Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:50 (GMT +7)
Đầm Hà: Gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc
Thứ 4, 28/09/2022 | 10:09:02 [GMT +7] A A
Những năm qua, Đầm Hà luôn chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh, bền vững.
Trải qua bao thế hệ, đồng bào Dao Thanh Phán ở xã Quảng An đã hình thành một kho tàng văn hoá, thể hiện trong lời nói, con chữ, câu chuyện cổ, bài hát dân ca đối đáp, các nếp sinh hoạt, lao động hằng ngày. Dễ nhận thấy nhất là những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc đỏ của phụ nữ dân tộc Dao. Lưu giữ được bộ trang phục là cách để những người Dao Thanh Phán hôm nay trân trọng, tiếp nối văn hóa dân tộc, không quên đi nguồn cội của dân tộc mình. Đó cũng là tâm niệm của bà Lỷ Tài Múi (thôn Làng Ngang, xã Quảng An) khi cùng các chị em trong thôn thành lập Nhóm may thêu trang phục truyền thống.
Bà Múi kể: Theo phong tục xưa, các cô gái Dao đều phải biết thêu thùa, may vá để hằng ngày tự tay làm trang phục cho mình, làm quà tặng trong những dịp đặc biệt. Cuộc sống hiện đại hôm nay nhiều tiện nghi, muốn các cháu nhỏ tỉ mỉ cầm vải thêu thùa suốt 3 tháng cho 1 bộ quần áo, thì những người mẹ, người bà phải nỗ lực hơn xưa nhiều lắm. Do đó, bà và các chị em trong thôn cứ lúc nông nhàn, rảnh rỗi là cùng nhau thêu thùa, vừa để học hỏi lẫn nhau, vừa tạo thành hoạt động vui khỏe để con, cháu có hứng thú làm theo. Các sản phẩm làm ra đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hằng tuần được chị em mang đi bán tại chợ huyện, đã nhiều người đặt mua sản phẩm. Thật vui vì nghề truyền thống lâu đời giúp cho các gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Để khuyến khích, hỗ trợ đồng bào các dân tộc lưu giữ, phát triển văn hóa truyền thống, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng văn hóa các dân tộc. Đặc biệt là thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, qua đội ngũ người có uy tín để tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi mê tín dị đoan. Các hội diễn, giao lưu văn nghệ, thể thao được tổ chức hằng năm vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm... được lồng ghép các tiết mục, hoạt động tôn vinh văn hóa truyền thống. Tiêu biểu như biểu diễn trang phục truyền thống, trình diễn hát then, hát sán cố, thi đánh con quay, bắn nỏ, đẩy gậy, vật dân tộc... Huyện đang khẩn trương hoàn thành Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc được huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ qua Nghị quyết số 23-NQ/HU ngày 24/4/2019; đến nay gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, huyện giao nhiệm vụ cho Phòng VH&TT chủ trì phối hợp tham mưu cho huyện về công tác đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; gắn với khai thác văn hóa truyền thống các dân tộc theo định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phòng GD&ĐT huyện nghiên cứu, đổi mới chương trình dạy và học trong các nhà trường để lồng ghép hiệu quả việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()