Nền tảng này gồm bốn hệ thống: ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn), hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, trung tâm đáp ứng (MCC).
Người dân có thể sử dụng những nền tảng này để tham gia tiêm chủng một cách chủ động. Việc đăng ký tiêm, tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên smartphone, hoặc website cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Viettel - đơn vị xây dựng nền tảng này - cho biết, cơ sở dữ liệu của nền tảng sẽ được quản lý tập trung. Thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý sẽ được đồng bộ và minh bạch.
Thời gian qua, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã được triển khai thí điểm tại TP HCM. Hà Nội cũng đề nghị người dân đăng ký tiêm vaccine Covid-19 qua ứng dụng này. Những người không sử dụng smartphone sẽ đăng ký biểu mẫu trên giấy, sau đó địa phương hỗ trợ nhập nội dung vào ứng dụng.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử có mã số sức khỏe - một QR Code dùng để quét khi đến các cơ sở y tế. Việc này giúp giảm quy trình và thời gian khai báo theo hình thức thủ công trước đây. Thông tin của người dùng sẽ được đồng bộ trên hệ thống của Bộ Y tế, tránh việc nhập liệu sai và giúp quản lý công tác tiêm chủng chặt chẽ hơn. Sau khi tiêm, hệ thống sẽ cập nhật chứng nhận tiêm chủng dưới dạng QR Code trên ứng dụng để dùng trong trường hợp cần thiết.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quốc gia sẽ diễn ra trên 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng. Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vaccine cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số.
Ý kiến ()