Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:54 (GMT +7)
Mang niềm hy vọng cho bệnh nhân tâm thần...
Chủ nhật, 26/02/2023 | 12:54:23 [GMT +7] A A
Việc chăm sóc bệnh nhân bình thường vốn đã vô cùng vất vả, nhưng đối với các y bác sĩ ở Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần (SKTT) Quảng Ninh, nhiệm vụ của họ còn khó khăn, áp lực gấp bội phần. Hơn cả trách nhiệm của một nhân viên y tế, các y bác sĩ nơi đây còn trở thành người bạn, người thân với nỗ lực gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt, giúp họ vượt lên nghịch cảnh.
Những gian truân thầm lặng
Theo lời hẹn, chúng tôi đến thăm Bệnh viện Bảo vệ SKTT Quảng Ninh vào một ngày giữa tháng 2. Sau khi vừa kết thúc giờ họp giao ban hằng ngày, chúng tôi cùng Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo các khoa, phòng đến Khoa Cấp tính hỏi thăm tình hình sức khỏe của điều dưỡng Vũ Tiến Dương. Mới đây, anh Dương đã bị bệnh nhân mới nhập viện tấn công trong cơn kích động. Rất may, với sự chủ động, kỹ năng xử lý tình huống kịp thời, anh Dương đã cùng các y bác sĩ khống chế được bệnh nhân và không gặp vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe.
Hơn 3 năm vào nghề, đây cũng là lần thứ hai anh Dương bị bệnh nhân tấn công. Bị bệnh nhân đe dọa, tấn công hay lâm vào những hoàn cảnh dở khóc, dở cười không còn xa lạ với các y bác sĩ, hộ lý tại đây. Công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần vốn là vậy, không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi tâm lý của bệnh nhân không ổn định, dễ bị kích động, sẵn sàng tấn công lại bác sĩ nếu không làm chủ được hành vi của mình.
Điều dưỡng Vũ Tiến Dương chia sẻ: Ngay từ khi quyết định lựa chọn công việc này, tôi cũng như các y bác sĩ ở đây đã xác định phải đối mặt với những khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân. Thế nhưng, càng gắn bó, chúng tôi càng cố gắng và tâm huyết hơn với nghề. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài hỗ trợ về y tế, thì họ cũng luôn cần sự thấu hiểu, thông cảm nên ngoài việc điều trị, chúng tôi còn là người bạn, thường xuyên có sự trò chuyện, động viên nên mọi người rất gần gũi, quý mến, coi mình như người thân.
Gần 30 năm gắn bó với Bệnh viện Bảo vệ SKTT Quảng Ninh từ những ngày còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đến nay khi bệnh viện đã được đầu tư xây sửa mới, hiện đại, khang trang cũng là từng ấy thời gian bác sĩ CKI Nguyễn Văn Lũy, Trưởng Khoa Cấp tính miệt mài, không quản sớm hôm chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Khoa Cấp tính hiện điều trị cho gần 100 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh đều là nam giới, trong khi lực lượng y bác sĩ, hộ lý chỉ có 16 người. Đặc thù bệnh nhân ở đây 100% là do điều dưỡng chăm sóc, không có sự hỗ trợ của người nhà, nên áp lực công việc đối với nhân viên y tế là không nhỏ. Bệnh nhân trong khoa cao tuổi nhất gần 70, trẻ nhất là 18 tuổi, trong đó có nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường… Vì vậy, ngoài việc điều trị sức khỏe tâm thần, các y bác sĩ còn phải đặc biệt chú ý chăm sóc, theo dõi bệnh lý của bệnh nhân, cho uống thuốc theo hướng dẫn của bệnh viện chuyên khoa đã khám và cung cấp.
“Cái khó của bệnh nhân tâm thần chính là nhiều khi họ không ý thức được là mình có bệnh, bởi ngoài những lúc kích động do hoang tưởng, ảo giác thì họ vẫn có khả năng nhận thức bình thường. Cùng với định kiến xã hội về bệnh tâm thần khiến họ mặc cảm và không muốn đến bệnh viện điều trị. Vì vậy, các y bác sĩ luôn phải tạo không khí chuyện trò cởi mở, thân mật, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị, vừa là cách giúp bệnh nhân khuây khỏa, hợp tác điều trị và nối lại dần những mối dây đã đứt với xã hội” – bác sĩ Nguyễn Văn Lũy chia sẻ thêm.
Theo chân điều dưỡng Phạm Thị Hoa Hồng đi thăm Khoa Bán Cấp tính nữ, nhìn cách chị chăm sóc, dỗ dành bệnh nhân mới thấy hết được tâm huyết của những y bác sĩ nơi đây. Nghiêm khắc có, khuyên nhủ, vỗ về có, nhưng hơn hết là sự nhẫn nại, yêu thương dành cho những bệnh nhân đặc biệt gửi gắm trong mỗi hành động ân cần từ nhắc nhở giờ uống thuốc, ăn cơm, chải tóc…
Chị Hồng chia sẻ: Ở nhà chăm con mọn như thế nào thì ở đây công việc của chúng tôi cũng tương tự như vậy. Bắt đầu vào 6 giờ sáng, các điều dưỡng trực ở khoa sẽ đôn đốc bệnh nhân dậy để vệ sinh cá nhân, tập thể dục. 7 giờ thì bệnh nhân ăn sáng và 8 giờ thì chúng tôi giúp bệnh nhân một số việc như cắt tóc, bấm móng tay, móng chân... Bệnh nhân nào ổn định thì hướng dẫn họ giặt quần áo, trồng rau, nhổ cỏ… như một liệu pháp trị liệu. 10h là khoảng thời gian bệnh nhân uống thuốc, sau đó nghỉ ngơi và ăn trưa. Ngày nào chúng tôi cũng tất bật trong vòng quay công việc như thế. Đa phần các bệnh nhân sau thời gian điều trị cũng ổn định, có thể tự phục vụ được bản thân, nhưng cũng có một số bệnh nhân nặng, mọi hoạt động từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt, vệ sinh đều do điều dưỡng chăm sóc.
