Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:24 (GMT +7)
Gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống gia đình
Thứ 4, 16/03/2022 | 09:39:18 [GMT +7] A A
Quảng Ninh thời gian qua có nhiều giải pháp thúc đẩy mỗi gia đình phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, ngày càng trở nên tiến bộ, văn minh. Qua đó, góp phần hình thành những thế hệ công dân tiến bộ, tạo nền tảng xây dựng xã hội ổn định, văn minh.
Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL (ngày 28/1/2022) “Ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình trong toàn quốc. Năm nội dung của Bộ tiêu chí gồm: Ứng xử chung; ứng xử của vợ, chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em.
Quảng Ninh đang khẩn trương tuyên truyền, lan tỏa các nội dung này đến các khu dân cư theo hướng dẫn của Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL), Sở VH&TT. Trong đó, xác định cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền nhằm điều chỉnh ý thức, hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong mỗi gia đình.
Theo lãnh đạo sở VH&TT, Quảng Ninh có những thuận lợi trong việc triển khai Bộ tiêu chí nói trên, vì từ tháng 6/2019, Quảng Ninh đã là một trong 12 tỉnh, thành phố trong nước được lựa chọn để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí. Theo đó, 2 xã là Tiền An (TX Quảng Yên), Yên Than (huyện Tiên Yên) được tỉnh chọn để triển khai thí điểm với sự đồng hành sâu sát của ban, ngành liên quan.
Các ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, truyền thông về giáo dục đời sống gia đình, kỹ năng xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại đối với phụ nữ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi; chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bổ sung quy tắc hỗ trợ bình đẳng giới vào các hương ước, quy ước...
Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm 4 chương với 41 điều. Trong đó, chương 1 là những quy định chung; chương 2 là những quy tắc ứng xử chung; chương 3 là quy tắc ứng xử trong từng cộng đồng (trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng nơi cư trú; nơi công cộng; trên mạng xã hội) và chương 4 là tổ chức thực hiện.
Bên cạnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia vận động, tuyên truyền, khuyến khích, kiểm tra, giám sát đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt Bộ quy tắc này.
|
Nhận thấy phạm vi thí điểm mới chỉ ở địa bàn nhỏ, trong khi các nội dung thực hiện rất thiết thực, ngày 20/4/2020, UBND tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1310/QĐ-UBND); trong đó nêu những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng và trên mạng xã hội...
Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương chú trọng đưa Bộ Quy tắc về tận các khu dân cư, bằng cách thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân, khu phố, các hội thi, phong trào của địa phương, hội đoàn thể. Nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, khu, cơ quan, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thực hiện, phát động thi đua gắn tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa cho các cá nhân, tập thể hằng năm. Nội dung này bước đầu được gắn vào chương trình học tập tại các trường phổ thông, đào tạo nghề, cao đẳng, đại học... Bộ Quy tắc được lan truyền rộng tức là xã hội có thêm cách để nhắc nhở, khuyến khích, định hướng các thành viên trong gia đình điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mình trong ứng xử.
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử, việc phát huy giá trị truyền thống của gia đình cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp. Hằng năm các địa phương tích cực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; triển khai Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025; nhân rộng, củng cố mô hình câu lạc bộ giúp nhau phòng, chống bạo lực gia đình của các hội, đoàn thể; đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Năm 2022 các hoạt động về xây dựng gia đình tiếp tục được quan tâm triển khai trong toàn tỉnh. Cụ thể là thông qua các chương trình, kế hoạch tỉnh vừa ban hành, như: Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh giai đoạn 2022-2026; triển khai chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030...
Ngày 19/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 96/QĐ-TTg "Phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030".
Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. 100% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở; phấn đấu hằng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()