Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:29 (GMT +7)
Tiên Yên: Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Thứ 6, 20/05/2022 | 14:02:43 [GMT +7] A A
Đối với người dân vùng nông thôn, miền núi, du lịch không chỉ tác động đến kinh tế, mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến truyền thống, văn hoá, cũng như sinh kế của họ. Chính vì thế, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, với việc tận dụng tối đa những thế mạnh vốn có chính là cơ hội trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc địa phương.
Tiên Yên là vùng đất nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng với vị trí ngã ba sông, nơi đây có nhiều lợi thế về văn hóa bản địa và những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hầu như chưa được khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp.
Đó là hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển ở các xã Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Tiên Lãng. Nơi đây nổi tiếng với bãi cát Mũi Lòng Vàng (xã Đồng Rui) cách bờ chừng 4km có diện tích hơn 20ha còn giữ được nét hoang sơ, thiên tạo vốn có. Thác Pạc Sủi với 16 tầng thác nước giữa chốn núi rừng hoang sơ - địa danh được ví là “Nơi bình minh thức giấc” với câu chuyện Huyền thoại Vua Gà, cũng là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi đến Tiên Yên.
Ngoài ra, Tiên Yên còn rất nhiều thắng cảnh mà nhiều người chưa biết đến như: Hang Rồng (xã Hà Lâu), thác Khe San, núi Vua (xã Phong Dụ), thác Nậm Văm, đồi Tình, hồ Tuyệt tình Cốc (xã Đại Dực), hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ), hồ Khe Cát (xã Hải Lạng)... với cảnh quan đẹp và không khí trong lành, mát mẻ, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Đây còn là nơi hội tụ nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ, Sán Dìu. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, Tiên Yên như cái nôi của người Việt cổ sinh sống. Du lịch tâm linh, lễ hội cũng nhờ đó trở thành một nét độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc ở Tiên Yên.
Với những tiềm năng sẵn có, Tiên Yên rõ ràng có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm leo núi... Đây cũng chính là cơ sở để phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù có tính liên vùng và cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất đối với địa phương chính là cơ sở hạ tầng giao thông. Mặc dù hiện tại đã được bê tông hóa tương đối nhiều, tuy nhiên đường giao thông đến một số thắng cảnh du lịch tự nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, như hang Rồng, thác Cá nhảy (xã Hà Lâu), thác Khe San, núi Vua (xã Phong Dụ)... Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển KT-XH nói chung còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chưa rõ nét.
Để vừa phát triển du lịch cộng đồng, vừa gắn với bảo tồn văn hóa, Tiên Yên đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ GPMB và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch để huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Trung tâm TT-VH, Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Yên Tạ Vĩnh Thắng cho biết: Huyện đã và đang xây dựng các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, trong đó có Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Đó chính là cơ sở để xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm du lịch sinh thái trang trại, dẫn đầu với thương hiệu “Gà Tiên Yên” và là trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn lớn của miền Bắc; đồng thời, là điểm đến của du lịch văn hoá cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc vùng núi Đông Bắc.
Khánh Nam
Liên kết website
Ý kiến ()