Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:23 (GMT +7)
Giám sát kết quả Chương trình OCOP Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2022
Thứ 3, 02/08/2022 | 18:22:49 [GMT +7] A A
Từ ngày 19/7 đến 2/8, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh gồm các đơn vị: Hội Nông dân, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở KH&CN, Sở LĐ-TB&XH, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch đã thực hiện giám sát về kết quả Chương trình OCOP Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2022, tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Theo đó, Đoàn đã giám sát trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long và làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.
Theo báo cáo của các đơn vị, trong giai đoạn 2016-2022, Ban Chỉ đạo OCOP của tỉnh và các địa phương đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình, bước đầu có những kết quả tích cực. Trong đó, tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm của địa phương gắn với vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Nhiều sản phẩm trên địa bàn đã xây dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hỗ trợ Chương trình OCOP; tổ chức hướng dẫn thực hiện Bộ công cụ quản lý Chương trình OCOP phù hợp, sát với thực tiễn sản xuất; quan tâm đến quy chuẩn nhãn mác hàng hóa, thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chú trọng đổi mới, ứng dụng KH&CN trong sản xuất sản phẩm OCOP. Các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP cũng được tăng cường; việc nâng cấp các sản phẩm đã có và phát triển sản phẩm mới được chú trọng; công tác rà soát, đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP được duy trì thường xuyên.
Đặc biệt, thời gian này, chương trình OCOP của tỉnh cũng đã có bước phát triển nhanh chóng, chuyển đổi từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có liên kết. Nhiều tổ chức kinh tế như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất được hình thành tại khu vực nông thôn. Thu nhập của người dân ngày càng cải thiện. Tư duy, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh trong quản lý và sản xuất hàng hóa từng bước được nâng cao, qua đó, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND các địa phương, đại diện các doanh nghiệp, HTX, cơ sở có sản phẩm OCOP cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những vấn đề sát với thực tiễn để thúc đẩy, phát triển chương trình OCOP trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cũng đã được Đoàn giám sát trao đổi, gợi mở cho địa phương và cơ sở. Sau chương trình giám sát, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp kết quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở có sản phẩm OCOP để báo cáo, đề xuất với Tỉnh ủy và UBND tỉnh có hướng chỉ đạo thực hiện chương trình trong giai đoạn tới đạt hiệu quả thiết thực.
Quốc Tảo (Hội Nông dân tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()