Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:24 (GMT +7)
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 6, 15/07/2022 | 11:01:06 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TP Cẩm Phả, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, Đại biểu Lê Cao Long chất vấn nội dung: Làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân chi đầu tư ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm mới đạt tỷ lệ 29%? Trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc đề xuất, bố trí vốn? Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm?
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Nguyên nhân khách quan của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng bởi rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, giá nguyên vật liệu tăng... Về nguyên nhân chủ quan, một số chủ đầu tư còn chủ quan, bị động trong công tác chẩn bị đầu tư, dẫn đến một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng; chậm tổ chức thẩm định tại hiện trường, chậm hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán đối với dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của đầu tư công, vì chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, đặc biệt dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, nên các chủ đầu tư thực hiện còn chậm.
Ngoài ra đối với các dự án chuyển tiếp, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, do đó trong những tháng đầu năm 2022 các nhà thầu đang triển khai thi công để hoàn thành khối lượng đã tạm ứng, chưa có nhiều khối lượng hoàn thành phát sinh, chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên một số dự án chưa thể giải ngân.
Các dự án lĩnh vực y tế gặp khó khăn trong công tác thẩm định giá, tiêu chuẩn định mức có sự thay đổi. Mặt khác, theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, cụ thể tại khoản 4, Điều 44 quy định: “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”, nên đến nay có 7/8 dự án y tế chuyển tiếp vẫn chưa được giải ngân với kế hoạch vốn 95 tỷ đồng.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, tuân thủ các quy định của pháp luật để triển khai một cách bài bản các bước chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương báo cáo tình hình giải ngân cũng như những khó khăn, vướng mắc vào thứ 6 hàng tuần để báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, Sở KH&ĐT cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư, địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đã giao để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các đơn vị không đề xuất điều chỉnh điều hòa vốn đều cam kết giải ngân theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()