Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:08 (GMT +7)
Gia tăng đà sụt giảm xuất khẩu thủy sản
Thứ 5, 20/04/2023 | 23:55:03 [GMT +7] A A
Sau một năm thăng hoa khi kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 11 tỷ USD, ngành thủy sản đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi hầu hết thị trường đều gặp khó. DN rơi vào vòng xoáy tiến thoái lưỡng nan vì đối tác vừa giảm mua, vừa ép giá; còn nông dân cũng rất cân nhắc thả tôm, cá vụ mới.
Gần 20 năm tham gia xuất khẩu, chưa khi nào Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, nếu như vào thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp (DN) ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu thì nay vẫn phải sản xuất cầm chừng, đơn hàng bị giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, DN phải “ăn đong” xuất từng container hàng. Chưa kể giá nguyên liệu đang tăng mạnh, khiến DN rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
“DN sản xuất nhiều mà đầu ra không có sẽ dẫn đến tồn kho lớn, chi phí lãi vay cao, rất rủi ro. Còn nếu ngưng sản xuất, cán bộ, công nhân nhà máy sẽ rời công ty đi tìm việc khác. Hiện tại, người dân không còn mặn mà trong thả nuôi mới vụ tôm và cá. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là có đợt thiếu nguyên liệu trầm trọng khi thị trường thuận lợi hơn”, ông Phục nói.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đánh giá, tình hình xuất khẩu tôm của DN đang khó khăn khi sức tiêu thụ không chỉ nhỏ giọt mà giá bán cũng rất thấp. “Hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, EU thông báo lượng tôm tồn kho còn khá nhiều nên hầu như DN không có đơn hàng mới. Nếu có, các đối tác cũng ép giá rất mạnh. Không ít đơn vị vì muốn duy trì sản xuất, đành phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí lỗ để quay đồng vốn, có tiền trả nợ ngân hàng”, ông Lực chia sẻ.
Đối với ngành cá tra, ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt cho biết, hoạt động sản xuất của các DN hầu như “đứng hình” sau khi các thị trường chủ lực lao dốc không phanh.
Theo ông Nghiệp, ngành hàng cá tra phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới. Năm ngoái, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga - Ukraine, thị trường cá tra của Việt Nam chứng kiến một năm bùng nổ, đạt mức kỷ lục chưa từng có khi các nước hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Nga. Tuy nhiên, giờ đây cũng từ ảnh hưởng của cuộc xung đột, tình hình lạm phát đã bào mòn túi tiền của người dân khiến sức mua trở nên èo uột. “Thị trường mà doanh nghiệp mong chờ nhất là Trung Quốc, song sau khi mở cửa trở lại, khách hàng cũng không còn đặt mua nhiều như trước kia nữa. DN chưa kịp kỳ vọng đã phải hụt hẫng, giờ vừa phải cắt giảm sản xuất, vừa ngóng đơn hàng”, ông Nghiệp nói.
Đề xuất hỗ trợ tín dụng, giãn nợ cho DN thủy sản
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu các nhóm mặt hàng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành là cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, sự sụt giảm của thủy sản đã được dự báo từ cuối năm ngoái, nhưng với mức giảm sâu như hiện nay dường như nằm ngoài dự tính của các DN. “Đến nay lượng đơn hàng của các DN giảm 20-50%, lượng tồn kho tăng mạnh. Các chi phí sản xuất như bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…đồng loạt tăng giá. Chưa kể, thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn”, ông Hòe nói.
“Hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, EU thông báo lượng tôm tồn kho còn khá nhiều nên hầu như DN không có đơn hàng mới. Nếu có mua, các đối tác cũng ép giá rất mạnh. Không ít đơn vị vì muốn duy trì sản xuất đành phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí lỗ để quay vòng vốn, có tiền trả nợ ngân hàng”.
|
Tổng thư ký VASEP dự báo, nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…và một số thị trường lớn tiếp tục khó khăn nên dự báo xuất khẩu trong quý tới chưa thể thoát khỏi sự ảm đạm. Đặc biệt, giá tôm và cá trên thị trường thế giới đang giảm đáng kể nên ngành thủy sản năm nay sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Theo ông Hòe, trước tình hình người dân ngại thả nuôi vụ mới, do chi phí tăng cao và e ngại thị trường tiếp tục xấu, VASEP vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Về dài hạn, Việt Nam cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, có khuyến khích nuôi biển để bổ sung nguồn cung.
Để hỗ trợ các DN vượt qua cơn bão kép, VASEP đề xuất Chính phủ có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho DN thủy sản vay để thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1 và quý 2/2023.
Bộ NN&PTNT dự báo, với tình hình hiện nay, trong quý 2, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, châu Âu... sẽ tiếp tục giảm mạnh do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022. Từ quý 3/2023 trở đi, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ giảm chậm lại.
Trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều ghi nhận đà giảm, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường mới như Trung Đông, châu Á, Isarel...có sự tăng trưởng. Do đó, các DN cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()