Vất vả là thế, gian truân không ít nhưng trong mỗi câu chuyện của các y bác sĩ nơi đây vẫn lấp lánh những niềm vui, niềm tin về sự phục hồi của bệnh nhân. Đó là niềm vui nho nhỏ khi bệnh nhân để dành chiếc bánh, cái kẹo cho y bác sĩ mà họ yêu quý. Hạnh phúc lớn lao hơn cả, là khi bệnh nhân phục hồi có thể trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng hay đơn giản hơn là tự giác phối hợp điều trị, có thể tự lập hơn trong sinh hoạt, biết chia sẻ, đùm bọc nhau. Đó chính là động lực, nguồn cổ vũ mạnh mẽ để các y bác sĩ cố gắng, vững tâm hơn trên con đường đã chọn.
Mái nhà ấm áp cho bệnh nhân tâm thần
Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người về bệnh viện tâm thần, là nơi được bao quanh bởi những bức tường cao, khung sắt, với những tiếng la hét, khóc cười lẫn lộn của bệnh nhân, song khi vừa đặt chân đến với Bệnh viện Bảo vệ SKTT Quảng Ninh, mọi người sẽ đều cảm nhận được một không gian thoáng đãng, khang trang, yên tĩnh, sạch sẽ - một nơi để những bệnh nhân tâm thần có thể tìm thấy sự thoải mái và yên tâm điều trị.
Thời gian qua, Bệnh viện Bảo vệ SKTT Quảng Ninh đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo mở rộng một cách đồng bộ, hiện đại với quy mô 300 giường bệnh. Trong đó, xây dựng mới khu nhà khám bệnh 5 tầng, khu nhà điều trị 3 tầng, khu nhà dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn 2 tầng; cải tạo, nâng cấp một số khu nhà điều trị nội trú cho bệnh nhân. Đồng thời, đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và điều trị các rối loạn tâm thần như các máy điện não đồ, máy đo đa ký giấc ngủ,...
Tính riêng năm 2022, Bệnh viện Bảo vệ SKTT đã khám cho 27.684 lượt người bệnh (đạt 125,84% kế hoạch năm), trong đó có 6.396 lượt nội trú (đạt 109,33%). Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị nội trú cho 300 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh. Tại cộng đồng, đơn vị đang quản lý hơn 3.500 bệnh nhân, số bệnh nhân ổn định đạt trên 93%.
Tại Bệnh viện, ngoài điều trị thuốc, các bác sĩ cũng áp dụng, kết hợp các liệu pháp trị liệu giúp người bệnh rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, thích ứng với xã hội như tập thể dục, trồng rau, nghe nhạc, xem chương trình truyền hình bổ ích… Cùng với đó, tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ - thể thao các dịp lễ, tết. Qua đó, tạo môi trường sống, sinh hoạt lành mạnh, gần gũi giúp người bệnh hòa đồng và không cảm thấy lạc lõng, áp lực khi điều trị tại đây.
Bệnh nhân Nguyễn Đức Cừ (62 tuổi, TX Đông Triều) chia sẻ: Tôi đã điều trị tại đây hơn 30 năm. Bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của tôi. Từ việc thăm khám, điều trị đến ăn, ở, sinh hoạt đều được các y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Tết vừa rồi, nhiều bệnh nhân không về nhà cũng được bệnh viện tổ chức đón Tết rất đầm ấm, vui tươi. Chúng tôi cũng cố gắng điều trị tốt để có thể giảm bớt phần nào vất vả cho các y bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ SKTT Quảng Ninh, cho biết: Ngoài các bệnh nhân nội trú đang điều trị theo chế độ bảo hiểm, có người nhà hỗ trợ, hiện nay, Bệnh viện có 48 bệnh nhân vô thừa nhận. Mặc dù nhà nước cũng có kinh phí hỗ trợ chăm sóc đối tượng không có gia đình nhưng cũng không nhiều, vì vậy, Bệnh viện cũng kêu gọi lòng hảo tâm của những cá nhân, tổ chức để có thêm kinh phí hoặc hiện vật giúp bệnh nhân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Để không ngừng nâng cao công tác khám, chữa bệnh, bệnh viện cũng có cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về công tác bởi thực tế hiện nay, bác sĩ vẫn đang thiếu. Bên cạnh đó, nâng phụ cấp cho nhân viên y tế, đảm bảo điều kiện tốt nhất để người lao động gắn bó với bệnh viện”.
Công việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần không chỉ bằng những đơn thuốc, mà còn bằng cả sự thấu hiểu, tấm lòng yêu thương người bệnh. Tình yêu nghề và trái tim ấm áp tình thương đối với bệnh nhân chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là điểm tựa giúp những thiên thần áo trắng luôn cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong chính công việc lắm nỗi nhọc nhằn của mình.
Nguyễn Dung
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh thăm, tặng quà Tết Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh
- Trao tặng quà Tết cho bệnh nhân Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh
- Ngoại khóa “Sức khỏe tâm thần học đường”
- Tập huấn trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí
- Điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần
Liên kết website
Ý kiến ()