Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:57 (GMT +7)
Gạo vàng biến đổi gen ở Philippines có gì đặc biệt, tính an toàn ra sao?
Thứ 5, 30/09/2021 | 10:04:00 [GMT +7] A A
Loại thực phẩm này vẫn gây ra nhiều tranh cãi khi đang có những lo ngại trên toàn cầu về tính an toàn của các nông sản biến đổi gen.
Trải qua hàng ngàn năm tiến hóa, con người đã quá quen với hạt gạo - một sản phẩm lương thực thu từ cây lúa thường có màu trắng, nâu hoặc đỏ thẫm.
Tuy nhiên mới đây, Philippines vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sản xuất thương mại giống lúa Golden Rice, hay còn gọi là "gạo vàng" nhờ vào màu sắc đặc trưng của nó.
Tại sao hạt gạo có màu vàng?
Gạo vàng là một loại gạo hạt ngắn được biến đổi gen (GMO) để có thêm một số dưỡng chất, được phát triển lần đầu tiên vào năm 1999, tại Thụy Sỹ.
Sở dĩ hạt gạo có màu vàng là bởi có chứa beta-carotene. Sắc tố này có màu đỏ cam và được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, nổi tiếng nhất là cà rốt.
Gạo vàng có tác dụng gì?
Mục đích của loại gạo này là giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin A - vốn là một vấn đề nghiêm trọng ở một số nơi trên thế giới.
Theo số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới công bố, tình trạng thiếu hụt vitamin A diễn ra ở khoảng 1 phần 3 tổng số trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo.
Bằng cách tiêu thụ những hạt gạo này, cơ thể con người sẽ tự chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A.
Đây là một chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ thống miễn dịch, thị lực và tiêu hóa.
Gạo vàng có an toàn không?
Những người ủng hộ nói rằng gạo vàng là một sáng tạo có khả năng "cứu sống nhân loại", khi nó có thể cung cấp khoảng 50% lượng vitamin A được khuyến nghị hàng ngày trong một chén gạo.
Người ủng hộ về nghiên cứu này bao gồm cả tỷ phú Bill Gates, với bằng chứng là Quỹ Bill và Melinda Gates do ông và vợ cũ sáng lập đã công khai tài trợ hàng triệu USD cho những nghiên cứu về GMO.
Dẫu vậy, loại thực phẩm này vẫn gây ra nhiều tranh cãi khi đang có những lo ngại trên toàn cầu về tính an toàn của các nông sản biến đổi gen. Chính bởi vậy nên mãi tới nay, gạo vàng vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào ngoài Philippines cấp phép để sản xuất thương mại.
Theo New Scientist, nhiều nông dân tại tỉnh Camarines Sur (Philippines) từng mạnh mẽ chỉ trích chiến dịch trồng thử nghiệm giống gạo mới này từ năm 2013.
Theo họ, gạo vàng có thể gây ra những tác động tiêu cực với đất đai và sinh kế, nếu như người dân bị buộc phải bỏ những phương pháp canh tác truyền thống.
Tổ chức Greenpeace cũng từng lên tiếng cho rằng sự phát triển của cây trồng GMO chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn, chứ không phải nông dân hay người tiêu dùng.
Trong khi đó, Cathy Estavillo, một tổ chức quốc gia của các lao động nông nghiệp cũng cho rằng chuyện giải quyết tình trạng thiếu vitamin A chỉ là màn che mà các tập đoàn tạo ra để họ có thể kiếm tiền từ giống mới.
Ngoài ra, cũng không có gì đảm bảo rằng gạo vàng có thể được trồng hiệu quả và năng suất cao như gạo trắng truyền thống.
Dẫu vậy tại thời điểm hiện tại, gạo vàng đã "vượt qua giai đoạn quản lý", theo tờ Philippine Star, có nghĩa là nó đã được công bố là an toàn như bất kỳ loại gạo nào khác và đã sẵn sàng để trồng tại quốc gia này.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()