Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:02 (GMT +7)
“Thương cảng Vân Đồn là một di sản văn hóa đặc biệt...”
Chủ nhật, 03/12/2023 | 07:03:42 [GMT +7] A A
Huyện Vân Đồn đang sở hữu kho di sản văn hoá vô giá với những di tích của người tiền sử, những di sản văn hoá phi vật thể vùng miền. Trong đó phải kể đến Thương cảng Vân Đồn, nơi được cho là một trong những xuất phát điểm con đường tơ lụa trên biển đã góp phần làm phong phú thêm nguồn lực tri thức, kho tàng văn hoá của cư dân vùng biển đảo. Cùng với những giá trị lịch sử của Thương cảng Vân Đồn, các lễ hội văn hoá nổi bật trên quần đảo Vân Hải là cơ sở để hình thành các tuyến tham quan du lịch văn hoá gắn với du lịch sinh thái biển đảo.
Nhân Thương cảng Vân Đồn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, về những giá trị văn hóa phi vật thể ở vùng đất này.
- Thưa bà, hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể ở vùng Thương cảng Vân Đồn được đánh giá như thế nào?
+ Theo kết quả kiểm kê của Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh vào năm 2016 thì huyện Vân Đồn có 38 di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 33 di sản, còn lại 5 di sản đã mai một, với lại trong số 33 di sản đó có đến 16 di sản thuộc dạng đang mai một. Trong số 33 di sản nói trên, có 15 di sản liên quan trực tiếp đến khu vực Thương cảng Vân Đồn xưa, nay thuộc các xã Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng và Thắng Lợi. Trong đó 8/15 di sản này lại thuộc dạng đang mai một.
Thực tế cho thấy, di sản văn hóa phi vật thể ở Vân Đồn, nhất là khu vực quần thể Thương cảng rất mỏng, đa phần là đang mai một, hay là được phục dựng hoặc đang mai một hẳn. Trong khi đó, hiện nay tốc độ phát triển của huyện Vân Đồn lại rất nhanh. Việc xây dựng nhiều công trình mới phát triển du lịch và sự biến động lớn của cộng đồng dân cư ở đây đã, đang và sẽ xói mòn dần và dẫn đến sự biến mất của một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể và không gian văn hóa liên quan.
- Sự mai một đó có vẻ như đã làm cho chúng ta suy nghĩ hơi bi quan không, thưa Tiến sĩ?
+ Dù hình hài không gian vật chất môi trường cảnh quan và hoạt động của Thương cảng Vân Đồn đã thay đổi không còn là điểm tựa, là bối cảnh, là điều kiện để hiển thị duy trì rồi dẫn đến dần mai một các giá trị di sản phi vật thể đã từng có thì đâu đó di sản vẫn cố gắng “neo” lại cùng với sự tồn tại của những cộng đồng, những người dân, những chủ thể văn hóa của vùng biển đảo này. Chúng tôi tin rằng, có thể phát hiện ra nhiều hơn các biểu đạt văn hóa phi vật thể liên quan đến Thương cảng Vân Đồn xưa.
- Bà có thể dẫn ra những ví dụ...
+ Ví dụ như có nhiều địa danh được đặt và gọi theo kiểu dân gian. Các tên gọi này khá đặc biệt, rất cổ và thể hiện đặc trưng bản sắc của cư dân biển như: Bến Cái, bến Cái Làng, Cái Cổng, Cái Bầu, Cái Bàn, Gạo Rang, bến Đâm Gạo.
Một số tên gọi lại gắn với niềm tin nghi lễ và linh vật như là cổng Ông, cổng Bà, con Quy, Cái Rồng, rùa Vàng. Vài tên gọi khác lại phản ánh ý niệm của con người về thế giới tự nhiên, về sự tinh túy hiếm có quý giá vô ngần. Chắc chắn đã từng tồn tại biểu đạt văn hóa tập quán về việc đặt tên và cùng với đó là các câu chuyện truyền khẩu về ý nghĩa của nó.
- Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ để đánh giá hết giá trị đặc biệt của Vân Đồn...?
+ Còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác như tri thức dân gian về việc tìm kiếm nước ngọt bảo vệ nguồn sống này cho cư dân trên các đảo thông qua dấu tích giếng cổ. Từ xa xưa, cư dân Vân Đồn bằng tri thức dân gian đã tìm kiếm được nguồn nước ngọt trên các hòn đảo và xây dựng các giếng để lấy nước sinh hoạt. Hiện vẫn còn giếng Hệu, giếng Chổi, giếng Ruộng, giếng Đình…
Thứ nữa là tập quán xã hội về nghi lễ những điều kiêng kỵ, những quy tắc kinh nghiệm được thể hiện thông qua ngôn ngữ và biểu đạt của người bán, người mua. Còn có loại hình di sản văn hóa phi vật thể là nghề thủ công truyền thống Đại Việt xưa, như: Gốm sứ, ngọc trai, lụa, hương trầm…
Nói riêng về gốm sứ, Thương cảng Vân Đồn là nơi xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ. Những sản phẩm đó ngày nay là cổ vật bảo vật đã được đi muôn nơi khắp thế giới. Ở Việt Nam, bảo vật như thế cũng rất nhiều trong các bảo tàng di tích và các sưu tập tư nhân. Tôi tin rằng, nếu chính quyền địa phương đầu tư tốt cho việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật để xây nhà và thiết kế trưng bày hiện đại bảo tàng gốm Việt Nam sẽ là nơi diễn giải vật thể hóa trực quan những câu chuyện chứa đựng trong các dấu tích các di chỉ khảo cổ học và sử liệu.
Bảo tàng sẽ kết nối với sự hiện diện của các nghề thủ công truyền thống ở Chu Đậu, Bát Tràng, Kim Lan, Đông Triều cùng với các nghề lụa là, vải vóc, ngọc trai đã làm nên thương hiệu của Thương cảng Vân Đồn từ xa xưa. Với cách tiếp cận đó, chúng ta có thể giới thiệu các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia lân cận Trung Hoa và Nhật Bản. Thương cảng Vân Đồn ngày nay sẽ là nơi hội tụ không gian văn hóa, kể câu chuyện con đường thương mại gốm sứ xưa và nay.
- Về lĩnh vực lễ hội, khu vực Thương cảng Vân Đồn có điều gì đáng chú ý, thưa Tiến sĩ?
+ Qua kiểm kê ở Vân Đồn có lễ thượng nguyên và lễ giỗ vua Lý Anh Tông được khôi phục vào năm 1990, lễ hội truyền thống Vân Đồn phục dựng năm 1993, lễ hội đình Minh Châu đã phục dựng, lễ hội đình Ngọc Vừng đã phục dựng. Lễ hội truyền thống Vân Đồn hay còn gọi là lễ hội chèo bơi Quan Lạn là lễ hội lớn nhất diễn ra ở đình và nghè Quan Lạn vào trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm. Lễ hội có từ lâu là một sự sáng tạo của cộng đồng cư dân Quan Lạn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chúng tôi cho rằng, cần đánh giá lại hiện trạng và thực hành của các lễ hội để có biện pháp bảo vệ tốt nhất đúng với tinh thần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đó không chỉ là sự kiện văn hóa của tỉnh mà cốt lõi là lễ hội của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo thực hành một cách chủ động với sự hiểu biết đầy đủ thực sự gắn với đời sống của chính họ và góp phần phát triển bền vững.
- Về câu chuyện này, bà có góp ý gì cho tỉnh Quảng Ninh?
+ Với đặc thù là một quần thể có hàng chục điểm di tích nằm rải rác cách xa nhau, nhiều chỗ chỉ còn là phế tích nhưng mỗi địa điểm từ tên gọi đến cảnh quan sinh thái đều liên quan tới nhau và có những ý nghĩa đặc biệt. Đối với quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn thì việc khoanh vùng bảo vệ như các di tích đơn lẻ là bất cập và không có lợi với tầm nhìn và chiến lược phát triển của địa phương. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu quy hoạch có di tích phục dựng lại nhưng có di tích chỉ cần gắn biển thông tin và diễn giải theo phương pháp bảo tàng học.
Di sản văn hóa phi vật thể là một bộ phận quan trọng, giá trị cốt lõi của Thương cảng Vân Đồn. Với hiện trạng đang mai một của loại hình di sản này cần thiết phải khẩn cấp nhận diện, phục hồi và làm sống lại trong đời sống của cư dân Vân Đồn với cách tiếp cận tổng thể bảo vệ di sản của UNESCO mà chúng tôi đã đề xuất.
Cùng với đó, cần bảo vệ, phục hồi cả cảnh quan, sinh thái môi trường để neo giữ vật thể hóa các câu chuyện văn hóa phi vật thể và ý nghĩa lịch sử của nó như là cơ sở tiền đề để cộng đồng tái sáng tạo văn hóa của mình. Thương cảng Vân Đồn là một di sản văn hóa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng về lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội của quốc gia. Di sản này còn là tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội VHTT dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2023
- Đặc sắc lễ hội Bàn Vương
- Lễ hội Bàn Vương lần thứ III năm 2023
- Rực rỡ sắc màu nghệ thuật đường phố Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long
- Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch
- Dấu ấn tuổi trẻ tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2023
- Khai mạc Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2023
- Từ ngày 17/9 - 4/10 diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông và Lễ tưởng niệm 710 năm ngày mất của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1313-2023)
- Vai trò của lễ hội
- Lễ hội truyền thống Vân Đồn
Liên kết website
Ý kiến ()