Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:12 (GMT +7)
Giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kỳ vọng
Thứ 7, 25/12/2021 | 15:25:06 [GMT +7] A A
Mặc dù đã có sự chủ động trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, thế nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng của tỉnh. Nhiều chủ đầu tư, địa phương khó có thể hoàn thành kế hoạch được giao trong năm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, làm lãng phí nguồn lực đã được bố trí.
Đến ngày 19/12, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 trên địa bàn tỉnh là trên 17.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 743 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 10.000 tỷ đồng; còn lại ngân sách huyện, xã). Nguồn vốn này được tỉnh và các địa phương ưu tiên phân bổ hài hòa, hợp lý cho các dự án, công trình động lực, trọng điểm, tạo ra nhiều động lực, dư địa phát triển của tỉnh cũng như ở các địa phương.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực của tỉnh, Quảng Ninh đặt quyết tâm ngay từ đầu năm, phải hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù tỉnh đã có những sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn trong từng dự án, thậm chí thành lập cả tổ công tác đặc biệt trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư, địa phương của tỉnh, thế nhưng đến ngày 19/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh mới đạt trên 13.400 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương đạt 71,7% kế hoạch; vốn ngân sách tỉnh đạt 78,8% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương đạt 78,2% kế hoạch.
Thời điểm từ nay đến 31/12/2021 không còn nhiều, tuy nhiên số vốn đầu tư công còn tồn đọng chưa giải ngân được là trên 3.700 tỷ đồng. Qua phân tích, đánh giá của các chủ đầu tư, sở, ngành liên quan sẽ có khoảng 949 tỷ đồng không thể giải ngân hết trong năm 2021, gồm: 700 tỷ đồng vốn thi công đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên; trên 197 tỷ đồng vốn đầu tư nhóm 6 dự án y tế và 52 tỷ đồng vốn GPMB dự án đường ven sông đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều. Như vậy, tổng số vốn cần phải giải ngân đến 31/12/2021 là trên 2.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn Trung ương và tỉnh phân bổ gần 1.400 tỷ đồng, phần vốn huyện phân bổ trên 1.380 tỷ đồng, đặt ra bài toán, từ ngày 19/12 đến 31/12, trung bình mỗi ngày các chủ đầu tư, địa phương phải giải ngân khoảng 232 tỷ đồng.
Tại một số cuộc họp liên quan đến vấn đề này gần đây, các chủ đầu tư, địa phương của tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và cam kết thực hiện việc giải ngân theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Đối với phần vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh phân bổ, các chủ đầu tư cam kết đến 31/12 sẽ thực hiện giải ngân đạt trên 95% kế hoạch. Riêng đối với phần vốn ngân sách huyện phân bổ chưa được giải ngân, tập trung chủ yếu ở các đơn vị: Cẩm Phả trên 360 tỷ đồng; Móng Cái trên 257 tỷ đồng; Hạ Long trên 255 tỷ đồng; Vân Đồn trên 142 tỷ đồng; Đông Triều trên 86 tỷ đồng; Uông Bí trên 82 tỷ đồng; Đầm Hà trên 51 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách huyện thấp, có thể khẳng định 3 địa phương Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn khó có thể hoàn thành công tác giải ngân vốn theo chỉ đạo của tỉnh. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cấp lãnh đạo các địa phương, mặc dù tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo tại các cuộc họp.
Nhằm rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, chuẩn bị tốt công tác đầu tư trong năm 2022, trong nhiều cuộc họp gần đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các chủ đầu tư.
Tại hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 (ngày 14/12/2021), đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu chậm nhất trong quý I/2022, các chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch, triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng. Trong đó, đặc biệt lưu ý, lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, kiên quyết không chấp thuận các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo năng lực, làm chậm tiến độ thi công dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án. Kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo nhân lực, máy móc, thiết bị như đã cam kết.
Cùng với đó, yêu cầu UBND các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, cơ chế, chính sách trong GPMB, huy động tối đa hệ thống chính trị để cùng vào cuộc vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác GPMB; tập trung xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa theo quy định. Đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư công đã được xác định cụ thể trong giai đoạn tới.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()