Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:16 (GMT +7)
Gian nan chuyện giữ "cánh sóng" ở Mã Cháu
Chủ nhật, 04/12/2022 | 15:54:57 [GMT +7] A A
Mã Cháu, đảo nhỏ không nhiều người biết tới nhưng có vị trí quan trọng nằm trên tuyến đảo tiền tiêu ở Cô Tô. Không chỉ khó khăn về đi lại, với tuyến đảo xa xôi này, việc gìn giữ "cánh sóng", đảm bảo thông tin liên lạc cũng không hề đơn giản.
Đảo xa giữa muôn trùng sóng gió
Chúng tôi có nhiều dịp ra thăm các đảo xa thuộc tuyến đảo tiền tiêu ở Cô Tô, nhưng mới chỉ nghe tên đảo Mã Cháu mà chưa từng đặt chân tới. Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp đi theo chân đoàn của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viettel Quảng Ninh đi khảo sát, hoàn thiện các trạm phát sóng trên đảo tiền tiêu này.
Chúng tôi có mặt sớm ở cảng Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh), nằm sát đường bao biển TP Hạ Long. Đúng 7h30, chúng tôi có mặt trên cầu tàu, đón đoàn là trung tá Dương Minh Đại, chỉ huy tàu cao tốc Hải đội 2. Tàu nhổ neo thẳng hướng Bái Tử Long chạy ra Cô Tô rồi sang Mã Cháu.
Thuyền lướt băng băng trên mặt vịnh. Sớm Hạ Long vào thu mát mẻ, cảnh vịnh êm đềm tuyệt đẹp. Nắng ấm, gió nhẹ, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy thật hứng thú xen lẫn tò mò khi biết điểm đến. Ngồi kề chúng tôi, trung tá Nguyễn Sỹ Chúc, Giám đốc Viettel Quảng Ninh, có thâm niên trong nghề, từng đi nhiều vùng biên giới, hải đảo xa xôi nhưng đây cũng là lần đầu anh đi Mã Cháu. Cũng theo các chiến sĩ biên phòng chia sẻ, thì ngay cả trong lực lượng biên phòng cũng không nhiều người biết tới và được đặt chân tới trạm biên phòng xa xôi, cách trở này.
Sau chừng 1 tiếng hành trình, chúng tôi đã đi qua 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. “Chuyến đi sẽ không dễ dàng, bởi mùa này biển hay động, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố sóng gió, bão” - trung tá Đại vừa điều khiển tàu, đọc các thông số thời tiết, cảnh báo.
Lúc này chúng tôi đã vượt qua khu vực Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cơ bản ra khỏi vùng vịnh Bái Tử Long. Quả đúng như lời thượng tá Đại cảnh báo, trời trở gió, những cơn sóng to bắt đầu nổi lên, chiếc tàu có 2 máy hơn 700 mã lực mà theo lời trung tá Đại là rất khỏe, gằn lên nhiều đoạn, vượt sóng lắc lư. Trung tá Đại dặn mọi người ngồi vững, tìm điểm tựa, bảo: Vào thời điểm gió Nam, sóng còn to hơn, như này chưa ăn thua. Tới Mã Cháu còn vất vả hơn nhiều.
Đứng ở trong boong, các thành viên trong đoàn đều đã phải víu cột làm điểm tựa. Chiếc tàu lắc lư, nhồi lắc gập ghềnh dập lên dập xuống theo từng cơn sóng. Lúc này, đa phần chúng tôi đã không thể ngồi yên, tất cả đều đứng lên bám chặt vào thành tàu làm điểm tựa. Đứng sát cửa sau của khoang, nhiều người đã bị nước té ướt.
Cứ thế sau chừng 2h, chúng tôi ra tới đảo Cô Tô rồi sang Mã Cháu. Tất cả đều mệt nhừ, nhiều người trong đoàn còn bị say sóng. "Ở tuyến đảo Cô Tô đi lại đã khó, các đảo biệt lập xa xôi như Mã Cháu lại càng khó, việc đi lại mùa bão gió càng khó gấp bội. Không chỉ khó khăn đi lại, trước vùng này còn là "vùng trắng" sóng, việc liên lạc càng khó khăn hơn" - trung tá Phạm Hồng Thái, Phó Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng Quảng Ninh) từng công tác ở trạm, đồn biên phòng các đảo chia sẻ.
Gian nan nối dài cánh sóng, kéo đảo gần bờ
Sau chuyến đi dài tới Mã Cháu, tàu ghé cầu cảng đưa mọi người lên đảo. Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa, nằm giữa 2 đảo lớn nhất của huyện đảo Trần và Cô Tô. Trạm cách đảo Trần khoảng 12km, đảo Thanh Lân 15km, kiểm soát tuyến đường biển vào các đảo ven bờ, cửa sông, luồng lạch, bãi biển của huyện Đầm Hà và Tiên Yên.
