Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:51 (GMT +7)
Giáo dục hòa nhập trong nhà trường
Thứ 6, 18/11/2022 | 11:25:16 [GMT +7] A A
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ, giúp các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Để hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập, hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn miễn giảm một số môn học, hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học. Các em được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của trường, lớp.
Tại Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên), lớp học dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật đôi khi có sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Trường Tiểu học Đông Mai, cho biết: “Lớp hiện chỉ có 6 học sinh, em thì khuyết tật vận động, em thì khuyết tật trí tuệ... Được sự động viên của giáo viên, các bậc phụ huynh thường xuyên đến lớp để hỗ trợ con cải thiện các kỹ năng về vận động, tư duy. Hầu hết các phụ huynh rất ủng hộ, phấn khởi. Các em tiến bộ rõ rệt qua từng giai đoạn, từng thời kỳ”.
Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là một trong những mục tiêu của ngành GD&ĐT tỉnh những năm gần đây. Những lớp học vừa có trẻ bình thường vừa có trẻ khuyết tật là hình ảnh dễ thấy tại nhiều trường học trong tỉnh. Đây là cách gần nhất, dễ nhất để các trẻ khuyết tật sớm hòa nhập, đồng thời cũng là cách để giáo dục ý thức sẻ chia, đồng cảm cho học sinh các nhà trường. Giảng dạy ở những lớp học này, giáo viên bên cạnh trình độ chuyên môn cần có tình thương và các biện pháp tâm lý để tạo hiệu quả cao trong lớp học.
Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện có 3 lớp học dành cho trẻ khuyết tật về nghe nói, mỗi lớp học 15 học sinh, các em được gửi vào đây để học chương trình chuyên biệt. Từ chỗ không biết diễn đạt suy nghĩ, qua một thời gian ngắn học tập, hầu hết các em đã khiến cho người khác hiểu được suy nghĩ của mình.
Không chỉ giúp các học sinh khuyết tật học ngôn ngữ ký hiệu, các giáo viên Cơ sở còn hướng dẫn các em tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, là những bức tranh giấy, tranh thêu ghép hình Vịnh Hạ Long, các loài hoa, phong cảnh, móc chìa khóa ngộ nghĩnh, đáng yêu. Rất nhiều em "tốt nghiệp" đã có được việc làm ổn định nhờ có nghề may, thêu, làm sản phẩm mỹ nghệ, thủ công… Ước mơ của các học sinh khuyết tật gửi gắm vào những bức tranh cũng là ước mơ của thầy cô giáo mong muốn những học trò của mình được sống, được vui, hòa nhập cộng đồng...
Toàn tỉnh hiện có 260 cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập. Trong đó có 38 trường mầm non; 184 trường tiểu học; 37 trường THCS, THPT; 1 trung tâm GDTX; 908 lớp thực hiện giáo dục hòa nhập, với 1.281 học sinh, gần 4.000 cán bộ, giáo viên. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với những giải pháp thiết thực, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp trẻ khuyết tật, tự kỷ vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()