Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:17 (GMT +7)
TP Hạ Long: Quyết tâm cao, hành động quyết liệt
Thứ 7, 09/11/2024 | 09:07:37 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của BTV Tỉnh ủy "Về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đến nay TP Hạ Long đã hoàn thành 15/16 nhóm mục tiêu của Nghị quyết. Tuy nhiên, để trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về chuyển đổi số toàn diện trong năm 2025, thành phố cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn.
Nhận diện rõ điểm nghẽn
Theo kết quả về đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh, năm 2023 thành phố đạt 712/1.000 điểm (mức độ khá), đứng thứ nhất khối 13 địa phương cấp huyện, tăng 1 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên điểm số trung bình cấp xã của thành phố mới đạt 634/1.000 điểm (mức trung bình), xếp thứ 4/13 địa phương; một số chỉ số chính (an toàn thông tin mạng, kinh tế số, xã hội số) có mức điểm khá thấp (dưới trung bình và trung bình).
Nguyên nhân chính được thành phố nhận diện và chỉ ra là: Ứng dụng CNTT phục vụ công tác đảm bảo ANTT triển khai còn chậm, nhất là trong lĩnh vực đất đai; chưa triển khai được sóng viễn thông diện rộng trên Vịnh Hạ Long; trang thiết bị hệ thống hạ tầng còn thiếu, hỏng hóc nhiều, chủ yếu tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, công an xã, phường; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, một số đơn vị không có cán bộ chuyên trách CNTT phục vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, một số dự án trọng tâm do tỉnh triển khai tác động lớn đến chuyển đổi số của thành phố, liên quan đến nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công tỉnh.
Bà Nguyễn Bảo Phương, Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố, chia sẻ: Trung tâm đã bố trí nhân lực, trang bị máy móc hiện đại đảm bảo phục vụ tốt nhất trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của công dân. Khó khăn lớn nhất đối với Trung tâm hiện nay là hạ tầng viễn thông, dẫn đến việc số hóa, giải quyết các TTHC còn bị ảnh hưởng. Qua rà soát, Trung tâm có một số bộ hồ sơ đã đưa lên hệ thống một cửa điện tử, nhưng không có thành phần hồ sơ đính kèm do ảnh hưởng đường truyền. Hạn chế về hạ tầng viễn thông cũng khiến cho việc số hóa hồ sơ đầu vào tại thành phố chỉ đạt tỷ lệ 99,8%. Trong khi chỉ tiêu do Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt ra là 100% trong năm 2024.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, việc quảng bá hàng hóa, đặc biệt là nông sản, lên sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên việc này đối với các hộ nông dân, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, các nông, thủy sản của thành phố còn khá ít ỏi. Các hộ chủ yếu bán hàng theo hình thức truyền thống, giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Nhiều hộ dân cho biết vẫn chưa hiểu rõ quy trình kinh doanh trên nền tảng số, chưa được tiếp cận với các lớp tập huấn về bán hàng trên sàn thương mại...
Du lịch là thế mạnh của thành phố nhờ có Di sản Vịnh Hạ Long, cảnh quan, di tích văn hóa đa dạng, hằng năm đón hàng triệu lượt du khách; nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực này mới dừng ở mức độ cơ bản như: Lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn (Đầu Gỗ, Thiên Cung…); cung cấp 107 điểm wifi miễn phí; gắn mã QR Code ở một số điểm du lịch, di tích.
Bà Gao Ping (du khách Trung Quốc) chia sẻ: Thiên nhiên của Vịnh Hạ Long quá đẹp và hùng vỹ, không nơi nào có được. Chúng tôi rất tiếc khi thấy hoạt động du lịch của thành phố chưa được đầu tư, xây dựng bằng những công nghệ tiên tiến, hình ảnh các điểm du lịch còn đơn điệu, sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp. Các điểm ăn uống, dịch vụ, chưa có công cụ hỗ trợ toàn diện, từ việc tìm hiểu đến đặt trước dịch vụ, thanh toán.
Ưu tiên nguồn lực cho những lĩnh vực trọng tâm
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Thành phố xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; là giải pháp quan trọng thúc đẩy nhanh, tạo phát triển đột phá, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Để tháo gỡ các điểm nghẽn vẫn còn tồn tại trong hoạt động chuyển đổi số, từ nay đến hết năm 2025 thành phố tập trung triển khai những giải pháp mới, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực có đối tượng bao phủ lớn, ảnh hưởng nhiều đến người dân và doanh nghiệp.
Theo đó thành phố giao các đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu, số hóa dữ liệu cho những lĩnh vực có khối lượng công việc lớn, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, như: Đất đai, quy hoạch, du lịch… để tạo đột phá trong chuyển đổi số. Như khi mua bán, chuyển nhượng bất động sản, điều người dân quan tâm nhất là đất có nằm trong quy hoạch không, có bị hạn chế trong việc xin giấy phép để sửa chữa nhà, thi công, cải tạo không. Thông thường người dân phải đến các phòng chức năng để xin được cung cấp thông tin đất đai. Tuy nhiên nếu số hóa được dữ liệu liên quan đến lĩnh vực này sẽ giúp cho người dân nắm được qua hệ thống trực tuyến, giảm thời gian và chi phí đi lại.
Cùng với số hóa dữ liệu theo hướng tích hợp, chuyên sâu, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng công nghệ 4G là chủ đạo, dần phát triển hạ tầng mạng 5G; chú trọng phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) để triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực; đẩy nhanh hoàn thiện đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh IP; nâng cấp duy trì hệ thống mạng internet cáp quang tốc độ cao, đường truyền số liệu chuyên dùng.
Trong xây dựng chính quyền số, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng nền hành chính không giấy tờ, quản lý, điều hành dựa trên số hóa, giải quyết công việc trên môi trường mạng; ký ban hành, phê duyệt kết quả bằng chữ ký số, trả kết quả trên môi trường điện tử; dịch vụ công trực tuyến từ xa; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thu thuế thông minh; thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khai thác hiệu quả dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường các cuộc họp trực tuyến...
Đối với kinh tế số, thành phố quan tâm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX, cơ sở SXKD cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn TMĐT theo hướng bài bản, có lộ trình cụ thể.
Trong phát triển xã hội số, thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để đẩy mạnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trạm BTS trên địa bàn, phủ lõm sóng tại các khu vực vùng cao; triển khai các dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh qua nhiều kênh giao tiếp.
Hoàng Nga
- Từ 8h00 ngày 10/10 bắt đầu diễn ra Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024
- Hạ Long: Sơ kết đợt 1 thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Hạ Long: Phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về chuyển đổi số toàn diện
- Chuyển đổi số - động lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Liên kết website
Ý kiến ()