Để bảo vệ biển đảo, giữa năm 1978, cấp trên chỉ đạo Đồn biên phòng Cô Tô thành lập Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa để kiểm soát, phòng thủ chặt tuyến biển. Đây là đảo biệt lập, không dân sinh sống, chỉ có cây bụi. Về sau những năm 1980 mới thành lập trạm, xây nhà cấp 4 trên đảo.
Do cách biệt, lại không có tuyến tàu bè, không chỉ khó khăn về sinh hoạt, nơi đây còn là "vùng trắng" về thông tin liên lạc. Việc giữ thông tin liên lạc với Đồn và ngư dân đánh bắt quanh đảo rất khó khăn. Cần kíp thông báo cho bà con ngư dân, cán bộ đành phải bắc… loa tay hoặc nhờ các tàu cá truyền tin. Vì thế thông tin chậm, có khi vài ngày, thậm chí cả tuần mới tới.
Trước Trạm được cấp một máy nổ nhỏ, mỗi ngày chỉ chạy 1 tiếng buổi tối, cấp điện chạy máy thông tin liên lạc với đồn... Để gọi điện thoại, cán bộ ở đây có "mẹo", mang treo điện thoại lên cao ở đầu tòa nhà trạm để…"hứng" sóng từ đảo Trần lạc sang. Thế nhưng cũng chỉ có 1 vài điểm "hứng" được sóng và tín hiệu cũng rất phập phù.
Thế nhưng nay đã khác. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo có thể dễ dàng liên lạc, báo cáo về đồn, thông tin rộng rãi cho bà con ngư dân cận kề đảo, đang đánh bắt ngoài khơi hoặc gọi về nhà đều dễ dàng. Đó là nhờ mạch thông tin liên lạc đã được thông suốt.
Dẫn chúng tôi lên thăm trạm phát sóng mới được hoàn thiện, anh Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô - Chi nhánh Công trình Viettel Quảng Ninh, chia sẻ: Sau khoảng 1 tháng thi công, chúng tôi đã hoàn thiện và đưa trạm phát sóng trên đảo Mã Cháu vào hoạt động. Không những giúp thông tin liên lạc của trạm biên phòng trên đảo tiền tiêu Mã Cháu thông suốt còn phủ sóng rộng khoảng 10km cho bà con ngư dân trên biển.
Để có mạng lưới thông tin rộng khắp, những người đi tiên phong thi công công trình ở đảo xa xôi là những người vất vả nhất. "Nhận bàn giao từ đầu tháng 9/2022 nhưng việc thi công trạm này quả thật không hề đơn giản. Trước tiên, đây là khu vực biển đảo xa xôi, ít có tuyến tàu bè. Và tất cả nguyên vật liệu, nhân công đều phải vận chuyển từ bờ ra, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Quá trình thi công đối với các cán bộ, công nhân xây dựng vì thế khó gấp bội" - anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Phòng Xây dựng, Chi nhánh Công ty Công trình Viettel Quảng Ninh, trực tiếp thi công công trình kể lại.
Anh bảo thêm: Tôi đã từng đi phủ sóng vùng lõm nhiều nơi, ở vùng sâu xa, biên giới, hải đảo xa xôi nhưng lần đầu tiên tôi tới và thi công ở một đảo xa, biệt lập, khó khăn về đi lại như vậy. Chưa kể trong suốt quá trình thi công, không ít lần lều trại của công nhân, cán bộ thi công bị gió bão đánh bạt, thổi bay, chúng tôi phải vào ở nhờ trạm biên phòng. Nhiều lúc tưởng chừng thời tiết gió bão sẽ khiến công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ".
Và chúng tôi cũng được biết, có những câu chuyện dở khóc dở cười, đáng nhớ mà người có nhiều kinh nghiệm như anh Hùng gặp phải. Đó là trong quá trình chuẩn bị thi công cho trạm, thiếu dây điện 3 pha để đấu điện vận hành trạm, Hùng phải nhờ tàu cá về bờ lấy. Tuy nhiên phải chờ 3-4 hôm tàu cá mới chạy, bởi ở đây sóng gió to thường xuyên, không phải tàu nào cũng sẵn sàng về bờ khi cần.
Theo nhẩm tính của chúng tôi, để đưa trạm vào hoạt động ổn định, phát sóng 24/24h đảm bảo cho khu vực đảo Mã Cháu và khu vực xung quanh, chi phí vận hành cũng trên 50 triệu đồng/tháng, cao hơn so với nhiều trạm khác. Thế nhưng, việc quan trọng nhất chính là đảm bảo thông tin liên lạc, góp phần đảm bảo quốc phòng, anh ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đi biển.
Chia sẻ về mục tiêu đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, trung tá Nguyễn Sỹ Chúc, Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, đơn vị sẽ nỗ lực đảm bảo hoạt động thông suốt của trạm, góp phần vào con số 50 vị trí trạm phát sóng được đơn vị đặt ở vùng biên, đồn biên phòng, trạm biển đảo. Dù gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, xây dựng, vận hành, nhưng đơn vị sẽ quyết tâm cao nhất, vận hành tốt nhất, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho ngư dân, cán bộ biên phòng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực đảo tiền tiêu của tổ quốc.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()