Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:38 (GMT +7)
"Cần bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững"
Chủ nhật, 10/12/2023 | 10:57:34 [GMT +7] A A
Ngày 15/12 tới đây, TP Hạ Long sẽ phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long".
Hội thảo góp phần phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, khẳng định được giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa; từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực vào công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích trên địa bàn, gắn với định hướng phát triển bền vững. Trước thềm sự kiện, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, đồng chủ trì cuộc hội thảo, về vấn đề này.
- Thưa ông, nếu căn cứ vào các tiêu chí cơ bản của không gian văn hóa thì không gian văn hóa TP Hạ Long hiện nay được hiểu như thế nào?
+ TP Hạ Long sau khi được mở rộng cũng hàm chứa cả 4 tiêu chí của một không gian văn hoá điển hình, với 4 bộ phận cấu thành cơ bản. Thứ nhất là không gian biển đảo Vịnh Hạ Long. Thứ hai là không gian đô thị ven biển. Thứ ba là không gian sinh thái nông, lâm nghiệp mà khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là hạt nhân (Hoành Bồ cũ). Và thứ tư là cộng đồng cư dân cư trú lâu đời, muộn nhất cũng từ hậu thời kỳ đồ đá mới đến nay.
Nét đặc trưng văn hoá của TP Hạ Long là đồi núi, thung lũng, vùng ven bờ, hải đảo với sự cộng cư giữa người Kinh và đồng bào 15 dân tộc thiểu số. Đặc trưng đó tạo nên sự đa dạng về sinh học, sinh thái tự nhiên và đa dạng văn hoá. Nét đặc trưng văn hoá nói trên đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận chuyên biệt và giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản văn hóa cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của không gian văn hoá tiêu biểu của TP Hạ Long.
- Một trong những cách tiếp cận quan trọng là coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn thành phố. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
+ Chính phủ đã xác định rõ 4 mục tiêu lớn cần đạt được trong chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu thứ 3 là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá gắn với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng và lợi thế.
Chúng ta thấy rõ, việc bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn phải gắn chặt với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá, nhất là mục tiêu số 3 “gắn với yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng, lợi thế”. Trong đó có du lịch văn hoá là ngành công nghiệp văn hoá mà Hạ Long có ưu thế vượt trội là: Du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long, du lịch đô thị ven biển - Vùng mỏ có truyền thống cách mạng hào hùng và du lịch sinh thái nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó phải kể tới các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố và kho tàng di sản văn hoá phi vật thể phong phú và đa dạng của 15 dân tộc thiểu số ở Hạ Long. Cụ thể, Hạ Long có 1 di tích quốc gia đặc biệt, đã được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 74 di tích được kiểm kê và phân loại. Có thể nói, đây là “nguồn vốn” mà văn hoá đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Hạ Long.
- Ông vừa nhắc đến du lịch văn hóa. Tiềm năng này của TP Hạ Long được nhận diện như thế nào, thưa ông?
+ Thực tế cho thấy, du lịch văn hoá chính là ngành công nghiệp văn hoá mà Hạ Long có ưu thế vượt trội so với các thành phố khác trong cả nước. Du lịch văn hoá không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho ngành kinh tế, mà còn có khả năng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá khác cùng phát triển.
Sự đóng góp quan trọng của du lịch văn hoá vào quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng thương hiệu được thể hiện ở các mặt sau đây: Du lịch văn hoá góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn hoá độc đáo của Quảng Ninh. Du lịch văn hoá là phương tiện hữu hiệu để quảng bá văn hoá và đối ngoại văn hoá để xây dựng hình ảnh tươi đẹp và hấp dẫn của quê hương Quảng Ninh, đặc biệt là thương hiệu sang, quý của Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, thật sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Du lịch văn hoá ở Quảng Ninh còn hướng tới mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đảng bộ và nhân dân TP Hạ Long đã biết phát huy thế mạnh của mình trong phát triển công nghiệp văn hoá nói chung và du lịch văn hoá nói riêng. Đó là các mặt mạnh cụ thể: Vị trí thuận lợi ở trung tâm tỉnh Quảng Ninh; sở hữu di sản thiên nhiên thế giới và nhiều cảnh quan thiên nhiên, văn hoá độc đáo; giao thông thuận tiện cho việc tiếp cận các di tích lịch sử - văn hoá; có cơ sở vật chất kỹ thuật được nâng cao về chất lượng; có chính sách phù hợp cho việc phát triển du lịch; đa dạng hoá loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; thu hút được các dự án, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư cho phát triển du lịch; có nguồn lực phát triển du lịch mạnh; an toàn, an ninh và trật tự xã hội ổn định; thương hiệu du lịch Hạ Long được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến. Đặc biệt có nét văn hoá đặc sắc của 15 dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn.
