu xuất phát thứ 6 hằng tuần và được nhiều du khách quan tâm lựa chọn.
Theo thống kê thực tế, trái với mặc định về giai đoạn “ngủ đông” của ngành du lịch những tháng cuối năm, du lịch Bình Liêu vẫn hấp dẫn du khách với nhiều chương trình độc đáo, phát huy tối đa lợi thế về thiên nhiên, văn hóa bản địa. 9 tháng năm 2022, Bình Liêu đón gần 44.000 lượt khách (trong đó khách lưu trú đạt gần 20.000 lượt).
Phát triển du lịch cộng đồng
Để những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển, các mô hình du lịch cộng đồng được xem là giải pháp hữu hiệu và cần thiết. Trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa, nhân lực ngay tại địa bàn, du lịch cộng đồng tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực về sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, đặc điểm địa hình khiến việc làm đường giao thông đến một số thắng cảnh du lịch tự nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, ngày 29/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Mục tiêu của đề án là phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Nhà truyền thống cộng đồng người Dao đã được khánh thành năm 2020 tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, với tổng diện tích 1.600m2, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công trình được xây dựng theo đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Nhà truyền thống cộng đồng người Dao có không gian văn hóa Dao với nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hằng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay. Tại đây, người dân đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Bàn Vương, lễ mừng cơm mới… cũng như tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc những tưởng đã bị mai một như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày…
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ba Chẽ đón khoảng 15.000 lượt du khách, gần nửa số đó đến Nhà truyền thống cộng đồng người Dao. Trong đó, chỉ riêng Lễ hội Bàn Vương - lễ hội lớn của người Dao ở Ba Chẽ, số lượng du khách đến với Nhà truyền thống cộng đồng người Dao là khoảng 3.000 lượt.
Mới đây, huyện Tiên Yên đã khánh thành Nhà văn hóa xã Đại Dực, gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ. Đây là nơi diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ 2022 và cũng sẽ là nơi lưu giữ, tái hiện các phong tục truyền thống của người Sán Chỉ. Du khách đến tham quan chắc chắn sẽ có được những trải nghiệm chân thực, rõ nét nhất.
Được biết, mô hình Làng văn hóa dân tộc Tày (thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cũng đang được nghiên cứu xây dựng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt tại Bình Liêu - địa phương có tới 58,4% dân số là người Tày, với rất nhiều truyền thống đặc sắc.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Trịnh Đăng Thanh, giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện các chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Cùng với các đề án bảo tồn văn hóa gắn với du lịch cộng đồng của tỉnh, các mô hình du lịch theo hướng gắn với văn hóa bản địa cũng đang được các địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt đầu quan tâm khai thác. Tại Bình Liêu, một số homestay như Sông Moóc, A Dào, Hoa Sở… đã trở nên quen thuộc trong các tour du lịch đến với “Thiên đường cỏ lau”. Tại Tiên Yên, mô hình du lịch Eco-Family mới được đưa vào hoạt động giữa năm 2022 dựa trên cảnh quan của đầm nuôi tôm ở Hải Lạng, du khách đến đây ngoài việc thưởng ngoạn cảnh quan vùng cao, còn có thể hoạt động trải nghiệm câu cá, làm các loại bánh của bà con vùng nông thôn, dân tộc. Du khách còn có thể nghỉ lại homestay ở thác Pạc Sủi (xã Yên Than), khám phá, trải nghiệm thác và tham gia tour du lịch trồng rau, gặt lúa cùng bà con...
Khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa bản địa là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch bền vững. Thông qua đó, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ lâu đời đều được bảo tồn nguyên vẹn và phát triển thành những sản phẩm du lịch “xanh”; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế. Trải nghiệm du lịch văn hóa vùng cao chính là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện bức tranh tổng thể du lịch Quảng Ninh suốt 4 mùa, với thật nhiều gam màu ấn tượng khó phai.
Phương Loan - Hùng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()