Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:36 (GMT +7)
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Quảng Ninh xứng với tiềm năng lợi thế
Thứ 6, 09/09/2022 | 08:11:29 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri các huyện Hải Hà, Đầm Hà, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Đào Biên Thùy, Tổ đại biểu huyện Hải Hà - Đầm Hà chất vấn: Quảng Ninh có lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản với 250km đường bờ biển, hơn 5.500ha diện tích mặt biển có thể sử dụng để nuôi biển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Việc quản lý quy hoạch và giao mặt nước cho các tập thể, hộ gia đình,.. nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh còn chậm, gây lãng phí tài nguyên. Thực tế những năm gần đây, nhiều địa phương liên tiếp phải kêu gọi "giải cứu", hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ nhuyễn thể và cá biển các loại. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên và những giải pháp để khắc phục?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Sơn trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị 13-CT/TUngày 10/8/2021, giám sát của HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua kết quả công tác quản lý nhà nước về thủy sản đã được tăng cường, việc thực hiện các giải pháp phát triển ngành được triển khai quyết liệt, tới nay ngành thủy sản Quảng Ninh ngày càng phát triển theo hướng quy mô lớn hơn, mang lại giá trị cao hơn, giá trị của ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 52,5% trong khu vực I nông lâm nghiệp thủy sản. Nhận thức và hành động của doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản về bảo vệ môi trường, thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng thâm canh được nâng lên rõ rệt.
Quảng Ninh có tổng diện tích mặt nước biển có tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng gần 55.000ha, chiếm khoảng 9% tổng diện tích mặt biển (600.000ha). Có 32.900ha đất ven bờ, bãi triều có khả năng nuôi trồng thủy sản, đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, hiệu quả kinh tế thủy sản chưa cao như đánh giá của đại biểu, qua đánh giá xác định có một số nguyên nhân:
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Hiện nay, đã có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặn, lợ (Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Hải Hà, Hạ Long) với diện tích khoảng 11.700 ha. Các địa phương mới chỉ quy hoạch chi tiết được một phần mặt biển để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt biển đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương đã thực hiện việc giao, cho thuê mặt biển để nuôi trồng thủy sản như Hạ Long, Vân Đồn (mới có 400 cơ sở sử dụng mặt biển có quyết định giao, cho thuê mặt nước nước biển với khoảng 1.300ha.
Hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ.
Theo Điều 4 của Luật PPP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 lĩnh vực hạ tầng thủy sản không thuộc danh mục thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu (Chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách tín dụng, ưu đãi đầu tư) nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó đặc thù ngành thủy sản yêu cầu vốn đầu tư lớn khi nuôi trồng, chịu ảnh hưởng tác động rất lớn từ thời tiết, thiên tai và dịch bệnh, môi trường nuôi.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện các địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loài nuôi cụ thể; xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, không để tình trạng nhân dân tự phát trong nuôi trồng thủy, hải sản.
Ngành NN&PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi, trồng, quản lý thức ăn, thuốc thú y, vật tư, con giống ... Thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loài thủy, hải sản đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường.
Ngành NN&PTNT phối hợp với ngành Công Thương, UBND các địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm các thị trường trong nước, ngoài nước để người dân, doanh nghiệp nắm sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng các loại vật liệu, con giống, vật tư, thuốc thú y sử dụng trong sản xuất đảm bảo môi trường nuôi, chất lượng sản phẩm.
Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại từng khu vực được phép đánh bắt, từ đó xây dựng phương án đánh bắt, khai thác phù hợp đảm bảo khai thác thủy sản bền vững, khắc phục tình trạng khai thác thủy sản trái phép, bất hợp pháp theo khuyến cáo của EU. Dần từng bước hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản, tránh trú bão cho tàu cá. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm hình thành trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản quốc tế tại Móng Cái, Khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô.
Phối hợp với các ngành, các địa phương tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngư dân nuôi trồng đúng quy định, được cơ quan thẩm quyền cấp khu vực nuôi biển sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thay thế phao xốp và các loại vật liệu gây ô nhiễm môi trường nuôi. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, nuôi trồng không được cấp phép, vi phạm các tuyến luồng thủy nội địa.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()