Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 13/10/2024 17:34 (GMT +7)
Lan tỏa từ mô hình các câu lạc bộ
Chủ nhật, 29/09/2024 | 20:07:12 [GMT +7] A A
Những câu lạc bộ văn nghệ dân gian của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh không những góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân mà còn góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.
Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng các CLB văn nghệ trên địa bàn tỉnh, chỉ biết rằng, các CLB đang tồn tại với nhiều hình thức rất đa dạng. Có CLB chịu sự quản lý của cơ quan, tổ chức nhà nước, có CLB chịu sự quản lý của doanh nghiệp, có CLB lại thuộc các tổ chức hội văn nghệ địa phương.
Riêng Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh cũng đã thành lập và hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho 48 CLB. Nhiều hội viên cao niên đã tham gia xây dựng các CLB Hát đúm ở Quảng Yên; hát, múa cửa đình ở Đầm Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Cẩm Phả; hát chèo đường, hát đối giao duyên, hát cấp sắc… ở Hạ Long; Hát then, hát soóng cọ, hát cấp sắc ở Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ; hát xẩm ở Uông Bí; hát chèo ở Đông Triều… Trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc Dao ở Quảng Ninh đã có 5 CLB tham gia, trong đó 2 CLB thêu trang phục tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) và 3 CLB hát giao duyên tại Tiên Yên, Bình Liêu, Hạ Long.
Đặc biệt, nhiều nghệ nhân đã đưa di sản văn hóa vào trường học trong các giờ ngoại khoá, biểu diễn phục vụ cho các lễ hội địa phương. Đây là môi trường tốt để các nghệ nhân có đất thực hành và truyền dạy vốn di sản văn hóa quý báu của các dân tộc. Từ môi trường này, nhiều nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước. Từ năm 2009 đến nay, Quảng Ninh có 73 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân, 36 Nghệ nhân Ưu tú. Nghệ nhân dân gian được coi là những “báu vật nhân văn sống” vì ở độ tuổi cao niên đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Điều đáng mừng là các CLB đang phát triển một cách nở rộ. CLB Yêu tiếng hát dân ca quê hương Quảng Ninh thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh với 32 thành viên đã truyền dạy hát chèo cho các đội văn nghệ của nhiều thôn, xã trong tỉnh; phục vụ các lễ hội đình, hội chùa, dàn dựng nhiều hoạt cảnh chèo với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản diễn xướng chèo dân gian của cha ông.
Ở quy mô cấp huyện có các CLB Dân ca chèo Đông Triều, CLB Hát đúm Quảng Yên, CLB Xẩm - Chèo Hạ Long, CLB Diều sáo Hạ Long... Ra đời rất sớm ngay từ năm 2003, CLB Hát đúm Quảng Yên với 24 thành viên, phần lớn đều đã cao tuổi nhưng vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, sôi nổi, ôn lại những câu hát cũ, tập những bài mới được sưu tầm, động viên thăm hỏi lẫn nhau. Gần đây nhất, Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh ra mắt CLB Xẩm - Chèo Hạ Long tập hợp những nghệ nhân thích hát xẩm, hát chèo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại. Câu lạc bộ có 49 hội viên là tổ chức thành viên của Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh, hoạt động tự nguyện, tự chủ và tự quản về mọi mặt với mục tiêu khuyến khích phong trào biểu diễn hát chèo, hát xẩm ở Quảng Ninh.
Cấp xã, có các CLB hoạt động sôi nổi như: CLB hát chèo xã Quảng Minh (Hải Hà), CLB hát then thị trấn Bình Liêu, CLB hát soóng cọ xã Húc Động (huyện Bình Liêu), CLB hát then xã Hà Lâu, CLB hát then Phong Dụ, CLB hát then Điền Xá; CLB hát soóng cọ Đại Dực, CLB hát đối dân tộc Dao xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên). Riêng TX Đông Triều đã duy trì 175 CLB văn hóa văn nghệ, trong đó, có 33 CLB hát chèo hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
TP Móng Cái đã coi trọng việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. CLB hát nhà tơ, hát - múa cửa đình, xã Quảng Nghĩa là mô hình hoạt động hiệu quả tại TP Móng Cái, trở thành mái nhà chung của các nghệ nhân yêu thích loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở vùng biển và ven biển Quảng Ninh. CLB được thành lập năm 2014 với 45 thành viên, có chức năng biểu diễn, sưu tầm và sáng tác các bài hát nhà tơ, hát - múa cửa đình, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã Quảng Nghĩa và Phòng VH-TT TP Móng Cái. Kinh phí hoạt động của CLB chủ yếu do thành viên đóng góp và vận động xã hội hóa, cũng như thù lao biểu diễn trong Lễ hội đình Bầu hàng năm.
Thậm chí, các CLB đã phát triển đến tận thôn, khu. TP Móng Cái là địa phương có nhiều CLB hát nhà tơ, hát cửa đình tại các nhà văn hoá thôn. CLB thôn Nam, xã Vạn Ninh được thành lập năm 2011, tập hợp 48 nghệ nhân cao niên, biểu diễn hát nhà tơ, hát cửa đình. Đây là CLB nòng cốt, hoạt động sôi nổi, tích cực nhất trong việc phổ biến, bảo tồn, phát huy giá trị hát nhà tơ, hát cửa đình.
Xã Vạn Ninh còn có CLB thôn Trung được thành lập năm 2015 với 32 thành viên say mê bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như hát đối, hát giao duyên. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Cần, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Thời gian tới, CLB văn nghệ dân gian thôn Trung sẽ tiếp tục duy trì sinh hoạt, sưu tầm thêm các làn điệu cổ và phát triển thêm hội viên mới, truyền dạy cho thế hệ trẻ di sản văn hóa của cha ông để lại. Đồng thời, qua các buổi sinh hoạt, CLB cũng lồng ghép những sáng tác mới tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng xã Vạn Ninh ngày càng giàu đẹp và văn minh”.
Phạm Học
- Bảo tồn văn hoá các dân tộc Quảng Ninh
- Hải Hà: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
- Giám sát chuyên đề về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa
- Bình Liêu: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để phát triển du lịch
- Bảo tồn tranh thờ người Dao
- Nghề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Móng Cái bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Liên kết website
Ý kiến ()