- Những con số thống kê nào đã giúp ông khẳng định điều đó?
+ Qua con số thống kê về hiệu quả phát triển du lịch ở Quảng Ninh năm 2019 (trước dịch Covid-19), ta thấy bước tiến bộ vượt bậc về phát triển công nghiệp văn hoá tại địa phương. Quảng Ninh thu hút được 14 triệu lượt khách, trong đó có gần 5,75 triệu lượt khách quốc tế với đóng góp vào GDP của tỉnh là 29.487 tỷ đồng, riêng phí tham quan Vịnh Hạ Long thu được gần 1.400 tỷ đồng.. Những phân tích ở trên cho thấy, việc bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững đã mang lại lợi ích về nhiều mặt cho xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội cho TP Hạ Long là rất lớn.
- Theo ông, hiện nay Hạ Long cần phải làm gì để đẩy mạnh du lịch văn hóa?
+ Muốn phát huy tối đa các thế mạnh về du lịch văn hoá, Hạ Long cần quan tâm đầu tư các nguồn lực lớn (vốn trí tuệ, vốn văn hoá và vốn tài chính) cho một số mặt hoạt động. Cụ thể, trên cơ sở kết quả hội thảo do địa phương tổ chức, tiếp tục nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát các điểm, phát hiện các địa điểm di tích mới trên địa bàn thành phố, đồng thời triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích nhằm bổ sung nguồn tài nguyên nhân văn mới phục vụ yêu cầu phát triển du lịch văn hoá như: “Không gian văn hoá” núi Bài Thơ, bến phà Hòn Gai nhằm gợi lại hình ảnh của một thị xã xưa tuy còn bộn bề, khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi anh hùng. Lựa chọn một vài điểm không gian khai thác than trong hầm lò và lộ thiên để bảo tồn với tư cách là các di tích công nghiệp mang đặc trưng của Vùng mỏ có truyền thống cách mạng hào hùng...
Hạ Long cần có dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số làm tư liệu cho các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích trong tương lai, đồng thời cung cấp chất liệu văn hoá giúp ngành du lịch sáng tạo các loại hình dịch vụ văn hoá, tổ chức các sự kiện văn hoá, góp phần làm cho các sản phẩm du lịch ở Hạ Long luôn tươi mới và có sức hấp dẫn đối với du khách. Nên coi đây là “cơ sở dữ liệu lớn” dưới dạng số tiện lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Hạ Long về lâu dài.
Hạ Long cần tích hợp và lồng ghép các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố liên quan tới bảo tồn di sản văn hóa và du lịch, đặc biệt có cơ chế, chính sách liên kết giữa hai ngành di sản và du lịch trên phạm vi toàn thành phố cùng thực hiện các dự án liên ngành, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc của Hạ Long.
Thêm nữa, cần tận dụng thế mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng triển khai chương trình giáo dục di sản văn hóa rộng khắp trên toàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò và vị thế của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, vận hành tốt các nguyên tắc đạo đức môi trường cũng như thái độ tôn trọng di sản văn hóa do các thế hệ cha ông trao truyền lại. Tóm lại, nhận thức về vai trò di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá nói riêng cần trở thành chương trình hành động của toàn thành phố, nhằm biến di sản văn hóa thành lực lượng vật chất và động lực cho phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Học (Thực hiện)
- Di sản văn hoá phi vật thể Quảng Ninh có gì?
- “Thương cảng Vân Đồn là một di sản văn hóa đặc biệt...”
- Di sản văn hóa phi vật thể: Gìn giữ để phát triển
- 12 - là số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia hiện có của tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Số hóa 3D các di sản văn hóa ở Quảng Ninh
- Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, danh thắng
Liên kết website
Ý kiến ()