Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 00:24 (GMT +7)
Du lịch Việt Nam thích ứng linh hoạt, tìm giải pháp phục hồi
Thứ 4, 22/12/2021 | 09:26:23 [GMT +7] A A
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020 và có thể nói đã “chạm đáy”. Nhưng trong khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, ngành du lịch Việt Nam cũng đã nhìn nhận lại mọi yếu tố để thích ứng linh hoạt và nỗ lực tìm các giải pháp phục hồi bền vững.
Những tín hiệu tích cực
Năm 2021, năm thứ hai đối phó với Covid-19, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020. Theo thống kê, khách du lịch nội địa 11 tháng của năm 2021 ước đạt 34,75 triệu lượt, tổng thu đạt 167,7 nghìn tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2020. Mùa cao điểm hè 2021, du lịch gần như ngưng trệ. Hai tháng 8 và 9, cả nước chỉ có lần lượt 200 nghìn và 300 nghìn lượt khách nội địa, tất cả đều là du lịch không lưu trú qua đêm. Cả 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam (mà phần lớn là các doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài) chỉ có 140.100 lượt, giảm hơn 96% so với cùng kỳ năm trước. Cần biết rằng, năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, du lịch Việt Nam lao đao khi mất tới 80% lượng khách quốc tế so với năm 2019, khách nội địa cũng sụt giảm gần 50%, khiến toàn ngành thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.
“Cơn bão” Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có và nhiều chuyên gia đã nhận định du lịch đã “chạm đáy”. Sau gần 19 tháng đóng cửa du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ; hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể...
Trong bối cảnh khó khăn ấy, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp du lịch (như: gia hạn nộp thuế VAT; giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch; giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; các gói tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động…) và an sinh xã hội cho người lao động trong ngành. Đáng chú ý, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc, tạo nhiều điều kiện để ngành du lịch từng bước phục hồi. Từ đây, ngành du lịch Việt Nam đã khởi động lại, bắt đầu từ du lịch nội địa. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, mở cửa đón khách. Một số địa phương được cho phép thực hiện thí điểm đón khách quốc tế trở lại theo chương trình “hộ chiếu vắc-xin”. Ngay sau đó, tháng 11/2021 du lịch nội địa đã có 2,5 triệu lượt khách, tăng gấp hơn ba lần tháng 10 (trong đó 700 nghìn lượt khách có lưu trú qua đêm) nhờ việc các địa phương từng bước mở cửa lại du lịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Hết tháng 11/2021, lần đầu sau gần 19 tháng, ngành du lịch mới có con số thống kê về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong nửa cuối tháng 11/2021, có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” tại Quảng Nam, Khánh Hòa và Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại này là bước khởi động quan trọng, đánh dấu bước tiến trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, hướng tới từng bước mở cửa và phát triển kinh tế; đồng thời cũng khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây là những tín hiệu tích cực của việc phục hồi kinh tế du lịch.
Nỗ lực tìm giải pháp phục hồi du lịch
Trong vòng ba tháng gần đây (từ tháng 10 đến cuối năm 2021), đã có nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn được Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các Hiệp hội địa phương phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức, nhằm tìm ra các giải pháp khôi phục du lịch. Các bộ, ngành liên quan cũng tích cực bàn để thống nhất các giải pháp hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp du lịch, tham mưu trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất. Dù khó khăn đến đâu, để tồn tại, phục hồi, ngành du lịch buộc phải nỗ lực, thích ứng. Cùng với chiến lược thiết lập điểm đến an toàn, kích cầu du lịch bài bản, chính sách ưu đãi hấp dẫn, các tua du lịch khép kín và nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc…, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch địa phương đều thống nhất rằng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp diễn biến dịch, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Để phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ đã khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt. Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm... cho doanh nghiệp du lịch và thí điểm đón khách quốc tế ở một số thị trường, chúng ta đang xúc tiến việc liên kết với các nước trong khu vực để hình thành hành lang “du lịch bong bóng” trong khu vực ASEAN để tạo nguồn khách quốc tế phong phú và an toàn. Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với những địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022. Theo đó, khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ). Việc mở lại đường bay phải trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt những người làm du lịch. Ngành du lịch đã bước vào một giai đoạn mới. Các quy định mới mà du khách phải thực hiện trước và trong khi tham gia du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vắc-xin,...) cùng những phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Du khách thích đi theo nhóm nhỏ, theo gia đình, tua khép kín... Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm ẩm thực... được chú ý hơn. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh du lịch... cũng đang thay đổi theo hướng bảo đảm an toàn và ứng dụng công nghệ.
Điều cốt yếu vẫn là các doanh nghiệp du lịch phải chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác, sẵn sàng mọi nguồn lực để tái hoạt động. Tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp du lịch lớn đều đã chủ động chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, nhất là ở các lĩnh vực: dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến điểm đến; chủ động xây dựng sản phẩm mới, bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn; sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng, thuận lợi cho xử lý, điều chỉnh linh hoạt... Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động du lịch, các tập đoàn lớn như Sun Group, Vin Group vẫn liên tiếp cho ra đời và nâng cấp các sản phẩm du lịch mới, góp phần tạo lực hút đáng kể để phục hồi du lịch. Việc liên kết giữa các điểm đến được phát huy hiệu quả; liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn... để xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn đã được chú trọng.
Số lượng người dân, du khách có nhu cầu đi du lịch là rất lớn nhưng tâm lý vẫn còn e ngại, vì thế truyền thông để du khách yên tâm đi du lịch cũng rất được quan tâm. Tổng cục Du lịch đang triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch… bằng hai chiến dịch truyền thông: “Live fully in Vietnam”-Sống trọn vẹn tại Việt Nam (cho du khách quốc tế) và “Việt Nam: Đi để yêu!” (cho du khách nội địa). Cả hai chiến dịch đều đang có những cách làm mới, sáng tạo.
Nhiều địa phương cũng đã quyết tâm xây dựng kế hoạch và kịch bản du lịch năm 2022 theo hướng mục tiêu triển khai quyết liệt nhưng linh hoạt thích ứng, bảo đảm an toàn, với các chỉ tiêu cao được mạnh dạn đặt ra. Mới đây nhất, ngày 10/12, Đà Nẵng đã đón 500 khách du lịch MICE đến tham dự Hội nghị Ngoại khoa và phẫu thuật nội soi Việt Nam, mở đầu cho việc khách hàng tự tin hơn khi chọn Đà Nẵng là điểm đến trong mùa lễ hội đầu năm 2022. Ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh dự kiến năm 2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, chỉ tiêu đón khách quốc tế phấn đấu đạt khoảng 3,5 triệu lượt; và khách du lịch nội địa theo hai kịch bản, trong đó, kịch bản tốt là đón 25 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch đạt 97,7 nghìn tỷ đồng...
Những khó khăn đối với ngành du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, nhưng tất cả những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp du lịch trong việc tích cực tìm kiếm những giải pháp vượt qua khó khăn, cho chúng ta một niềm tin rằng du lịch Việt Nam sẽ từng bước phục hồi bền vững.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()